Tiếp tục xác minh, làm rõ hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh các công ty thuộc Asanzo
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm của Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương).
Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo về tình hình thực hiện công tác quản lý thị trường tại TP.HCM 7 tháng đầu năm 2019.
Báo cáo cho biết, những tháng cuối năm 2019 là khoảng thời gian có nhiều ngày lễ, tết nên mức tiêu thụ, lượng hàng hóa sẽ tăng. Trong đó tăng mạnh nhất là các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm thiết yếu các loại. Tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng hóa nhập lậu và sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm về sở hữu công nghiệp, hàng giả, hàng kém chất lượng... sẽ diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa, lĩnh vực quản lý.
Trước tình hình đó, những tháng cuối năm 2019, Tổng Cục quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Văn bản số 5546/VPCP-V.I ngày 24/6/2019 của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 05/KH-CQTT ngày 26/6/2019 của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về kiểm tra, xác minh làm rõ hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh của các công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo; việc phản ánh hàng hóa sản xuất nước ngoài nhưng gắn nhãn mác "made in Việt Nam" cũng như xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng.
Báo cáo cũng cho biết, trong những tháng đầu năm, cơ quan quản lý thị trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản; công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác "Made Vietnam"...
Đồng thời đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 11 vụ, trong đó có 2 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu; 7 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; 1 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm khoảng 10 tỷ 504 triệu đồng.
"Hàng hóa vi phạm kinh doanh xen lẫn với hàng hóa không vi phạm nên rất khó phát hiện và xử lý. Hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ thường được các đối tượng nhập lậu qua đường biển, đường hàng không, đường bộ... thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng", Báo cáo nêu.