Tiết kiệm cho năm học mới

Kinh tế vài năm trở lại đây khó khăn, giá cả tăng cao, nhiều người làm cha, làm mẹ phải thắt chặt chi tiêu và dạy con tiết kiệm mới có thể đảm bảo hành trang cho con đến trường.

Phụ huynh chọn mua cặp sách cho con vào năm học mới. Ảnh: THÁI HÀ

Phụ huynh chọn mua cặp sách cho con vào năm học mới. Ảnh: THÁI HÀ

Áp lực với các khoản chi

Vào đầu năm học, việc sắm sửa quần áo, giày dép, đồ dùng học tập; chuẩn bị các khoản học phí, khoản thu tự nguyện… khiến không ít phụ huynh trăn trở, nhất là với công nhân, nông dân, lao động nghèo khi họ vẫn đang phải vật lộn với nhiều khoản chi tiêu hằng ngày.

Năm nay, em Nguyễn Khánh Đoan (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) trúng tuyển vào ngành Quản trị văn phòng, khối D01 Phân hiệu Học viện Hành chính quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui, cả gia đình em đang mất ăn mất ngủ vì xoay xở mua sắm máy vi tính, xe máy; chuẩn bị một khoản tiền lớn so với thu nhập để em đóng học phí và sinh hoạt phí.

Chị Nguyễn Thị Hảo, mẹ Đoan chia sẻ: “Chồng tôi làm lái xe, tôi làm thuê làm mướn nên bình thường đã phải thắt lưng buộc bụng. Thấy con chăm chỉ học tập, thành tích học khá tốt nên từ khi con vào lớp 10, tôi đã chắt chiu thêm để chuẩn bị khi con thi đỗ. Năm nay, con đậu đại học, cả nhà rất mừng nhưng đi kèm với đó là nhiều nỗi lo vì việc học kéo dài mà thu nhập của vợ chồng lại không ổn định. Tiền tiết kiệm mấy năm mà mới đầu một năm học đã cạn. Vì tập trung lo cho con gái lớn nên con nhỏ đang học lớp 5 hầu như không chuẩn bị được gì nhiều, chỉ ở mức tối thiểu, đủ dùng khi con vào lớp”.

Năm học mới bắt đầu, khi con nhỏ đang háo hức đến trường để gặp lại thầy cô, bạn bè và con lớn bước chân vào giảng đường đại học, chị Nguyễn Thị Linh, mẹ đơn thân ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa lại đánh vật với một danh sách dài rất nhiều khoản phải chi. Chồng chị mất sớm, hai con năm nay một đứa vào năm nhất Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), một bé gái vào lớp 2. Chị vừa cho con lớn 20 triệu đồng để đóng học phí và mua sắm thêm một vài món đồ cần thiết.

“Đó là tôi đã tiết kiệm dữ lắm rồi. Cháu cũng hiểu gia đình khó khăn nên dùng máy tính cũ, xe cũ và sống nhờ nhà cậu, phụ việc buôn bán để có thêm sinh hoạt phí. Tôi là giáo viên mầm non, đi làm cả ngày nên con nhỏ phải gửi ở trường bán trú. Biết đầu năm học có rất nhiều khoản phải lo, tôi đã chủ động để dành tiền cho con lớn; mua sắm cặp sách, vở viết, giày dép, quần áo cho con nhỏ từ lúc nghỉ hè, nhưng vẫn thấy quá áp lực. Nghĩ đến năm học sau, tôi lại toát mồ hôi”, chị Linh chia sẻ.

Thắt chặt mọi khoản chi

Sau mấy năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nhiều phụ huynh bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Để giảm bớt gánh nặng, họ đã tiết kiệm bằng cách tận dụng tối đa những đồ dùng học tập cũ của con. Mặc dù không đáng kể, nhưng đây cũng là cách giúp cha mẹ nhẹ nỗi lo mùa tựu trường.

Như chị Hảo, mùa tựu trường này, chị chỉ sắm thêm 1 bộ đồng phục cho con trai nhỏ vì đồ năm trước con còn mặc vừa và khá mới. Ngoài ra, các dụng cụ học tập như: thước kẻ, bảng, compa, bút máy… chị cũng không cần trang bị thêm vì con giữ gìn tốt. “Cặp, đồ dùng học tập, giày dép, quần áo… cái nào tận dụng được thì tận dụng. Tiết kiệm mỗi thứ một chút chứ nếu gom lại cũng là một khoản đáng kể. Nhờ giải thích cho con từ trước nên bé không buồn khi xài lại đồ cũ”, chị Hảo kể.

Tại nhiều vùng nông thôn, mỗi khi đến đầu năm học mới, các gia đình lại xúm xít tương trợ nhau theo cách rất riêng. Cụ thể, khoảng 1 tháng trước ngày tựu trường, chị em trong xóm lại í ới gọi nhau mang sách giáo khoa, quần áo đã chật nhưng còn mới mà con mình vừa dùng xong, học xong để tặng lại cho những gia đình có con học lớp dưới. Những bộ sách cũ, quần áo cũ cứ thế được các bé trong xóm sử dụng lại, chuyền tay nhau vào mỗi năm học.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) chia sẻ: “Ở quê, đa phần chị em làm ruộng, không phải lúc nào cũng có đồng ra đồng vô như những người buôn bán hoặc đi làm công ty. Năm nào mùa tựu trường cũng đến trước mùa cắt lúa cả tháng trời, nên chị em không kịp xoay xở. Dù vậy, chị em cố gắng hết sức để sắm sửa cho con những món thiết yếu. Cái nào còn sử dụng được thì chúng tôi cho con dùng. Việc trao đổi, tặng lại quần áo cũ và sách không chỉ giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng kinh tế mà còn dạy cho các con tính tiết kiệm và biết quý trọng đồ đạc”.

Năm học mới 2024-2025 đã đến, dù kinh tế còn khó khăn nhưng các bậc phụ huynh đều làm hết sức trong điều kiện cho phép để các con được đầy đủ đến trường. Mong một năm mới kinh tế khởi sắc để câu chuyện đầu năm học mới không còn gây căng thẳng, áp lực cho nhiều phụ huynh.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/320669/tiet-kiem-cho-nam-hoc-moi.html