Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là khi các ca mắc Covid-19 gia tăng bởi các công dân trở về từ các tỉnh, thành có dịch, phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xung quanh vấn đề này.

 Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

P.V: Trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu ổ dịch ở những địa phương nào và trường hợp mắc Covid-19, thưa bác sĩ?

Bs Đặng Thành: Căn cứ Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021, của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19", tính đến chiều 4/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 34 ổ dịch tại 8 huyện, thành phố; trong đó có 1 ổ dịch đã dừng hoạt động. Cụ thể: Đắk Mil 9 ổ dịch; Đắk Song 9 ổ dịch; Đắk R'lấp 5 ổ dịch; Krông Nô 5 ổ dịch; Gia Nghĩa 2 ổ dịch; Đắk Glong 2 ổ dịch; Cư Jút 2 ổ dịch, với 107 ca bệnh được ghi nhận.

Trong đó, 40 bệnh nhân được phát hiện tại địa phương và do lây nhiễm trong cộng đồng và 67 bệnh nhân là các trường hợp về từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

P.V: Thưa bác sĩ, ngoài số ca có yếu tố dich tễ đi về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì Đắk Nông đã khống chế được nguồn lây trong cộng đồng hay chưa?

Bs Đặng Thành: Ngay sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, phống dịch bệnh ở người tỉnh Đắk Nông đã khẩn trương xuống địa bàn trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết để nhanh chóng khống chế ổ dịch.

Cụ thể, ngành Y tế phối hợp với các lực lượng khác thần tốc rà soát, truy vết, mở rộng diện xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, nhất là liên quan đến F0; thực hiện cách ly các F1 tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly y tế F2 tại nhà.

Cùng với nhanh chóng phong tỏa, khử trùng, khử khuẩn các địa điểm liên quan, ngành đã thông tin kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo khẩn các địa điểm ca bệnh từng đến, từng đi qua để người dân biết, chủ động khai báo với cơ quan y tế gần nhất.

Với sự vào cuộc quyết liệt, mang tính thần tốc của các lực lượng chức năng, có thể khẳng định hiện nay các ổ dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, chưa ghi nhận thêm các trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng liên quan đến các ổ dịch.

P.V: Có một số trường hợp qua xét nghiệm PCR âm tính lần 1, lần 2 nhưng lần 3 lại dương tính với SARS-CoV-2, vì sao lại như vậy và có đáng lo ngại không, thưa bác sĩ?

Bs Đặng Thành: Xét nghiệm bằng kỹ thuật RealTime PCR là xét nghiệm khẳng định một người có mắc Covid-19 hay không. Mẫu bệnh phẩm được lấy từ vùng dịch hầu họng để tìm vi rút, độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Kỹ thuật này phát hiện ADN (ARN) của mầm bệnh hiện diện trong bệnh phẩm nhờ vào phản ứng chuỗi enzyme polymerase khuếch đại lên cả triệu lần trong thời gian ngắn. Nguyên lý hoạt động là dùng enzyme trùng hợp polymerase để nhanh chóng tạo ra một lượng lớn các bản sao từ một đoạn AND (ARN) chọn lọc.

Kết quả của xét nghiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đầu tiên là vào diễn biến bệnh, tức mẫu bệnh phẩm lấy vào giai đoạn nào của bệnh. Chẳng hạn, thời gian lấy mẫu là khi mới nhiễm vi rút, xét nghiệm PCR vẫn cho là âm tính (vì vi rút chưa nhân lên đủ để cho kết quả dương tính). Hoặc lấy bệnh phẩm vào giai đoạn sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, xét nghiệm PCR cũng cho âm tính...

Để đưa ra kết luận một bệnh nhân mắc Covid-19 cần phải làm xét nghiệm theo quy trình rất cẩn thận và nghiêm ngặt mới có kết quả cuối cùng có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Muốn khẳng định chắc chắn một người mắc Covid-19 cần phải có sự phối hợp giữa lâm sàng và xét nghiệm. Khi lâm sàng và xét nghiệm cho kết quả không hợp lý sẽ làm lại xét nghiệm và kết quả xét nghiệm có thể chạy lại vài lần để khẳng định, chứ không phải chỉ làm duy nhất một lần.

Khi một trường hợp tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, tức là tại thời điểm lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm không tìm thấy vi rút trong dịch họng, lúc đó trường hợp đó chưa phát bệnh, chưa có khả năng lây lan cho người khác. Nhưng nếu trong thời kỳ ủ bệnh thì sau vài ngày, bệnh nhân phát bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính, khi đó sẽ có khả năng lây lan cho người khác.

Do đó, đối với F1, các trường hợp trở về từ các tỉnh, thành đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp cần được cách ly, giám sát chặt chẽ trong 14 ngày để khẳng định họ có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

P.V: Bắt đầu từ khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca mắc Covid-19, toàn tỉnh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các hình thức cách ly cho bao nhiêu trường hợp, thưa bác sĩ?

Bs Đặng Thành: Từ ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh (9/7) đến 15 giờ ngày 3/8, toàn tỉnh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 34.180 trường hợp liên quan, tiếp xúc gần với các ca bệnh Covid-19 cũng như tầm soát trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 13.096 trường hợp thực hiện cách ly phòng dịch tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung, cách ly y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà.

P.V: Bác sĩ có thể dự đoán tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như thế nào?

Bs Đặng Thành: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang… vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, tình hình công dân từ các tỉnh, thành phía Nam có dịch trở về địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu dịch tễ phức tạp.

Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới là công dân trở về từ các vùng dịch phức tạp như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Vì vậy, để kiểm soát tình hình dịch Covid-19, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt và đi đúng hướng các biện pháp phòng, chống dịch như lấy mẫu xét nghiệm khẳng định, thực hiện tốt việc cách ly y tế (tại nhà, tại cơ sở tập trung), giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện cách ly theo hướng dẫn...

Quan trọng hơn nữa, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, mọi người dân cần phải nâng cao ý thức, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng thái quá để cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Ngô Đồng thực hiện

457

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/y-te/tiep-tuc-thuc-hien-tot-cac-bien-phap-phong-chong-dich-88195.html