Tiếp vụ lùm xùm tại Đại học Điện lực: Công an đang xác minh thông tin một giảng viên bị tố nhận tiền chạy điểm
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) đang xác minh đơn tố cáo, tố cáo hành vi nhận tiền để chạy điểm môn học và thi tốt nghiệp của giảng viên trường Đại học Điện lực.
Giảng viên nhận tiền chạy điểm?
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đang tiến hành điều tra, xác minh đơn của chị Đ.T.H.G (SN 1997) và chị L.T.T (SN 1997) tố giác Hoàng Văn Nghị (SN 1996, Sơn Động, Bắc Giang) có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc chạy điểm môn học và thi tốt nghiệp đại học cho chị G và T tại trường Đại học Điện lực (số 235, Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Tại cơ quan điều tra, Nghị khai là sinh viên lớp D9H1, Khoa Hệ thống điện trường Đại học Điện lực. Nghị thừa nhận có nhận tiền của G và T, sau đó Nghị chuyển tiền cho T.M.T (giảng viên Khoa Kỹ thuật điện trường Đại học Điện lực). Việc làm này nhằm mục đích xin lên điểm thi hết môn và thi tốt nghiệp ra trường cho 28 sinh viên thời điểm đó đang học tại trường.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đồng thời làm rõ những thông tin liên quan đến giảng viên T.M.T. Ở một diễn biến mới nhất, theo thông tin của chúng tôi nắm được, ông T. đã có đơn xin thôi việc.
Dai dẳng tiêu cực tại trường Đại học Điện lực
Đó chưa phải là lùm xùm duy nhất liên quan đến công tác đào tạo tại trường này. Trước đó, Báo Gia đình & Xã hội đã tiếp nhận đơn tố cáo cùng nhiều bằng chứng về những khuất tất khác của Khoa Điều khiển và Tự động hóa.
Theo đó, đơn tố cáo nêu nghi vấn hàng trăm bài thi kết thúc học phần học kỳ I, năm học 2018 - 2019 của sinh viên Khoa Điều khiển và Tự động hóa đều chứa các ký hiệu lạ, sau đó, những bài thi này đều đồng loạt được nâng điểm một cách khó hiểu.
Cụ thể, có ít nhất 13 túi bài thi bị phát hiện tình trạng sinh viên cố tình dùng các cách thức khác nhau để đánh dấu, viết lên các ký hiệu lạ hoặc chép lại toàn bộ nội dung đề thi vào mặt đầu tiên của trang giấy để nhận dạng. Những túi bài này thuộc các môn: Truyền động điện, Điện tử công nghiệp, Điện tử công suất, Lý thuyết và điều khiển tự động…
Lá đơn tố cáo gửi tới những người có trách nhiệm tại trường Đại học Điện lực cho biết, có 3 giảng viên thuộc Khoa Điều khiển và Tự động hóa đã tham gia vào đường dây tiêu cực.
Các giảng viên này được cho đã cố tình hướng dẫn sinh viên cách thức viết ký hiệu vào bài thi rồi sau đó từ những đặc điểm nhận dạng dị thường, đã can thiệp thô bạo vào quá trình chấm thi hòng nâng điểm khống cho sinh viên.
Chỉ tính riêng trong 1 túi bài thi của môn Lý thuyết điều khiển tự động 2, đã ghi nhận tới 34 trường hợp được nâng ít nhất từ 0,5 tới 5 điểm. Như trường hợp số phách 601149 được nâng từ 3 điểm lên 7 điểm, số phách 601154 được nâng từ 1 điểm lên 6 điểm...
Ngoài ra, nhóm cán bộ, giáo viên đang làm việc tại trường cũng tố cáo đích danh ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực về việc cấp khống bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên ra trường vào tháng 3/2019 vừa qua.
Theo tài liệu cung cấp, qua rà soát, 84 sinh viên điểm thi đầu vào dưới điểm trúng tuyển nhưng vẫn được theo học và đã được xét tốt nghiệp.
Theo bản danh sách này, có những sinh viên dưới điểm trúng tuyển đã được nâng khống cả chục điểm để có thể đỗ vào trường Đại học Điện lực. Một vài trường hợp như: Sinh viên L.T.B (SN 1994) được nâng từ 8,5 điểm lên 20 điểm đỗ chuyên ngành Hệ thống điện; Sinh viên N.T.T (SN 1996) được nâng từ 12 điểm lên 18 điểm đỗ chuyên ngành Thương mại điện tử; Sinh viên T.N.A (SN 1995) được nâng từ 11,5 điểm lên 19 điểm đỗ chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp..
Trao đổi với PV, một thành viên thuộc Tổ rà soát hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp đại học Khóa D9 hệ kỹ sư cho biết, từ 2 năm trở lại đây, một năm 2 lần, trường Đại học Điện lực đều tiến hành rà soát các sinh viên đến thời điểm tốt nghiệp. Mỗi lần như vậy, Tổ đều phát hiện nhiều trường hợp thiếu điều kiện, chủ yếu tập trung ở nhóm vấn đề về điểm đầu vào thấp hơn điểm xét tuyển.
“Khi đó, đã có những kiến nghị cần phải xem xét lại nhưng hiệu trưởng nói đây là “hợp đồng dân sự” giữa nhà trường với người dân, rằng sinh viên đã đóng tiền và học tại trường mấy năm rồi không thể không cho ra được”, nguồn tin nói với PV.
Sinh viên khốn đốn sau khi ra trường mà không được nhận bằng tốt nghiệp để đi làm
Ở diễn biến liên quan, ngày 12/7 vừa qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra đột xuất tại trường Đại học Điện lực. Thời gian thanh tra 30 ngày.
Theo Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng, cơ sở để thanh tra đột xuất này là do thanh tra đã nhận được đơn thư phản ánh của nhóm cán bộ, giảng viên đang làm việc tại trường Đại học Điện lực và phản ánh của báo chí về dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh và đào tạo tại trường Đại học Điện lực trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, có thể nói, không phải đến thời điểm này, Đại học Điện lực mới có đơn tố cáo liên quan đến vấn đề tuyển sinh. Mà trước đó, trường này cũng đã rất “nổi tiếng” khi tuyển sinh khống hàng chục nghìn sinh viên, khiến cho rất nhiều sinh viên khốn đốn tốt nghiệp ra trường mà vẫn không được nhận bằng tốt nghiệp để đi làm.
Cụ thể, năm 2016, sau khi có những đơn thư phản ánh, cơ quan chủ quản là Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra Đại học Điện lực về công tác tuyển sinh.
Sau quá trình thanh tra, kết luận của Bộ Công thương chỉ rõ, trường Đại học Điện lực đã vi phạm quy định về đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh khi báo cáo không trung thực về các điều kiện thực tế của trường nhằm tăng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh.
Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, trường đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Trong 3 năm (2011-2013), Đại học Điện lực tuyển gần 1.700 người có điểm thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố.
Năm 2011- 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trường đã tuyển những người tốt nghiệp cao đẳng nghề liên thông lên trình độ đại học khi chưa được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chính vì tuyển sinh khống số lượng lớn sinh viên dẫn đến việc không đủ phôi bằng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp.
Và hàng loạt sai phạm được chỉ rõ...
Bên cạnh đó, kết luận của Bộ Công thương cũng chỉ ra một số sai phạm khác của trường này như: Xác định tỉ lệ phần trăm khác nhau khi ký kết hợp đồng liên kết không có cơ sở; phê duyệt cho một số đơn vị được để lại tiền học phí để tự chi tiêu là không đảm bảo nguyên tắc quản lý tài chính; ban hành quy chế nội bộ có một số nội dung không đảm bảo quy định của pháp luật; chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nội dung không theo quy chế đề ra...
Những sai phạm xảy ra dưới thời ông Đàm Xuân Hiệp làm Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực. Tuy nhiên, đầu năm 2015, ông Đàm Xuân Hiệp đột ngột tử vong tại phòng làm việc.
Sau đó, ông Trương Huy Hoàng - Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách quản lý, điều hành nhà trường từ thời điểm 28/4/2015.
Tháng 7/2016, ông Hoàng chính thức là hiệu trưởng Đại học Điện lực theo quyết định số 2843/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Trong thời gian giữ chức hiệu trưởng, ông Trương Huy Hoàng cũng bị tố liên quan đến hàng loạt sai phạm về công tác nhân sự, hoạt động đầu tư công, thanh lý tài sản dẫn đến thất thoát… Tuy nhiên đến thời điểm này, sau hàng loạt đơn thư của tập thể cán bộ giảng viên trường Đại học Điện lực cũng như nhiều bài báo được đăng tải, Bộ Công thương vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.