Không quân Israel chính là lực lượng đầu tiên trên thế giới đưa tiêm kích tàng hình F-35 vào thực chiến, khi chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 này được ghi nhận đã nhiều lần đánh phá mục tiêu trong lãnh thổ Syria.
Bên cạnh những tốp F-15I Ra'am và F-16I Sufa thường xuyên phóng tên lửa hành trình từ không phận Lebanon, F-35I Adir đã rất nhiều lần đột nhập sát mục tiêu để đánh phá.
Điều này đã được xác thực khi mảnh bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB được tìm thấy trong đống đổ nát, tầm bay của vũ khí này rất nhỏ, yêu cầu máy bay mang phải áp sát mục tiêu để triển khai.
Vượt qua được mạng lưới phòng không dày đặc của Syria và Nga dĩ nhiên F-15I và F-16I không đủ tính năng để đột nhập và rút lui an toàn như vậy mà phải là F-35I Adir.
Điều đáng nói nhất ở đây đó là toàn bộ mạng lưới phòng không liên hợp của Nga - Syria trong đó có tổ hợp S-400 Triumf tầm xa đặt tại căn cứ Hmeimim hoàn toàn không nhận ra bất cứ dấu hiệu xâm nhập nào của F-35I.
Bình luận về vấn đề trên, kênh truyền hình 9TV của Israel dẫn nguồn tin quân sự nước này tiết lộ, với công nghệ tàng hình đỉnh cao, việc phát hiện F-35I là thách thức khó có thể vượt qua đối với bất kỳ hệ thống phòng thủ nào trên thế giới dù đó là S-400.
"Phòng thủ Nga chỉ có một cơ hội duy nhất khiến F-35I lộ diện đó là nhờ vào những thông tin tình báo trước đó về chuyến bay của chiếc tàng hình cơ này để tiến hành trinh sát".
"Nếu không có tin tình báo về đường bay, dù có trong tay S-400 hay những hệ thống tối tân hơn nữa, phát hiện F-35I là điều không thể với phòng không Nga", kênh 9TV tự hào tuyên bố.
9TV nói thêm: "Sở dĩ hệ thống S-400 gần như không thể động đến F-35 là bởi radar tần số VHF hiện đại nhất của Nga ngày nay có thể phát hiện được tiêm kích tàng hình F-35 nhưng không phải trong tất cả mọi trường hợp. Điểm yếu này hiện vẫn chưa được Moskva khắc phục".
Phản ứng lại tuyên bố của kênh 9TV Israel, trang Avia.pro của Nga cho biết việc Tel Aviv "dìm hàng" S-400 là không có cơ sở, radar của S-400 thừa khả năng phát hiện ra F-35.
Avia.pro dẫn lại sự việc diễn ra hồi tháng 6/2019, khi đó radar S-400 đã phát hiện chiếc tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Anh cất cánh tại căn cứ trên đảo Síp và bay lượn vài vòng ngoài khơi hòn đảo này, sau đó bay hướng về phía bờ biển Syria.
Tuy nhiên người Nga quên rằng đó là chuyến bay trinh sát luyện tập chứ không phải tác chiến, F-35A của Anh lúc này bay ở độ cao lớn chứ không hạ thấp để xâm nhập như F-35I của Israel.
Bên cạnh đó, F-35A của Anh khi làm nhiệm vụ vẫn đeo thêm thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar có tên Luneburg Lens để che giấu chỉ số RCS thật.
Lúc này RCS của F-35A chẳng khác gì tiêm kích thế hệ 4 thông thường, kết hợp với độ cao lớn nên việc nó bị radar của S-400 nhận biết là điều dễ hiểu.
Còn trong tình huống tác chiến thực tế, F-35I Adir của Israel đã bay thấp xâm nhập, không đeo Luneburg Lens, vì vậy việc phát hiện ra nó là bất khả thi, thực tế cũng đã chứng minh khi F-35I bay vào ném bom rồi rút lui một cách rất an toàn.
Bạch Dương