Tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhằm xem xét việc thực hiện bốn nghị quyết về giám sát chuyên đề và bốn kết luận về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn, có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Công an, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc; tham gia phiên giải trình, có Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là lần đầu UBTVQH thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được giám sát, chất vấn. Các nội dung trong nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn, vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai, nhiều nội dung cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo mới có thể tạo chuyển biến tích cực. Những bất cập, hạn chế, đề xuất, kiến nghị nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra là cơ sở để UBTVQH, các đại biểu QH tiếp tục chất vấn, làm rõ các vấn đề liên quan.
UBTVQH đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; nghe Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề nóng được cử tri và nhân dân quan tâm. Trong đó, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) và một số đại biểu lo lắng về thực trạng tiêu cực trên mạng xã hội thời gian gần đây, như: lợi dụng môi trường mạng để chống phá Nhà nước; kêu gọi, kích động người dân biểu tình; phát tán thông tin sai sự thật; đánh bạc, lừa đảo... Nhấn mạnh xu hướng ngày càng tăng của thực trạng này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý những diễn biến phức tạp của mạng xã hội; tiến trình xây dựng mạng xã hội trong nước; biện pháp chấm dứt tình trạng “sim rác”.
Trả lời những nội dung nêu trên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực đấu tranh với các trang mạng xã hội nước ngoài, trong bối cảnh các trang này vẫn chưa có văn phòng đại diện, chưa đóng thuế và chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ các trang mạng xã hội nước ngoài thực hiện yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam đã tăng đáng kể, đều đạt từ 70% trở lên. Bộ trưởng tin tưởng, mạng xã hội trong nước sẽ có số lượng người dùng tương đương các trang mạng xã hội nước ngoài trong năm 2020 hoặc chậm nhất là năm 2021. Theo các báo cáo từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), tỷ lệ thông tin tiêu cực ở nước ta giảm từ 30% xuống dưới 10%. Liên quan tình trạng “sim rác”, về cơ bản đã xử lý các sim thiếu các thông tin theo quy định. Đến tháng 9-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao trách nhiệm trực tiếp đến người đứng đầu các công ty viễn thông về vấn đề “sim rác”. Nhà mạng nào vẫn để tồn tại “sim rác”, sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới.
Một số đại biểu nêu vấn đề: Thời gian qua, người lao động Việt Nam muốn đi lao động ở nước ngoài phải trả phí môi giới cao, thậm chí cao hơn nhiều lần so với các nước khác trong khối ASEAN. Công tác bảo vệ quyền lợi người lao động gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp môi giới cắt hoàn toàn liên lạc ngay sau khi người lao động sang tới nước ngoài. Trong khi đó, không ít người lao động đã tự ý phá bỏ hợp đồng, trốn lại nước ngoài để làm việc trái phép, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, làm mất ổn định thị trường lao động ở các nước đối tác, ảnh hưởng uy tín của lao động Việt Nam. Thực trạng cụ thể này khiến nhiều cử tri băn khoăn về trách nhiệm quản lý và xử lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trả lời chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua được các doanh nghiệp trong nước triển khai nghiêm túc, đúng với các quy định của pháp luật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện để người lao động trở về phục vụ Tổ quốc sau khi hết thời hạn lao động ở nước ngoài. Đồng thời, Bộ đang khẩn trương hoàn tất các nội dung của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) để trình QH. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có tình trạng chi phí môi giới cao, tuy nhiên doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này ở nước ta đang phải “gánh” nhiều trách nhiệm hơn so với các nước trong khu vực, cụ thể như quản lý và tham gia xử lý những vụ việc liên quan dù người lao động đã ở nước ngoài. Ngoài ra, mức phí không chỉ căn cứ theo luật pháp Việt Nam, mà còn phụ thuộc vào hiệp định lao động ký giữa Việt Nam và từng quốc gia cụ thể. Đối với tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn, ở lại các nước đối tác để tiếp tục lao động bất hợp pháp, Bộ trưởng khẳng định, đây không phải là lỗi từ một phía, bởi từng có doanh nghiệp đối tác ở nước ngoài chủ động tiếp tay cho người lao động Việt Nam bỏ trốn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vận dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, như: ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương, xử lý mạnh tay đối với doanh nghiệp của cả hai bên,...
Chiều cùng ngày, UBTVQH tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong phiên làm việc, một số đại biểu nêu chất vấn về việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành và các ngành chức năng khi nhiều vụ buôn bán, tiêu thụ xăng giả, thậm chí làm giả thương hiệu, nhãn mác hàng Việt Nam liên tục xuất hiện trong thời gian qua. Trả lời chất vấn nội dung này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sự phối hợp của các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tại địa phương còn chưa kịp thời, thiếu hiệu quả, nhất là trong công tác kiểm soát chất lượng các sản phẩm trên thị trường. Về vấn đề xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh viện dẫn các quy định trong Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cho rằng: Bộ Khoa học và Công nghệ cần sâu sát hơn trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện các quy định cụ thể về quy chuẩn các mặt hàng xăng, dầu, dung môi dùng trong pha chế. Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công thương) chưa có đủ điều kiện để kiểm tra, phát hiện những hành vi làm giả xăng, dầu được tổ chức quy mô, tinh vi. Vì vậy, công tác bảo đảm chất lượng xăng dầu cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các lực lượng liên quan, cụ thể là Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Quản lý thị trường và chính quyền các địa phương. Liên quan sự “nhập nhèm” xuất xứ sản phẩm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương đã bước đầu hoàn thiện dự thảo thông tư “Made in Việt Nam” và công bố rộng rãi nhằm tiếp thu ý kiến phản biện.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác băn khoăn về diễn biến phức tạp của nạn tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê hiện nay. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Trong sáu tháng đầu năm nay, lực lượng công an cả nước đã khởi tố hơn 430 vụ, với hơn 760 bị can về các tội danh liên quan tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê; khởi tố hơn 210 vụ, gần 950 bị can về tội danh cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Nhờ sự trấn áp mạnh mẽ, tội phạm tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm mức độ phức tạp, nhiều nơi đã dừng hoạt động hoàn toàn hoặc hoạt động cầm chừng. Mặc dù vậy, tình trạng nêu trên vẫn có nơi, có lúc còn gây lo lắng, bất an trong nhân dân. Lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành; điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường tuyên truyền tới nhân dân; chủ động phối hợp các ngành, địa phương, cơ quan liên quan,... Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định: Đến nay, chưa phát hiện hiện tượng “lực lượng chức năng bảo kê hoạt động tín dụng đen” như một số đại biểu QH đặt vấn đề. Quan điểm của Bộ Công an là không có bất cứ “vùng cấm” nào, đồng thời hoan nghênh người dân, đại biểu QH trao đổi thông tin để lực lượng công an nhanh chóng vào cuộc, xử lý trong trường hợp phát hiện sai phạm.
Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn một số nội dung mà các đại biểu QH đã nêu.
Phát biểu kết luận phiên làm việc hôm qua, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của QH, thể hiện tinh thần trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH trong việc giám sát đến cùng các nội dung đã được giám sát. Đây cũng là cơ hội để các thành viên Chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề, nội dung còn bất cập, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Nội dung chất vấn bao quát gần như toàn bộ các vấn đề của đời sống, xã hội, liên quan trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành. Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu QH, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của cử tri. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của UBTVQH trong thời gian tới.