Tiếp tục thực hiện chương trình 'Mẹ đỡ đầu' sẽ đạt mục tiêu kép trong việc chăm sóc toàn diện cho trẻ mồ côi
Sáng 24/11, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết toàn quốc 2 năm thực hiện chương trình 'Mẹ đỡ đầu'.
Tham dự trực tiếp tại Hội nghị có gần 300 đại biểu, đại diện lãnh đạo các Bộ/ngành liên quan, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành, các đơn vị đồng hành, tổ chức quốc tế… Tham gia trực tuyến có hơn 1.000 đại biểu ở gần 300 điểm cầu tại 35 tỉnh/thành trong cả nước.
Điểm tựa vững chắc cho những đứa trẻ bơ vơ
Sau 2 năm triển khai, chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã được 100% Hội LHPN tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội.
Nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do Covid -19 trên địa bàn có Mẹ đỡ đầu, nhiều tỉnh/thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do Covid-19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác; nhiều "Mẹ đỡ đầu" đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học; hầu hết các trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.
Việc triển khai Chương trình dù chỉ mới bắt đầu cho một hành trình dài đồng hành cùng trẻ nhưng bước đầu đã hạn chế được sự trùng lặp trong điều phối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo các con được hỗ trợ tương đối đồng đều, tránh bỏ sót. Đặc biệt, qua kết nối của TƯ Hội LHPN Việt Nam, đến nay qua đã có 34 Mẹ đỡ đầu tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền.
Các tham luận tại Hội nghị cho thấy, mỗi Bộ ngành, mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu". Tất cả đều hướng đến mục tiêu lan tỏa một hoạt động nhân văn, đem hơi ấm tình người đến với trẻ mồ côi, khích lệ các em tiến lên trong cuộc sống.
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng, Công tác Chính trị, Trưởng ban Phụ nữ Công an, Bộ Công an - cho biết, sau gần 2 năm triển khai chương trình, các cấp Hội trong phụ nữ Công an nhân dân đã đóng góp và vận động gần 23 tỷ đồng, đỡ đầu 1.886 cháu mồ côi do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có 307 cháu mồ côi cả bố và mẹ, 315 cháu là người dân tộc thiểu số; 45 cháu là con liệt sĩ; 9 cháu có bố mẹ đang thi hành án phạt tù; một số cháu là nạn nhân của các loại tội phạm; nhiều cháu đang mắc bệnh hiểm nghèo… Điểm sáng kinh nghiệm của Hội Phụ nữ Bộ Công an trong thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" chính là đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn lực lượng, gắn với vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp Hội Phụ nữ và các tổ chức ngoài lực lượng trong thực hiện đỡ đầu trẻ mồ côi.
Huyện Văn Giang (Hưng Yên), huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), huyện Nghi Xuân (Thanh Hóa) đều phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện ủy trong thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu". Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chia sẻ, ngay khi tiếp nhận báo cáo, đề xuất của Hội LHPN huyện Văn Giang triển khai thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Huyện ủy đã chỉ đạo Hội LHPN huyện rà soát xác định đầy đủ các đối tượng đúng tiêu chí trong địa bàn để các cấp, các ngành của huyện tập trung nguồn lực triển khai chương trình, đảm bảo chăm sóc, động viên tinh thần, hướng dẫn trẻ cách chăm sóc bản thân, giúp các em có được hơi ấm tình thân từ những người mẹ, người cha thứ hai.
Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam rất tâm huyết với chương trình, trăn trở làm sao để có chính sách thực hiện chương trình phù hợp với từng đối tượng trẻ, đảm bảo mức hỗ trợ công bằng giữa nhóm chăm sóc trong cơ sở tập trung và ngoài cộng đồng. Theo ông Nam, về công tác xã hội, dù hỗ trợ trẻ như thế nào đều cần được khảo sát, đánh giá kỹ để tránh các rủi ro. Cần phải có các tiêu chí cụ thể cần tuân thủ khi chăm sóc thay thế cho trẻ để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh trẻ bị xâm hại, tiếp tục bị tổn thương, làm sao để khuyến khích mọi người cùng chung tay làm việc tốt, đồng thời có hệ thống để kiểm soát. Ông Nam khẳng định, Cục Trẻ em sẵn sàng phối hợp với TƯ Hội LHPN Việt Nam để mở các lớp tập huấn cho các cha mẹ đỡ đầu, đặc biệt là những bố mẹ đưa trẻ về nhà chăm sóc trong gia đình, có sự tư vấn và giám sát thường xuyên.
Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa là đơn vị có nhiều sáng tạo trong việc triển khai thực hiện chương trình này. Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa, đây là chương trình dễ làm nhưng để thực sự hiệu quả quan trọng là cách làm, rất cần sự tỉ mỉ, chi tiết và tạo nên một vòng tròn chăm sóc đầy đủ cho các con, từ ăn, học đến chơi, học các kỹ năng khác. Khi tiếp cận từ nhu cầu của các con, sự hỗ trợ sẽ dần hoàn thiện hơn, đảm bảo mình nuôi con ở nhà thế nào thì trẻ mồ côi cũng được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ như vậy, để các cháu có cuộc sống an vui, hạnh phúc, bình an.
Chia sẻ của người bố đỡ đầu, Tổng giám đốc Công ty Lead Việt Nguyễn Văn Huy, người cha nuôi của 13 cháu mồ côi, làm cho không khí Hội nghị rất xúc động. Là bố của 3 con nhỏ, khi biết về chương trình "Mẹ đỡ đầu", anh nhận thấy đây là hoạt động thiết thực, nhân văn, tâm niệm sẽ dành một phần thu nhập của mình hỗ trợ cho các cháu mồ côi đang thiếu đi sự nuôi dưỡng và chăm sóc cần thiết để có một tương lai tốt đẹp. Anh quan niệm, món quà vật chất thì có thể làm được nhưng quan trọng là những người cha, người mẹ ở sát bên cùng đồng hành với con. Khi làm chương trình này, có các chị phụ nữ cơ sở đồng hành rất nhiệt tình, chỉn chu, nhất là rà soát các đối tượng phù hợp thì anh rất yên tâm, hoàn toàn tin tưởng, có nhiều điều kiện đỡ đầu, chăm sóc nhiều cháu hơn.
"Chuyến xe Mẹ đỡ đầu" tiếp tục lăn bánh
Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đánh giá cao sự vào cuộc bằng tất cả tấm lòng vào chương trình "Mẹ đỡ đầu", khiến cho chương trình triển khai trong một thời gian ngắn nhưng lan tỏa nhanh chóng với hiệu quả cao. Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, với văn hóa Á Đông, "Mẹ" là điều thiêng liêng, không dễ gọi ai đó xa lạ là mẹ nhưng chương trình đã tạo một niềm tin để các con mồ côi lại được gọi Mẹ và có những người mẹ chăm lo, nâng đỡ tinh thần.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng chỉ rõ những thách thức, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình thời gian tới. Việc theo dõi, giám sát, hỗ trợ trẻ mồ côi có thể bị thay đổi nguồn lực, bị ngắt quãng, không đảm bảo hỗ trợ đầy đủ, toàn diện lâu dài cho các con. Bà Tôn Ngọc Hạnh khẳng định, nhiều người cùng chung tay sẽ tạo nên sức mạnh. Tiếp tục thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" sẽ đạt mục tiêu kép cho nhiều nội dung trong việc chăm sóc toàn diện cho trẻ về học hành, sức khỏe, tâm lý, giúp các con có niềm tin, khát vọng, năng lượng tích cực của cha mẹ đỡ đầu truyền cho để vững vàng trong cuộc sống, nỗ lực vươn lên. Hành trình "Mẹ đỡ đầu" đã và đang sẻ chia yêu thương đến với các con mồ côi, để cùng nhau bù đắp với quyết tâm mang đến cho các con một mái ấm tình thân, giúp các con tiếp tục vượt qua chông gai, vững vàng đi tới tương lai.
Từ triển khai chỉ đạo của Trung ương, sự hưởng ứng tích cực của Mạng lưới BCH TƯ, Hội LHPN các tỉnh, thành Hội và cán bộ, hội viên trên địa bàn cả nước, đến nay chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19. Bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, những tấm lòng nhân ái thông qua chương trình "Mẹ đỡ đầu", cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới, chắp cánh hy vọng cho những tâm hồn non nớt vượt lên vô vọng của cuộc đời mình sau khi mất đi chỗ dựa yêu thương của bố mẹ.