Tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, nhân lực nhờ ISO 31000:2018

Việc triển khai mô hình Hệ thống quản lý rủi ro cho lĩnh vực an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 đã giúp Công ty TNHH Hải Nam Okinawa nhận diện và từng bước quản lý, hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực...

Nhờ ISO 31000:2018, Hải Nam Okinawa đã có nhiều thời gian hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, vươn mình phát triển

Nhờ ISO 31000:2018, Hải Nam Okinawa đã có nhiều thời gian hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, vươn mình phát triển

Trong nền kinh tế hiện đại đầy biến động, sự thành công của doanh nghiệp luôn song hành với những khó khăn và thử thách, có thể là rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hay rủi ro về công nghệ kỹ thuật, rủi ro về sức khỏe, an toàn lao động… Tất cả những rủi ro đó đều có ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp.

Vì vậy, áp dụng ISO 31000:2018 là giải pháp mang tính chiến lược trong việc quản lý rủi ro cho doanh nghiệp, có thể áp dụng cho bất kỳ rủi ro nào từ tích cực hay tiêu cực; hay đến các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân… Quản trị rủi ro đang dần trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp.

Theo thống kê, trong 5 tháng áp dụng ISO 31000:2018, tỷ lệ hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình nuôi trồng chế biến giảm 5%. Không ghi nhận khiếu nại của khách hàng về chất lượng sản phẩm, không xảy ra tình trạng mất an toàn khi sử dụng sản phẩm nho của Công ty TNHH Hải Nam Okinawa

Theo ông Bùi Xuân Phong, Chuyên gia năng suất chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định: Rủi ro sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp kéo theo những hậu quả về hiệu quả kinh tế, về môi trường và an toàn xã hội. Do đó, quản lý rủi ro hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong môi trường đầy biến động hiện nay.

Tích hợp quản lý rủi ro vào quy trình vận hành của doanh nghiệp là điều cần thiết, giúp cho bộ phận quản lý hiểu rõ phạm vi rủi ro mà công ty đang phải đối mặt. Quản lý rủi ro cần phải bám sát tình hình thực tế diễn ra của từng doanh nghiệp. Từ đó sẽ có những nhận định và hướng đi đúng đắn thực sự phù hợp cho doanh nghiệp.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 sẽ cung cấp các hướng dẫn rõ ràng và ngắn gọn giúp các doanh nghiệp sử dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để cải tiến trong hoạch định và ra quyết định tốt hơn. Nhờ đó, tập trung vào nhiều vấn đề mang chiều sâu hơn như rà soát các nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung vào việc lãnh đạo.

“Áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000:2018 tại Công ty TNHH Hải Nam Okinawa là hoàn toàn phù hợp với đặc thù và định hướng phát triển của công ty. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị ban lãnh đạo Công ty cần tiếp tục duy trì áp dụng ISO 31000:2018 trong thời gian tới nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả. Tương lai, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các lĩnh vực kiểm soát các rủi ro khác để tiết kiệm chi phí, thời gian…”, bà Võ Thị Xuân Mại, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam Okinawa cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng và áp dụng ISO 31000:2018 vào trong lĩnh vực an toàn thông tin cho phạm vi nuôi trồng và chế biến rong nho tại Công ty TNHH Hải Nam Okinawa, bà Võ Thị Xuân Mại nhận định: Nhờ ISO 31000:2018, Công ty đã có nhiều thời gian hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, vươn mình phát triển. Lãnh đạo các phòng chuyên môn cũng đã nhận thức ngày càng cao về việc xây dựng duy trì và cải tiến hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018. Quá trình xây dựng và áp dụng nhận được sự ủng hộ cao từ lãnh đạo các bộ phận chuyên môn và người lao động.

Theo thống kê, sau 5 tháng áp dụng hệ thống ISO 31000:2018 tại Công ty TNHH Hải Nam Okinawa, 100% các điểm tới hạn được kiểm soát chặt chẽ, ban hành mục tiêu. Các mối nguy còn lại đều được theo dõi, đảm bảo trong vùng an toàn. Không ghi nhận sự cố, rủi ro mất an toàn thực phẩm xảy ra trong quá trình thực hiện hệ thống. Kết quả phân tích định kỳ của công ty về ngưỡng nguy hại trong sản phẩm đều đạt yêu cầu đề ra.

Trong quá trình áp dụng, 100% các hoạt động đều được tiếp cận theo các quá trình, tư duy dựa trên rủi ro đảm bảo hệ thống kiểm soát được vận hành tốt nhất, các công đoạn có sự kết nối, không bị chồng chéo. Khi phát sinh sai lỗi, việc xử lý diễn ra nhanh chóng, quy đúng trách nhiệm, đảm bảo cải tiến hệ thống, ngăn ngừa các rủi ro tiếp theo. Việc kiểm soát các mối nguy về an toàn vệ sinh thực phẩm của Hải Nam Okinawa được khách hàng đánh giá cao và ngày càng tin tưởng về sản phẩm, nâng cao uy tín trên thị trường.

Để đảm bảo áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000:2018 vào trong quá trình sản xuất, Công ty Hải Nam Okinawa đã thành lập Ban quản trị rủi ro nhằm tăng cường công tác kiểm soát rủi ro. Ban quản trị rủi ro có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động. Các rủi ro liên quan đến hệ thống được Ban định kỳ xem xét, đánh giá tối thiểu 6 tháng/lần. Ngoài ra, Ban quản trị rủi ro còn có nhiệm vụ đào tạo 100% các bộ phận trong Công ty về cách thức xác định rủi ro, biện pháp xử lý các rủi ro. Quá trình đào tạo, hướng dẫn trực tiếp đảm bảo cho việc thấu hiểu và áp dụng tốt các biện pháp kiểm soát liên quan.

Nhờ đó, hơn 90% các mối nguy về an toàn thực phẩm liên quan đến phạm vi áp dụng đã được Công ty xác định và kiểm soát chặt chẽ. Theo thống kê, trong 5 tháng áp dụng ISO 31000:2018, tỷ lệ hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình nuôi trồng chế biến giảm 5%. Không ghi nhận khiếu nại của khách hàng về chất lượng sản phẩm, không xảy ra tình trạng mất an toàn khi sử dụng sản phẩm nho của Công ty.

Các hồ sơ về kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩn đã được Công ty cập nhật đầy đủ, dễ dàng truy cập. 100% các vấn đề phát sinh liên quan đến mối nguy an toàn thực phẩm được Công ty xem xét, đánh giá trong các buổi họp tổng kết. Ban kiểm soát rủi ro của Công ty phân tích các nguyên nhân, đưa ra đối sách xử lý phù hợp, đảm bảo không tái diễn. 100% cán bộ nhân viên trong Công ty nắm được các mối nguy về an toàn thực phẩm liên quan đến hoạt động của bộ phận, vị trí mình làm việc.

Dự kiến, trong năm 2021, Công ty sẽ nâng cấp, chuyển sang áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

Hoàng An

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tiet-kiem-toi-da-chi-phi-thoi-gian-nhan-luc-nho-iso-310002018-325946.html