Tiết lộ của đặc vụ Mỹ từng thẩm vấn Tổng thống Iraq Saddam Hussein
20 năm trước, vào ngày 19-3-2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phát động cuộc chiến ở Iraq với lý do nước này phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau khi bắt được Tổng thống Saddam Hussein, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cử George Piro - một đặc vụ người Mỹ gốc Lebanon nói tiếng Ảrập - để thẩm vấn ông. Đến nay, cựu đặc vụ này vẫn còn nhớ như in về những trải nghiệm, thử thách khi đảm nhiệm trọng trách đó.
Năm đó, chỉ vài tuần sau khi phát động cuộc chiến, liên quân do Anh và Mỹ đứng đầu đã đánh bại quân đội Iraq. Vào ngày 13-12-2003, đặc nhiệm Mỹ đã tìm thấy cựu Tổng thống Saddam Hussein ẩn náu ở miền Bắc Iraq. Đầu tiên, Cục Tình báo Trung ương (CIA) thẩm vấn ông Saddam. Sau đó, trong khoảng thời gian 7 tháng, đặc vụ FBI Goerge Piro được giao trò chuyện với cựu lãnh đạo này và không ai được phép vào phòng thẩm vấn.
“Hoảng loạn” khi được giao nhiệm vụ
“Tôi nhận được một cuộc gọi vào chiều ngày Giáng sinh từ một giám đốc điều hành cấp cao của Bộ phận Chống khủng bố. Ông ta thông báo rằng, tôi được chọn để thay mặt FBI thẩm vấn ông Saddam Hussein” - đặc vụ George Piro kể. Phản ứng ban đầu của Piro là hoảng loạn, bởi sẽ phải thẩm vấn một nhân vật mà cả thế giới biết đến, một nhiệm vụ quan trọng đại diện cho FBI. Piro liền mua 2 cuốn sách về Saddam Hussein để hiểu hơn về con người này, đồng thời lập kế hoạch thẩm vấn.
Tổng thống Saddam sinh ngày 28-4-1937 tại ngôi làng al-Ajwa (gần Tikrit). Ông có một tuổi thơ vô cùng khó khăn khi cha mất, mẹ đi bước nữa. Gia đình họ rất nghèo và ban đầu cậu bé Saddam không được đến trường. Nhưng tuổi thơ đó đã định hình nên con người Saddam - người luôn muốn chứng minh mọi người đã nhận định sai về mình và không tin tưởng bất cứ ai mà chỉ dựa vào bản thân. Khi còn trẻ, ông tham gia đảng Baath với một trong những nhiệm vụ đầu tiên là ám sát Thủ tướng Iraq lúc bấy giờ. Vụ ám sát bất thành, Saddam buộc phải chạy trốn khỏi đất nước. Nhưng khi quay trở về, ông trở nên vô cùng cứng rắn. “Trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Saddam, chỉ trong vòng 30 giây, ông ấy biết luôn 2 điều về tôi. Thứ nhất, tôi là người Lebanon. Thứ hai, tôi theo đạo Thiên chúa. Tôi hỏi lại rằng, liệu đó có phải là vấn đề không? Và ông ấy nói hoàn toàn không. Ông ấy yêu người dân Lebanon và người dân Lebanon cũng yêu ông ấy. Tôi bèn nói, chà, thật tuyệt vời. Chúng ta sẽ rất hợp nhau”.
Lợi thế của George Piro là gì? Viên Trợ lý giám đốc tại Bộ phận Chống khủng bố của FBI đã nói với ông rằng, hãy chuẩn bị dành 1 năm với Saddam Hussein. Bởi vậy, Piro không bị hối thúc về mặt thời gian. Thông thường, nếu thẩm vấn một đối tượng được cho là đứng sau mối đe dọa hoặc một âm mưu khủng bố nào đó, mục tiêu sẽ là ngăn chặn cuộc tấn công càng sớm càng tốt. Khi ấy, đương nhiên cách tiếp cận sẽ khác. “Những gì chúng tôi muốn biết là điều được giấu trong đầu của Saddam. Và để ông ấy chia sẻ điều đó, chìa khóa là phát triển một chiến lược thẩm vấn dài hạn”.
Chiến lược thẩm vấn
Trước chiến tranh Iraq, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố Iraq có liên quan đến chiến dịch khủng bố 11-9-2001 và FBI phải xác định xem điều đó có đúng sự thật hay không. Nhưng quan hệ giữa Iraq và Al Qaeda chỉ là ưu tiên thứ hai, ưu tiên hàng đầu là chương trình vũ khí hủy diệt (WMD) của Iraq. Theo Piro, Tổng thống Saddam nói rằng ông không thích Osama bin Laden, cũng không tin vào hệ tư tưởng của Al Qaeda vì nó nhằm tạo ra một nhà nước Hồi giáo trên khắp thế giới Ảrập. Trong các cuộc thẩm vấn, Tổng thống Saddam tự coi mình là chiến binh vĩ đại thứ ba trong lịch sử Hồi giáo Ảrập, nhưng muốn thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Ảrập hơn là khía cạnh Hồi giáo. Điều này có vẻ đúng khi chính ông Tariq Aziz - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Iraq (dưới thời Tổng thống Saddam) là người theo đạo Công giáo. Và Tổng thống Saddam không bao giờ ép buộc ông Tariq phải cải đạo hay bất cứ điều gì tương tự. Hơn nữa, hầu hết nhân viên trong Văn phòng Tổng thống cũng là tín đồ Cơ đốc giáo.
Đặc vụ Piro đã đến tổng hành dinh của CIA tại Langley (bang Virginia) để gặp những chuyên gia về Iraq và Saddam. Sau khi xem lại báo cáo trước đây về các cuộc thẩm vấn của CIA với ông Saddam, Piro nhận thấy vị Tổng thống Iraq rất miễn cưỡng và không muốn nói về WMD lẫn Al Qaeda. Vì vậy, trọng tâm ban đầu là phát triển mối quan hệ để khi cần sẽ đưa ra những chủ đề nhạy cảm đó. Trong khoảng 7 tháng, các cuộc thẩm vấn chính thức diễn ra 1 - 2 lần/tuần, mỗi lần kéo dài vài giờ. Họ nói về mọi thứ, từ lịch sử, nghệ thuật, thể thao đến chính trị... Đặc biệt, trong vài tháng đầu tiên, mục tiêu của Piro là khiến ông Saddam trò chuyện cởi mở. Là đặc vụ FBI, Piro xác định điều quan trọng nhất để có cuộc thẩm vấn tốt là kiến thức chuyên môn cùng sự nhất quán trong lời nói, hành động.
“Tôi lấy ví dụ, để hiểu thêm về quyết định của Tổng thống Saddam khi ông ta xâm chiếm Kuwait năm 1990, tôi đã hỏi tất cả những đối tượng có giá trị cao hiện đang bị giam giữ. Có một cuộc họp quan trọng mà ông Saddam đưa ra quyết định phát động chiến tranh. Tôi biết rõ mọi người ngồi ở vị trí nào trong phòng họp ấy, ông Saddam đã nói gì, làm gì, kể cả việc ông ấy đặt đai súng ở đâu và đặt nó như thế nào. Vì vậy khi nói về chủ đề này, tôi sẽ đưa ra những chi tiết nhỏ đó để chứng tỏ mức độ am hiểu của mình và đối phương cũng biết khó mà xuyên tạc hay nói dối tôi” - chuyên gia FBI chia sẻ.
Vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 67, ông Saddam ở trong tù thì xem được trên tivi hình ảnh người Iraq ăn mừng vì không bị buộc phải tổ chức sinh nhật cho ông. Đó là một cú đánh tâm lý nặng nề với nhà lãnh đạo này. Nó khiến ông chán nản và người duy nhất quan tâm đến ngày đặc biệt đó là đặc vụ của FBI. “Mẹ tôi tự làm một số bánh quy để tôi mang đến cho ông. Chúng tôi dùng trà và nó vực dậy tinh thần ông ấy. Đó là một phần của quá trình tìm kiếm cách củng cố mối quan hệ, bởi đã có lúc ông ấy nói: “Tôi không muốn trả lời bất kỳ câu hỏi nào, nhưng tôi vẫn muốn nói chuyện với anh” - đặc vụ Piro kể.
Khoảng 5 tháng sau, Piro mới đề cập đến WMD. Ông Saddam khẳng định, Iraq không có WMD. Nhưng tháng 6-2000, chính ông đã từng phát biểu chấn động rằng, Iraq có WMD. Tại sao lại như vậy? Vị Tổng thống Iraq trả lời, kẻ thù lớn nhất của ông không phải là Mỹ hay Israel mà là Iran. Nỗi sợ lớn nhất của ông Saddam là nếu Iran phát hiện ra Iraq đã trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương thì không gì có thể ngăn cản họ xâm lược miền Nam Iraq. Vì vậy, ông đã “đánh lừa” địch thủ lớn nhất của mình để Iran tin rằng Saddam vẫn mạnh mẽ và nguy hiểm như trong khoảng thời gian xung đột Iran - Iraq (1987 - 1988).
Sai lầm lớn nhất trong chiến tranh Iraq
Tuy nhiên, ông Saddam không cảm thấy ngạc nhiên về cuộc chiến với Mỹ. Năm 1998, khi Mỹ mở chiến dịch “Cáo sa mạc” và không kích trong 4 ngày, chính quyền Iraq vẫn trụ vững. Tổng thống Saddam đã kiên cường thách thức cho đến tháng 9-2002 thì ông thay đổi lập trường, cho phép các thanh sát viên vũ khí vào Iraq để cố ngăn chặn chiến tranh.
Nhưng đến tháng 11-2002, ông nhận ra chiến tranh là không thể tránh khỏi và bắt đầu chuẩn bị. Quân đội Iraq đã chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài chừng 2 tuần và hy vọng sẽ lật lại tình thế. Nhưng ông Saddam đã thất bại và phải đối mặt với những sai lầm của mình. Cuối cùng, ông bị Chính phủ Iraq mới xử tử hình vào tháng 12-2006.
Đặc vụ Piro khi nhìn nhận lại sự kiện 20 năm trước cho rằng, một trong những thất bại lớn nhất khi Mỹ phát động cuộc chiến tại Iraq là triệt thoái quân đội Iraq. Lý do, lực lượng lao động lớn nhất ở Iraq năm 2003 là quân nhân. Khi người Mỹ đến và giải thể hoàn toàn quân đội, họ không nhận ra tác động to lớn của điều này. Binh sĩ đều dựa vào tiền lương để tồn tại và nuôi dưỡng gia đình họ.
Bị sa thải hàng loạt, các cựu binh Iraq trở nên tức giận, đó là nền tảng cho các cuộc nổi dậy sau này ở Iraq. Al Qaeda không có mặt ở Iraq dưới thời Saddam, nhưng sau chiến tranh, một chi nhánh hùng mạnh của nó mọc lên ở Iraq và cuối cùng biến thành tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đó là “cơn ác mộng” của thế giới và gây ra bất ổn cho Iraq đến tận ngày nay.
Trong sự nghiệp của mình, đặc vụ George Piro đã thăng tiến lên vị trí cấp cao tại FBI và nghỉ hưu vào tháng 7-2022 với tư cách là Phụ trách Văn phòng thực địa Miami. Giờ đây, ông đang viết một cuốn sách về quá trình “tiếp xúc đặc biệt” với vị Tổng thống lừng lẫy của Iraq một thời.
“Tổng thống Saddam Hussein từng chia sẻ với đặc vụ FBI George Piro rằng, điều hành Iraq là công việc rất khó khăn. Theo ông Piro, điều Iraq cần hiện nay là một nhà lãnh đạo đặt đất nước lên hàng đầu. Ít nhất thì ông Saddam là nhà lãnh đạo đã đặt Iraq lên hàng đầu và đoàn kết người dân. Cho đến người khác nắm quyền và không quan tâm đến nền tảng tôn giáo, sắc tộc, hay coi Iraq là một quốc gia, thì tương lai của đất nước này sẽ vẫn là một thách thức”.
Theo (Theo CNN)