Tiết lộ mức lương lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Mức lương của chủ tịch hội đồng thành viên, hội đồng quản trị cao nhất 70 triệu đồng; thành viên hội đồng, hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát cao nhất 60 triệu đồng.

Ngày 9/4, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết đã ban hành văn bản hợp nhất nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo đó, các đơn vị thí điểm gồm công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), công ty mẹ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, công ty mẹ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.

Mức lương theo tháng của chủ tịch hội đồng thành viên, hội đồng quản trị cao nhất 70 triệu đồng. Mức lương của thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát cao nhất 60 triệu đồng. Mức lương của kiểm soát viên cao nhất 50 triệu đồng.

Tiền lương, tiền thưởng của người lao động, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên công ty gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.

VNPT là một trong những tập đoàn thực hiện thí điểm tiền lương, thưởng.

VNPT là một trong những tập đoàn thực hiện thí điểm tiền lương, thưởng.

Nhà nước quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua quy định giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty.

Quy chế trả lương, tiền thưởng do chủ tịch hội đồng thành viên, hội đồng quản trị ban hành, bảo đảm dân chủ, công khai, có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Trước đó, năm 2020, Chính phủ cho phép thí điểm cơ chế tiền lương, thưởng với một số tập đoàn, tổng cty nhà nước theo hướng thị trường, căn cứ trên mức khoán, năng suất, lợi nhuận (Nghị định 20/2020). Tuy nhiên, ngay sau khi thí điểm, dịch COVID-19 xảy ra, 2/3 đơn vị thí điểm doanh thu giảm, thậm chí lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu.

Vì vậy, sau 3 năm thí điểm, giữa năm 2023, VNPT đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cho tiếp tục giao chủ động xây dựng thang, bảng lương cho doanh nghiệp; bỏ quy định cứng việc nâng lương, nâng bậc và ngạch lương theo thâm niên. VNPT cũng đề xuất cơ quan nhà nước giao đơn giá khoán áp dụng trong 3-5 năm, thay vì hằng năm, để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tiet-lo-muc-luong-lanh-dao-mot-so-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-post1627107.tpo