Một nghiên cứu mới khẳng định các hành tinh "Hycean" – những hành tinh đại dương có khí quyển giàu hydro ngoài hệ Mặt Trời – là miền đất hứa của sự sống ngoài Trái Đất.
Số lượng của các hành tinh này trong vũ trụ thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều so với các hành tinh đá. Điều đó đồng nghĩa là khả năng tồn tại sự sống ở đó cũng cao hơn.
Vì vậy, nếu người ngoài hành tinh tồn tại ở các hành tinh Hycean, họ có thể đến từ các thế giới dưới nước giống như nền văn minh Atlantis trong truyền thuyết hoặc như trên phim ảnh.
Các Hycean – sở hữu một đại dương toàn cầu rộng lớn và khí quyển giàu hydro, có kích thước trung bình gấp 2,6 lần và khối lượng trung bình gấp 10 lần Trái Đất – thường rất gần hoặc rất xa ngôi sao mẹ.
Nhưng điều đó không tạo ra thế giới "địa ngục" trên nhiều Hycean. Mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất sẽ là những Hycean "lạnh", sở hữu hiệu ứng nhà kính do hydro phân tử dồi dào trong khí quyển, làm nóng toàn bộ hành tinh nên vẫn có được đại dương ấm áp dù ở xa sao mẹ.
Một số điều kiện trong siêu đại dương của Hycean rất giống các điều kiện giúp sự sống có thể tồn tại trong đại dương của Trái Đất.
Công việc tiếp theo để tìm kiếm sự sống trên các hành tinh Hycean là xác định khả năng tồn tại của các cấu trúc sinh học, qua các hợp chất trong khí quyển của chúng có thể đại diện cho sự sống ví dụ như ozone, oxy và metan.
Tuy nhiên, trên các hành tinh Hycean không có nhiều oxy trong khí quyển, do đó, các hợp chất khác, chẳng hạn như metyl clorua và dimetyl sunfua, có thể báo hiệu sự hiện diện của sự sống trên đó.
Nhóm nghiên cứu do Nikku Madhusudhan đến từ Đại học Cambridge dẫn đầu đã đưa ra một vài dấu ấn sinh học mà chúng ta có thể mong đợi thấy trên thế giới Hycean. Chúng có thể được phát hiện khi một hành tinh Hycean đi cắt mặt ngôi sao chủ của nó khi quan sát từ Trái Đất.
Ở thời điểm đó, một số bước sóng ánh sáng nhất định trong quang phổ sẽ được khí quyển trên Hycean tăng cường hoặc chặn lại. Ở thời điểm đó, một số bước sóng ánh sáng nhất định trong quang phổ sẽ được khí quyển trên Hycean tăng cường hoặc chặn lại.
Chúng ta có một thuận lợi, bởi bầu khí quyển của các thế giới Hycean rất dày, hiệu ứng quang phổ thu được sẽ rõ hơn các hành tinh đá. "Đây là một hướng đi mới trong sứ mệnh tìm kiếm các sự sống ngoài hành tinh", Madhusudhan nói.
Có rất nhiều câu hỏi mở, nhưng đây mới chỉ là một phỏng đoán đầu tiên trong giai đoạn này. Giả thiết là nếu các sinh vật thủy sinh có thể hình thành trong đại dương của các hành tinh này theo cách chúng từng hình thành trên Trái Đất, thì một số đặc điểm sinh học của chúng có thể sẽ rất quen thuộc với chúng ta.
Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV.
Thùy Dung (T.H)