Tiết lộ những thỏa thuận tại 'Hội nghị Tam cường' đầu tiên

Năm 1943 đã tạo bước ngoặt trong diễn biến của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, khi các đồng minh của Đức cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng, mất tinh thần và nội bộ chia rẽ.

Thất bại của phe phát xít chỉ còn là vấn đề thời gian. Đứng trước tình hình đó, các nước Đồng minh hàng đầu là Liên Xô, Anh, Mỹ càng nhận thức được sự cần thiết phải tăng cường phối hợp, sớm kết thúc chiến tranh và vạch kế hoạch thiết kế, phát triển cho thế giới hậu chiến.

Trên tinh thần đó, từ ngày 19 đến ngày 30/10/1943 tại Moscow đã diễn ra cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước Liên Xô, Anh và Mỹ. Nội dung quan trọng đầu tiên của hội nghị là vấn đề mặt trận thứ hai. Ngay từ đầu mùa hè 1942, trong thời gian chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V. Molotov tới London và Washington, Chính phủ Anh và Mỹ đã đưa ra lời hứa sẽ mở mặt trận thứ hai ngay trong năm đó.

Thế nhưng, năm 1942 trôi qua, rồi năm 1943 cũng sắp hết, song lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Thâm ý của Anh, Mỹ là né tránh chiến tranh lớn với Đức, vô hình trung tạo điều kiện để Đức tập trung lực lượng chủ yếu ở mặt trận phía đông chống Liên Xô.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Anh tham dự hội nghị Tehran 1943. Ảnh: Wikipedia

Các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Anh tham dự hội nghị Tehran 1943. Ảnh: Wikipedia

Đến thời điểm này, sau khi quân Đức thất bại thảm hại tại Stalingrad và Kursk và Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công chiến lược, Anh, Mỹ nhận thấy rằng không thể không phối hợp tác chiến với Hồng quân nếu như không muốn bị mất phần quyền lợi sau chiến tranh, nên họ khẳng định sẽ mở mặt trận thứ hai “trong thời gian sớm nhất”.

Tuy nhiên, họ đề nghị mặt trận đó sẽ mở từ phía bán đảo Balkans với dụng ý vừa tránh đối đầu trực diện với quân Đức, vừa muốn đánh chiếm các nước Đông và Nam Âu trước khi Hồng quân Liên Xô kịp đến. Phía Liên Xô kiên quyết bác bỏ đề nghị này và yêu cầu Anh, Mỹ phải mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu.

Nội dung quan trọng thứ hai là thỏa thuận thành lập một tổ chức quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia với chức năng đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới. Ngoại trưởng 3 nước cũng tiến hành mọi công việc chuẩn bị cho hội nghị cấp cao Tehran.

Liên Xô chuẩn bị cho hội nghị này rất chu đáo. Từ rất nhiều ngày và ngay trong chuyến đi (đầu tiên là bằng tàu hỏa đến Baku, sau đó bay đến Tehran), nhà lãnh đạo Stalin yêu cầu Bộ Tổng tham mưu cung cấp cho ông mọi tin tức mới nhất về tình hình các chiến trường. Một bộ máy khổng lồ được huy động làm công tác bảo đảm về mọi mặt.

Diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 1/12/1943 tại thủ đô của Iran, hội nghị Tehran là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh tụ Liên Xô Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill. Chương trình nghị sự chủ yếu là phối hợp hành động trong chiến tranh và hợp tác hòa bình giữa 3 cường quốc thời hậu chiến.

Cũng như tại Moscow mấy tháng trước đó, vấn đề quan trọng đầu tiên được đưa ra thảo luận tại hội nghị Tehran là việc mở mặt trận thứ hai. Và cũng như những lần trước, Thủ tướng Anh nhất trí ngay với chủ trương này, song lại viện dẫn nhiều lí do như “thiếu phương tiện cơ động”, “quân đội chưa được huấn luyện kĩ”, “quân Đức ở Tây Âu còn mạnh”... để khước từ mở mặt trận thứ hai trên đất Pháp. Thay vào đó, ông ta muốn đổ quân từ phía Balkans.

Trước những lí lẽ sắc sảo và thái độ cương quyết của Stalin, cuối cùng hội nghị quyết định mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu. Mọi công việc chuẩn bị phải hoàn tất trước 1/5/1944.

Tương lai của châu Âu nói chung và của nước Đức nói riêng sau chiến tranh là nội dung quan trọng thứ hai của hội nghị. Tổng thống Mỹ đề nghị chia nước Đức thành 5 quốc gia tự trị, riêng kênh đào Keln và thành phố Hamburg được đặt dưới sự quản lí của tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc). Còn theo Thủ tướng Churchill, nước Đức nên chia thành 3 quốc gia, riêng miền nam gộp vào “Liên bang Dunai”. Ai cũng biết, Anh thèm khát vùng công nghiệp Roa của Đức.

Khác với Anh và Mỹ, Liên Xô chủ trương tôn trọng chủ quyền của nhân dân Đức, duy trì một nước Đức độc lập, dân chủ, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ. Chính vì thế, Stalin phản đối mọi ý đồ chia cắt nước Đức của Anh và Mỹ.

Thảo luận tương lai của biên giới Ba Lan, phía Liên Xô đề nghị trả lại cho Ba Lan vùng đất phía tây bị Đức xâm chiếm. Biên giới phía tây Ba Lan sẽ được xác định theo tuyến các con sông Oder- Neisse.

Đáp ứng đề nghị của Anh và Mỹ, Liên Xô cam kết sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật 6 tháng sau khi chiến tranh phía châu Âu kết thúc. Ba nước cam kết sẽ cùng nhau thực hiện nghĩa vụ cao cả là lập lại hòa bình cho nhân loại, loại trừ chiến tranh giữa các dân tộc.

Các nhà lãnh đạo 3 cường quốc cũng cam kết sau chiến tranh sẽ viện trợ kinh tế cho Iran, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.

Kết quả hội nghị Tehran là một thắng lợi của chính sách ngoại giao hòa bình của Liên Xô, có tác động tích cực đến tiến trình chiến tranh và sự nghiệp củng cố hòa bình sau chiến tranh.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/tiet-lo-nhung-thoa-thuan-tai-hoi-nghi-tam-cuong-dau-tien-640170.html