Tiếp tục triệu tập hàng nghìn bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh

Theo Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Xuân Văn, Tòa án đã triệu tập 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có gần 1.000 bị hại có mặt tại Tòa.

Sáng 19/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Công ty Tân Hoàng Minh).

Tòa án đã triệu tập 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, theo thông báo từ phía Hội đồng xét xử, đến nay mới chỉ có gần 1.000 bị hại có mặt tại tòa. Trong đó, có 61 bị hại có mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các luật sư sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ tại phiên tòa. Tòa án cũng triệu tập 90 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, hiện 20 người có mặt.

Chỉ có gần 1.000 bị hại có mặt tại phiên xét xử.

Chỉ có gần 1.000 bị hại có mặt tại phiên xét xử.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, có một số người liên quan vắng mặt, nhưng đã có lời khai tại quá trình điều tra nên không ảnh hưởng đến diễn biến xét xử.

Với những người vắng mặt, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục triệu tập trong thời gian diễn ra phiên tòa nếu thấy cần thiết.

Đối với cơ quan báo chí, Hội đồng xét xử đề nghị các phóng viên tác nghiệp bên trong phòng xét xử tại thời điểm khai mạc phiên tòa và tuyên án. Diễn biến tranh tụng, phóng viên tác nghiệp tại phòng báo chí, song lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp yêu cầu chỉ mang giấy bút ghi chép, không được mang thiết bị máy tính, máy ảnh, điện thoại vào bên trong.

Trước đó, để chuẩn bị xét xử vụ án này, Tòa án đã bố trí hội trường xét xử chính, sức chứa khoảng 600 người. Tuy nhiên, số lượng bị hại rất đông nên Tòa án cũng bố trí thêm một hội trường khác có sức chứa tương đương và khu vực sân cơ quan (dựng nhà bạt) để các bị hại tham gia phiên tòa theo hình thức trực tuyến.

Các bị cáo tại Tòa.

Các bị cáo tại Tòa.

Theo cáo trạng, do khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 6/2021- 3/2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty (Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông) phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu: Ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn.

Các bị cáo đã thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, các bị cáo còn ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện qua việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.

Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu, từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng. Số tiền này được các bị cáo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tiep-tuc-trieu-tap-hang-nghin-bi-hai-trong-vu-an-tan-hoang-minh-167767.html