Tiếp tục triển khai chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn mới
(ĐN)- Ngày 16-11, tại TP.Biên Hòa, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam Lê Tấn Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, Sở Y tế, Hội NKT các tỉnh, thành khu vực phía Nam và đại diện các tổ chức phi chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng: Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Trong giai đoạn 2012-2020, có 300 tỷ đồng được bố trí để thực hiện Đề án trợ giúp NKT. Hiện có 36 tỉnh, thành đã tiến hành khám sàng lọc khuyết tật, xác định nhu cầu cần phục hồi chức năng của NKT. Có trên 500 ngàn NKT đã được lập hồ sơ theo dõi trên phần mềm. 20 tỉnh, thành đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và có 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt đang hoạt động. Giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm có từ 17 ngàn đến 20 ngàn NKT được dạy nghề và gần 20 ngàn NKT được giới thiệu việc làm…
Để tiếp tục thực hiện công tác trợ giúp NKT, Bộ LĐ-TBXH, Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam đã xây dựng Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030. Chương trình đặt ra mục tiêu hằng năm sẽ có khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau. Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho 200 ngàn NKT. Tiến hành đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục để đào tạo nghề cho NKT tại 6 vùng trong cả nước. 90% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích dành cho NKT…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng, nhấn mạnh: mục tiêu cao nhất của chương trình là nhằm hỗ trợ có hiệu quả NKT trên các mặt của đời sống xã hội, từ đó giúp NKT từng bước hòa nhập cuộc sống. Từ nội dung của chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng chương trình triển khai trợ giúp NKT trên địa bàn sao cho phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của NKT.
Tại Đồng Nai, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh: tỉnh hiện có khoảng 50 ngàn NKT. Trong đó, NKT đặc biệt nặng và NKT nặng đang hưởng trợ cấp thường xuyên là trên 30 ngàn người. Tỉnh luôn dành sự quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chăm sóc sức khỏe NKT.
Cụ thể, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình khuyến học dành cho học sinh khuyết tật. Huy động được hơn 1,5 ngàn trẻ em khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập. Ngoài ra có hơn 6,1 ngàn NKT, hộ có NKT được hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh và giới thiệu việc làm. Có 580 NKT không có người thân chăm sóc được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập để chăm sóc. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao dành cho NKT và tôn vinh NKT được tỉnh tổ chức thường xuyên…