Tiết lộ gây 'sốc' về việc chậm triển khai dự án nhà ở xã hội 393 Lĩnh Nam, Hà Nội
Mặc dù Hà Nội đã chỉ rõ tương đối đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội, thế nhưng, trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình đã lý do khác dẫn đến hiện tượng này.
Số lượng nhà ở xã hội Hà Nội còn rất hạn chế
Đầu tháng 2/2024, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Trong báo cáo này, Bộ Xây dựng đã “bêu tên” một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội và nêu một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Đơn cử như Hà Nội mới chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội, cung ứng ra thị trường 1.700 căn, đáp ứng được 9%.
Tại một hội thảo khác diễn ra vào giữa tháng 11/2024, Sở Xây dựng Hà Nội cũng tiết lộ: Đến nay, Hà Nội có 30 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn. 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ.
Ngoài ra, có 83 ô đất với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% - 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định...
Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn hạn chế. Đơn cử như, từ năm 2015 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng vốn ngân sách, số lượng các dự án nhà ở xã hội phát triển mới còn hạn chế, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt...
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian; việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tại các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội còn vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý về tài sản công...
Đồng thời, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là các dự án nhà ở xã hội khu vực ngoại thành và nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng là công nhân, sinh viên...
Trước thực trạng này, tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa UBND Hà Nội với công nhân lao động thủ đô năm 2024 diễn ra vào ngày 23/5, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Hà Nội đã nói: Để tình trạng chậm triển khai nhà ở xã hội xảy ra, ngoài một số nguyên nhân khách quan, thì là lỗi của chúng ta, lỗi của lãnh đạo thành phố, UBND thành phố, các sở ngành, các quận huyện.
Do đó, Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị trong năm 2024 và những năm còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2026, phải khởi công được các khu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội theo kế hoạch.
"Đã chậm rồi, nhưng phải cố gắng. Tôi nghĩ là làm được. Đây là món nợ, cần phải xác định đây là món nợ với người lao động, công nhân của thành phố", ông Thanh nói.
Tiết lộ gây “sốc”
Mặc dù báo cáo của thành phố đã chỉ rõ tương đối đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội, thế nhưng, trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình đã tiết lộ lý do khác dẫn đến hiện tượng này.
Ông Nguyễn Hữu Đường cho biết: Theo quy định, các địa phương muốn làm nhà ở xã hội phải bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thế nhưng, trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, hoặc các cá nhân có sẵn quỹ đất muốn làm nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên cấp chủ trương đầu tư.
“Bởi, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đã có sẵn quỹ đất sạch, địa phương không cần phải bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng nên đương nhiên họ sẽ được ưu tiên, khuyến khích”, ông Đường nói.
Thế nhưng, ông Đường tiết lộ: Kể từ năm 2014 tới nay, sau khi Luật Đất đai (2013) ra đời, chưa có địa phương nào bỏ tiền để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng từ 2014 tới nay, có một vài doanh nghiệp sẵn quỹ đất, có mong muốn làm nhà ở xã hội nhưng chỉ ở khu vực ngoại thành, ngoại ô, trong khi đó nội thành chưa có dự án nào.
“Doanh nghiệp chúng tôi có 2 khu đất ở Hoàng Mai (393 Lĩnh Nam) đã xin làm nhà ở xã hội và được UBND Hà Nội đồng ý. Theo Nghị định 30 của Chính phủ, sau 20 ngày nhận hồ sơ phải cấp chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư, thế nhưng đến nay đã 3 năm, tức là hơn 1.000 ngày chúng tôi vẫn chưa được cấp”, ông Đường nói.
Ông Đường nhấn mạnh: Lý do thành phố đưa ra đó là đây là khu đất vàng, nên đề nghị doanh nghiệp làm nhà ở thương mại để tăng thu ngân sách. Ngược lại, nếu làm nhà ở xã hội ở khu đất này sẽ gây ra lãng phí đất vàng của thành phố.
“Chính vì chủ trương tăng thu ngân sách, nên dù quy định đã rất rõ ràng, các cơ chế ưu đãi, khuyến khích cũng nhiều, thế nhưng thành phố không ủng hộ việc phát triển nhà ở xã hội ở khu đất này”, ông Đường nói.
Theo Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình, chính vì sự chậm trễ này đã gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, bao gồm tiền thuế đất, tiền lương của người lao động, tiền bảo trì máy móc thiết bị,...
“Hai lô đất của chúng tôi ở Hoàng Mai đã có sổ đỏ sử dụng lâu dài, đóng thuế đất đầy đủ. Mỗi năm chúng tôi phải đóng 650 triệu đồng tiền thuế đất, 3 năm chậm triển khai, chúng tôi đã đóng gần 2 tỷ đồng. Dù vậy, trong trường hợp chậm đóng tiền quá 120 ngày, Hà Nội sẽ ra lệnh cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản, cấm chủ đầu tư để đi nước ngoài. Như vậy, tiền thì đóng đầy đủ, pháp lý cũng đủ, nhưng xin lại không cấp”, ông Đường bức xúc cho biết.
Chính vì lý do này, Công ty TNHH Hòa Bình đã nhiều lần làm đơn gửi Chính phủ, UBND Hà Nội xem xét cấp chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội 393 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.