Tiếp tục triển khai nhiều chương trình, kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp phát triển
Xác định vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
(HNMO) - Sáng 10-1-2020, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF 2019) đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững".
Quang cảnh diễn đàn.
Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế phối hợp tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu.
Tại diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng điểm lại những kết quả ấn tượng của kinh tế Việt Nam năm 2019. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức trên 7% ở năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, vốn giải ngân các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây...
Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, đồng chí Nguyễn Chí Dũng mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tham gia diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề xuất tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp, bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước....
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu 5 giải pháp chính mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư.
Thứ nhất, ưu tiên đầu tư cho phát triển với kết cấu hạ tầng đồng bộ, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sự cạnh tranh của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ hai, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, trong đó phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của kinh tế thị trường.
Thứ ba, phát triển và áp dụng hiệu quả chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ tư, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để bảo đảm cho các nguồn lực tự nhiên như đất đai, nước, khoáng sản... được giải phóng, gia tăng dòng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, làm động lực cho sự phát triển; hoàn thiện hệ thống thể chế để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.