Tiếp xúc cử tri chuyên đề 'Đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam'
Chiều ngày 21-9, các đại biểu Quốc hội: Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tô Ái Vang - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thượng tọa Lý Minh Đức - Trụ trì chùa Som Rông, có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề 'Đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam' tại Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng. Cùng dự có đại tá Trịnh Kim Khâm - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng; đại tá Nguyễn Trìu Mến - Chính ủy BĐBP Sóc Trăng; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã ven biển; các phòng, ban chuyên môn và các đồn biên phòng, hải đội trực thuộc BĐBP Sóc Trăng.
Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương, 36 điều, quy định cụ thể chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP Việt Nam thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới, kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại khu vực biên giới.
Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đóng góp cần bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: cấm phá hoại, di chuyển cột mốc biên giới và dấu hiệu đường biên giới; cấm vận chuyển người trái phép và buôn bán người qua biên giới. Rà soát và quy định cụ thể quyền hạn của BĐBP để tránh chồng chéo với công an, hải quan, quy định từng trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động trong khu vực biên giới, quy định rõ việc huy động người và phương tiện hỗ trợ biên phòng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, bổ sung quy định lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng không chỉ có cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, tổ chức, đơn vị, lực lượng vũ trang, nhân dân khu vực biên giới mà còn có cả hệ thống chính trị. Quy định cụ thể hơn nữa việc sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các trường hợp được nổ súng cảnh cáo…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào nhấn mạnh, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào cũng ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp và sẽ tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm cơ sở hoàn thiện Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam để thông qua tại kỳ họp tới.