Tiết lộ hình ảnh đầu tiên về đường ống khí đốt Nord Stream 1 dưới biển Baltic sau sự cố rò rỉ
Đường ống dẫn khí đốt dày khoảng 10 cm, gồm lõi thép dày 3-4cm đã vỡ toác, trong khi một đoạn đường ống dài 50 m đã biến mất khỏi hiện trường.
Hôm 18/10, tờ Expressen của Thụy Điển đã công bố những hình ảnh đầu tiên về một vị trí rò rỉ của đường ống khí đốt Nord Stream 1 của Nga dưới đáy biển Baltic.
Trước đó, vào sáng 17/10, giờ địa phương, sau khi được sự chấp thuận của giới chức và Cảnh sát biển Thụy Điển, Expressen đã tiến hành một cuộc khảo sát bằng thiết bị quay dưới nước tại một vị trí rò rỉ của Nord Stream 1, cách bờ biển Blekinge khoảng 70 km và chỉ cách biên giới biển với Đan Mạch vài hải lý, ở độ sâu 80 m.
Hoạt động được thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên gia máy quay Trond Larsen từ công ty Blueye Robotics của Na Uy, chuyên phát triển máy ảnh và máy quay dưới nước.
Hoạt động khảo sát được thực hiện sau khi hôm 15/10, Cảnh sát biển Thụy Điển xác nhận, tại vị trí rò rỉ không còn bong bóng khí nổi lên mặt nước, điều cho thấy khí đốt đã ngừng lưu thông qua đường ống giữa Nga- Đức.
Các hình ảnh được công bố cho thấy một đoạn đường ống thép đã bị vỡ toác, lộ những miệng ống sắc cạnh.
Theo Expressen, một đoạn đường ống dài khoảng 50 m đã biến mất khỏi hiện trường, chưa biết do bị lấy đi hay bị chôn vùi dưới đáy biển.
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga sang Đức qua biển Baltic bao gồm 2 dự án Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chạy song song, trong đó Nord Stream 2 hoàn thành vào cuối năm ngoái, đã được bơm đầy khí kỹ thuật, đang chờ được phía Đức cấp phép vận hành. Mỗi tuyến ống gồm 2 ống song song.
Đường ống gồm các đoạn ống dài 12 m, đường kính ngoài 1,4 m, khớp nối với nhau, kết cấu gồm lớp thép dày 27- 41 mm trong cùng, tiếp theo là lớp bảo vệ chống rỉ sét dày 3 mm và ngoài cùng là lớp phủ dày 60-110 mm.
Trong các ngày 26, 27 và 29/9, đã xảy ra 4 vụ rò rỉ ở 3 trên 4 đường ống của cả hai tuyến ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Trước đó, vào thời điểm xảy ra rò rỉ, các hệ thống đo địa chấn của Đan Mạch trong khu vực đã xác định các vụ nổ bất thường, trong đó có chấn động tương đương vụ động đất mạnh đến 2,3 độ Richter.
Để phá vỡ một kết cấu vững chắc như vậy, trong đó có lớp thép dày nhiều cm, các chuyên gia cho rằng, cần phải tác động một lực rất mạnh.
Nga và các nước phương Tây cáo buộc lẫn nhau gây ra các vụ nổ với mục đích phá hoại.
Hiện các quốc gia liên quan đều tuyên bố đang tiến hành các cuộc điều tra độc lập về sự cố rò rỉ này.