Tiết lộ mới về khí cầu Trung Quốc bị bắn từ tài liệu mật rò rỉ của Mỹ

Tài liệu mật rò rỉ cho thấy tình báo Mỹ đã biết tới hoạt động của một số khí cầu do thám Trung Quốc, nhưng Washington dường như thiếu thông tin về khả năng hoạt động của chúng.

Khí cầu bay trên không phận Mỹ và bị bắn hạ hồi đầu năm được tình báo Mỹ đặt tên Killeen-23. Thiết bị này mang theo nhiều cảm biến và ăng-ten mà giới chức Mỹ tin được dùng để thu thập tin tức tình báo.

Theo tài liệu mật do một thành viên Vệ binh Quốc gia Mỹ phát tán trên Discord, Washington mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm được các thiết bị này sau khi khí cầu bị bắn hạ, theo Washington Post.

Killeen-23 là một trong ít nhất 3 khí cầu mà các tài liệu rò rỉ nhắc tới. Hai khí cầu khác gồm một chiếc bay qua nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, một chiếc khác lao xuống Biển Đông hồi năm 2021.

 Khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Mỹ theo dõi 3 khí cầu do thám

Các tài liệu đóng dấu ngày 15/2 của Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia Mỹ, tức 10 ngày sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc, chứa những đánh giá chi tiết của Washington về Killeen-23.

Ngoài ra, các tài liệu này cũng có những miêu tả chi tiết về hai khí cầu khác được đặt tên lần lượt là Bulger-21 và Accardo-21. Tuy vậy, các tài liệu không nêu rõ Bulger-21 và Accardo-21 có phải hai khí cầu do thám tàu sân bay Mỹ và lao xuống Biển Đông hay không.

Tình báo Mỹ cho biết Bulger-21 được trang bị những thiết bị do thám tối tân. Khí cầu này di chuyển khắp Trái Đất từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022. Accardo-21 cũng mang những thiết bị tương tự Bulger-21, ngoài ra có một cảm biến khác.

Tài liệu rò rỉ bao gồm những ảnh chụp chi tiết về khí cầu có lẽ từ máy bay do thám U-2 của không quân Mỹ. Các chuyên gia tình báo tin rằng các khí cầu mang số thiết bị đủ để vận hành bất cứ công nghệ do thám và trinh sát nào, trong đó có loại radar nhìn đêm, nhìn xuyên mây và xuyên kim loại mỏng.

 Tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ. Ảnh: Washington Post.

Tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ. Ảnh: Washington Post.

Thông tin về khí cầu do thám Trung Quốc hoạt động phía trên nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ bị chất vấn tại Quốc hội Mỹ. Phe Cộng hòa đang vin vào vụ khí cầu do thám để cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden thất bại trong ngăn chặn hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Một tài liệu dựa trên thông tin liên lạc mà Washington thu được cho thấy ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng bất ngờ vì khí cầu của nước này đi sâu vào không phận Mỹ hồi tháng 1 tới vậy.

Tài liệu này cho rằng các chi tiết vụ xâm nhập đã bị thổi phồng trong quân đội Trung Quốc. Một số quan chức ở Bắc Kinh không hài lòng với phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vì đã để vụ việc trở nên ầm ĩ.

Trong tài liệu của Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia Mỹ bị rò rỉ có ảnh về Bulger-21. Khí cầu này dường như có liên hệ trực tiếp với khí cầu của tập đoàn Eagles Men Aviation Science and Technology, một trong 6 công ty Trung Quốc bị Washington cấm vận hồi tháng 2 vì hỗ trợ chương trình khí cầu do thám.

Quân đội Trung Quốc từ lâu đã vận hành chương trình do thám bằng khí cầu, một phần xuất phát từ đảo Hải Nam, các quan chức Mỹ cho biết.

Tài liệu rò rỉ của Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia Mỹ cho thấy Washington dường như thiếu thông tin về khả năng hoạt động của các khí cầu do thám này, ít nhất là cho tới giữa tháng 2.

Tình báo Mỹ thiếu thông tin?

Sau khi bắn rơi Killeen-23, nhà chức trách Mỹ phải mất nhiều tuần để thu thập hết các mảnh vỡ của khí cầu trên Đại Tây Dương.

Tài liệu mật rò rỉ cho thấy Killeen-23 mang theo một đĩa hình parabol đường kính 1,2 m, nhiều cảm biến không xác định và các ăng-ten lớn. Tài liệu rò rỉ cho biết chính phủ không có ảnh về phần đáy của khí cầu để có thể phân tích về khả năng khí cầu mang theo cảm biến quang học.

Việc thiếu kết luận chi tiết về khả năng do thám của Killeen-23 đặt ra những câu hỏi về quyết định của Washington cho phép khí cầu này bay qua không phận Mỹ trước khi bắn hạ. Việc bắn hạ khí cầu được Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ, coi đây là cơ hội thu thập thông tin tình báo về khí cầu do thám của Trung Quốc.

 Khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Ảnh: Reuters.

Khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ. Ảnh: Reuters.

Ảnh chụp trong tài liệu rò rỉ cho thấy Killeen-23 mang theo một cấu trúc không xác định, đường kính 0,75 m, nhô ra từ đỉnh của khí cầu.

Kỹ sư của Trung tâm Tình báo Không gian Quốc gia đánh giá những tấm pin Mặt Trời trên Killeen-23 có thể tạo ra nguồn điện lên tới 10.000 watt, thừa đủ để vận hành các công nghệ do thám, bao gồm các radar khẩu độ tổng hợp.

Radar khẩu độ tổng hợp bắn xung vi sóng về phía mặt đất để tạo ảnh hai chiều, thậm chí ba chiều. Không giống các radar quang học thông thường, công nghệ của radar khẩu độ tổng hợp cho phép nó nhìn đêm, nhìn xuyên mây, khói, băng, tuyết, và lớp đất mỏng trên mặt đất. Radar này cũng có thể nhìn xuyên kim loại mỏng.

Tuy vậy, dữ liệu mà radar trên khí cầu thu được không quá khác biệt so với những gì vệ tinh do thám thu được, giáo sư Paul Byrne Đại học St. Louis, nhận định.

Ông Byrne cho rằng khí cầu có thể mang theo các hệ thống ghi hình khác nếu muốn tạo ra sự khác biệt. Theo tài liệu rò rỉ, khí cầu Bulger-21 mang theo camera có khả năng ghi hình cận cảnh.

"Khí cầu là cách do thám hiệu quả bởi nó có thể thu được hình ảnh độ phân giải cao hơn, quá trình phóng kín đáo hơn so với đưa vệ tình vào không gian", ông Byrne nói.

Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc từ lâu đã viết về lợi thế khi sử dụng các thiết bị bay không gian tầm thấp trong thu thập tin tức tình báo. Trong bài viết đăng trên PLA Daily tháng 9/2020, các tác giả đã bàn về khí cầu trang bị radar và thiết bị do thám quang điện để phát hiện mục tiêu trong tác chiến.

FBI áp giải nghi phạm vụ rò rỉ tài liệu mật ở Massachusetts Jack Douglas Teixeira, thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ, bị bắt giữ ngày 13/4. Anh đứng đầu một nhóm thanh thiếu niên 20-30 người chia sẻ về súng đạn trực tuyến.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiet-lo-moi-ve-khi-cau-trung-quoc-bi-ban-tu-tai-lieu-mat-ro-ri-cua-my-post1422060.html