Tiết lộ rợn gáy về kẻ ám sát hụt Phó Tổng thống Argentina
Nghi phạm vụ ám sát hụt Phó Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner đã từng bị bắt vào năm ngoái vì 'sử dụng vũ khí không đúng cách', trước khi hắn có hành vi táo tợn nhằm vào nữ chính trị gia.
Fernando Sabag Montiel được xác định chính là nghi phạm đã tiếp cận Phó Tổng thống Argentina Fernández de Kirchner và toan cướp lấy mạng sống của bà bằng khẩu súng đã được nạp đạn bên ngoài tư dinh chính trị gia này ở Buenos Aires hôm 2/9 vừa qua trong một vụ ám sát bất thành.
CNN dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết, Sabag Montiel có giấy phép sở hữu vũ khí nhưng từng bị bắt vào năm 2021 vì mang theo vũ khí nguy hiểm ở nơi công cộng, đồng thời nói thêm rằng hắn ta có ít nhất một hình xăm với các biểu tượng của Đức Quốc xã.
Cụ thể, hồi tháng 3/2021, khi bị cảnh sát dừng lại kiểm tra xe không biển số, Montiel đã vô tình làm rơi con dao dài 35cm khi xuất trình giấy tờ. Nghi phạm sau đó khai rằng con dao được dùng để tự vệ.
Hồ sơ di trú cho thấy nghi phạm sinh ra ở thành phố São Paulo, Brazil năm 1987 và đã sống ở Argentina từ năm 1993. Khi khám xét nhà của nghi phạm này, cảnh sát đã phát hiện ra 100 viên đạn được tích trữ, bên cạnh khẩu súng Bersa 380 mà nghi phạm đã sử dụng.
Trước đó, đoạn video về vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy Phó Tổng thống Fernández de Kirchner mỉm cười khi bước xuống xe và đi ngang qua một đám đông những người ủng hộ bà.
Ngay lúc này, một người đàn ông lao tới và chĩa súng vào mặt bà ở khoảng cách rất gần. Bà Kirchner lập tức che mặt và cúi xuống. Đám đông những người ủng hộ cũng tìm cách bảo vệ bà và truy tìm kẻ sát nhân.
"Nghi phạm giương súng vào đầu bà ấy và bóp cò. Bà Cristina còn sống vì một số lý do - mà chúng tôi không thể xác nhận về mặt kỹ thuật vào lúc này - khiến vũ khí không nổ. Vũ khí, được trang bị 5 viên đạn, đã không nổ mặc dù đã bóp cò", Tổng thống Argentina Alberto Fernández cho biết.
Vụ tấn công nhằm vào Phó Tổng thống Argentina Fernández de Kirchner đã gây chấn động Argentina và quốc tế, dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ an ninh cho các chính trị gia, nhất là sau vụ ám sát khiến cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tử vong xảy ra cách đây không lâu.