Tiếp tục vượt khó, hoàn thành tốt năm học mới 2021 - 2022

(ABO) Cùng với cả nước, vượt qua nhiều khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đạt được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của năm học 2020 - 2021. Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng hiện nay ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong năm học mới 2021 - 2022 với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động của toàn ngành. Điểm lại một số kết quả đạt được của toàn ngành trong thời gian qua cũng như việc chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc GD-ĐT tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, trong năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2020 - 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo ngành GD-ĐT tỉnh nhà thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Tiến sĩ Lê Quang Trí ,Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang.

Tiến sĩ Lê Quang Trí ,Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang.

Hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển rộng khắp trên địa bàn xã, phường, thị trấn của tỉnh. Toàn tỉnh có 186 trường mầm non, 170 trường tiểu học, 123 trường THCS (trong đó có 14 trường tiểu học và THCS), 38 trường THPT (trong đó có 5 trường THCS&THPT). Ngoài ra, có 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cấp tỉnh, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Tỷ lệ huy động các bậc học: Nhà trẻ đạt 15,1%, mẫu giáo đạt 80%, huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; tiểu học, huy động 100% trẻ đến trường so với dân số từ 6 - 10 tuổi; THCS huy động đạt 99% so với dân số từ 11 - 14 tuổi; THPT và tương đương đạt 81,2% so với dân số từ 15 - 17 tuổi.

Tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để triển khai thành công đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lớp 1; đồng thời, hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng cho hơn 11 ngàn cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông để triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (đã hoàn thành bồi dưỡng đại trà Modul 1, 2, 3).

Tiền Giang đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi phụ huynh khối lớp 1 và lớp 5 để lắng nghe đề xuất chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm theo tiến độ và chất lượng giáo dục để gửi về Bộ GD-ĐT phê duyệt kịp thời triển khai từ năm học 2021 - 2022.

Tiền Giang quan tâm thực hiện tốt việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT lần lượt đạt tỷ lệ 50,5%, 76,6%, 50% và 50%.

Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo sâu sát để tổ chức thành công 2 kỳ thi: THPT 2021 và tuyển sinh lớp 10. Công tác tổ chức 2 kỳ thi chặt chẽ và nhận được sự hưởng ứng đồng tình của nhân dân. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt tỷ lệ 99,25%. Điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh Tiền Giang là 6,631, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước và xếp hạng thứ 4 các tỉnh, thành khu vục Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 99,25%. Trong ảnh: Tiến sĩ Lê Quang Trí kiểm tra thực tế công tác dạy và học tại Trường THPT Lê Văn Phẩm, TX. Cai Lậy.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được tổ chức an toàn, đảm bảo khách quan, trung thực, đúng quy chế. Tổng số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là 16.642 học sinh, đạt tỷ lệ 71,9% so với học sinh tốt nghiệp THCS và 88,15% so với học sinh dự thi.

* Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, hiện nay, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang đối mặt với những khó khăn nào?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Có nhiều khó khăn đối với toàn ngành GD-ĐT hiện nay, trong đó có thể kể đến một số khó khăn như tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Toàn tỉnh hiện thiếu 935 giáo viên mầm non, vì vậy việc thực hiện chỉ tiêu huy động trẻ mầm non đến trường gặp một số khó khăn nhất định. Nguyên nhân thiếu giáo viên mầm non là do địa phương không có nguồn tuyển dụng.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến việc chuẩn bị và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Các dự án xây dựng, sửa chữa trường lớp đang bị chậm tiến độ do phải dừng thi công trong thời gian toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, do nhiều cơ sở giáo dục đang được trưng dụng để làm các khu cách ly tập trung y tế nên ảnh hưởng đến việc sửa chữa, chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới.

Việc mua sắm thiết bị dạy học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông lớp 2 và lớp 6; việc cung ứng SGK cho các cơ sở giáo dục và học sinh trên địa bàn tỉnh cũng chậm tiến độ (hiện nay chỉ đạt khoảng 70%) do các phương tiện vận chuyển khi qua địa bàn các tỉnh/thành bị giới hạn do SGK không nằm trong danh mục hàng thiết yếu.

Do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chỉ thực hiện chủ yếu bằng hình thức trực tuyến nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng và kết quả triển khai chương trình.

* Phóng viên: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị như thế nào cho năm học mới 2021 - 2022, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, thực hiện Chỉ thị 800 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ năm học 2021 - 2022; Quyết định 2551 của Bộ GD-ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương ban hành kế hoạch dạy học năm học 2021 - 2022.

Theo đó, sáng ngày 5-9, đồng loạt 350 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức khai giảng năm học mới 2021 - 2022 dưới hình thức online theo phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Sau lễ khai giảng, các trường sẽ tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh phổ thông từ khối lớp 1 đến lớp 12. Kế hoạch dạy học trực tuyến cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát sẽ tổ chức dạy học trực tuyến qua hệ thống quản lý dạy học trực tuyến do Sở GD-ĐT trang bị hoặc các phần mềm khác phù hợp. Thời gian dạy học trực tuyến từ ngày 6-9 (đối với lớp 9 và lớp 12) và từ ngày 13-9 (đối với các khối lớp còn lại).

Giai đoạn 2: Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát sẽ chuyển sang dạy học tập trung trực tiếp tại trường.

Đối với việc chuẩn bị SGK cho năm học mới, tỉnh đã có văn bản gửi Nhà xuất bản Giáo dục và các đơn vị có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để SGK lưu thông về các địa phương trong tình trạng giãn cách xã hội. Hiện nguồn SGK rất dồi dào và đã về các trường, chỉ chờ hết giãn cách sẽ phân phối, giao đến phụ huynh, học sinh.

* Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

VIỆT PHƯƠNG (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202108/tien-si-le-quang-tri-giam-doc-so-gd-dt-tinh-tien-giang-tiep-tuc-vuot-kho-hoan-thanh-tot-nam-hoc-moi-2021-2022-933426/