Tiếp viên khiến quán karaoke ở Singapore thành ổ dịch

Do tiếp viên quán hát lây lan dịch ra cộng đồng, nhiều chủ sở hữu hộp đêm, quán bar và karaoke lo bị ảnh hưởng do phải áp dụng thêm nhiều biện pháp phòng dịch gắt gao.

Ngày 12/7, giới chức Singapore công bố ổ dịch mới bùng phát liên quan tới nhóm tiếp viên tại các quán karaoke, khiến số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở đảo quốc sư tử tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, theo CNA.

Tính đến ngày 15/7, Singapore ghi nhận ít nhất 87 trường hợp nhiễm virus có liên quan đến hoạt động của các phòng karaoke.

 Các chủ kinh doanh cơ sở hộp đêm, quán bar và karaoke ở Singapore lo không được hoạt động lại khi các tiếp viên quán hát lây lan dịch ra cộng đồng. Ảnh: Mothership.

Các chủ kinh doanh cơ sở hộp đêm, quán bar và karaoke ở Singapore lo không được hoạt động lại khi các tiếp viên quán hát lây lan dịch ra cộng đồng. Ảnh: Mothership.

Trước tình hình này, nhiều nhà điều hành trong lĩnh vực đời sống đêm lo ngại rằng hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục "đóng băng" và chịu thêm nhiều quy tắc chống dịch.

Ít lâu trước đó, họ đang lạc quan rằng các hộp đêm, quán bar, karaoke... có thể được cho phép mở cửa trở lại theo chương trình thí điểm từ nhà chức trách.

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Đời sống đêm Singapore (SNBA) Joseph Ong cho biết 5 cơ sở kinh doanh karaoke có liên quan tới chùm ca bệnh mới theo thông báo của Bộ Y tế không đại diện cho toàn bộ lĩnh vực này. Hầu hết chủ sở hữu luôn tuân thủ quy tắc phòng dịch và chỉ thị từ giới chức Singapore.

"Tôi lo rằng khi cụm dịch này lớn dần, lĩnh vực đời sống đêm ở đảo quốc sư tử sẽ rơi vào thế khó", ông Ong nói.

Con sâu làm rầu nồi canh

Trên danh nghĩa, Singapore chưa cho phép các cơ sở kinh doanh loại hình hộp đêm, bar hay karaoke hoạt động lại. Do đó, gần 400 tụ điểm phải tạm thời chuyển sang phục vụ đồ ăn thay thế khi giải pháp này được đưa ra vào năm ngoái, theo dữ liệu từ SNBA.

Do đó, 5 quán hát có 41 nữ tiếp viên mắc Covid-19 tuần qua đã phá vỡ quy định phòng dịch, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiệp hội SNBA nhận định dù chưa có thông tin cụ thể, họ e ngại rằng khi ổ dịch quán karaoke này có thêm ca mắc Covid-19, nhiều doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Chủ tịch hiệp hội Joseph Ong mô tả tình huống này như "con sâu làm rầu nồi canh".

 Khoảng 400 cơ sở kinh doanh nightlife ở Singapore phải chuyển sang mô hình quán ăn để được phép mở cửa trong giai đoạn này. Ảnh: Weibo.

Khoảng 400 cơ sở kinh doanh nightlife ở Singapore phải chuyển sang mô hình quán ăn để được phép mở cửa trong giai đoạn này. Ảnh: Weibo.

Bộ Bền vững và Môi trường Singapore thông báo vào ngày 15/7 rằng 3 cơ sở kinh doanh lĩnh vực đời sống đêm từng chuyển sang mô hình F&B đã bị thu hồi giấy phép do vi phạm quy tắc phòng dịch.

"Các cơ quan chức năng và phía cảnh sát sẽ tăng cường thực thi pháp luật với các hành vi vi phạm biện pháp quản lý an toàn, bất hợp pháp tại các quán karaoke chuyển đổi mô hình hoạt động khác", nhà chức trách Singapore tuyên bố.

Từ sự việc trên, Hiệp hội SBNA nhấn mạnh toàn bộ doanh nghiệp trong lĩnh vực nightlife phải có trách nhiệm chung, nếu muốn ngành này sớm hoạt động trở lại khi đảo quốc sư tử mở cửa nền kinh tế hậu Covid-19.

Không muốn bị đánh đồng

"Hiện tôi chỉ quan tâm chính phủ sẽ đưa ra quy định mới như thế nào. Mỗi khi số ca nhiễm gia tăng, họ lại yêu cầu ở chúng tôi gắt gao hơn", Alvin Chua, đồng sở hữu một quán rượu ở khu Outram, chia sẻ với CNA.

Tháng 12 năm ngoái, ông chuyển quán bar thành một quán ăn nhanh để được phép mở cửa buôn bán, nhưng lợi nhuận thu về chẳng là bao.

Joshua Pillai, nhà đồng sáng lập tập đoàn giải trí A Phat Cat Collective, nói ổ dịch bùng phát ở các quán hát gây ra nhiều xáo trộn cho lĩnh vực đời sống đêm.

"Thiểu số gây sai phạm nhưng chúng tôi đều được gộp chung vào hạng mục 'cơ sở giải trí về đêm'. Tuy nhiên, chúng tôi có các hoạt động kinh doanh khác nhau, hiểu rõ trách nhiệm xã hội của mình. Tôi mong chính phủ cân nhắc cụ thể về hướng giải quyết", ông nói.

 Nhiều quán karaoke gia đình mong muốn được tách khỏi nhóm ngành giải trí về đêm để không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ vụ việc. Ảnh: Bjinforma.

Nhiều quán karaoke gia đình mong muốn được tách khỏi nhóm ngành giải trí về đêm để không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ vụ việc. Ảnh: Bjinforma.

Mới đây, 9 nhà điều hành chuỗi karaoke gia đình trong trung tâm mua sắm, phục vụ đối tượng gia đình và sinh viên cũng đâm đơn kiện. Họ muốn doanh nghiệp của mình được loại bỏ khỏi danh mục ngành công nghiệp giải trí về đêm.

"Chúng tôi thấy rằng mình cần phải tách biệt với hộp đêm và các quán hát khác: không có nữ tiếp viên, không hoạt động vào ban đêm. Việc gộp chúng tôi lại với các cơ sở kinh doanh giải trí đêm khác không chính đáng", bà Shermain Pea, Giám đốc điều hành 7th Heaven KTV and Cafe, lý giải.

Bà khẳng định các phòng karaoke gia đình có thể thích ứng với lối sống bình thường mới, an toàn với khách hàng. Nữ giám đốc điều hành mong các cơ sở này được hoạt động với những hạn chế cụ thể, ví dụ chỉ tiếp khách thân quen và được tiêm vaccine đầy đủ.

Frank Per, chủ sở hữu Sing My Song Family Karaoke tại trung tâm mua sắm PLQ Mall, thậm chí còn lắp camera giám sát trong mỗi phòng hát, làm sạch micro và thuê công ty vệ sinh tới khử trùng hàng ngày với hy vọng được đón khách trở lại. Tuy nhiên, kế hoạch phải tạm hoãn khi số ca nhiễm tăng cao vào tháng 1 năm nay.

"Chúng tôi đang phải chịu muôn vàn khó khăn. Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các quy định an toàn nghiêm ngặt để được đón khách trở lại", Per nói.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiep-vien-khien-quan-karaoke-o-singapore-thanh-o-dich-post1239841.html