Tiết Thanh minh đi tảo mộ nhất định phải biết những kiêng kị này

Tiết Thanh minh đi tảo mộ dù theo gia đình, hay dòng tộc có những kiêng kị cần phải nhớ để 'có thờ có thiêng, có kiêng có lành'.

Tiết Thanh minh không sát sinh, đặt đồ mặn, ăn uống tại mộ phần

Có không ít gia đình đã không ngại mang cả thùng thức ăn, nồi lẩu với đủ các món thực phẩm tới nghĩa trang để vừa tảo mộ, vừa ăn uống sum vầy, vui vẻ cùng… "các cụ".

Nhưng nhiều nhà tâm linh khuyên rằng, tiết Thanh minh chỉ mang hoa quả đặt trên mộ phần. Theo TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp KHCN Tin học Ứng dụng UIA), tiết Thanh minh cần sắm đủ đồ lễ đi tảo mộ, nhưng không nên cúng gà (vì phải sát sinh), cũng không nên cúng đồ mặn vì quan niệm khiến người mất tham luyến đồ ăn, thức uống cõi trần mà không siêu thoát được.

Muốn cúng đồ mặn chỉ nên dùng xôi/ bánh chưng với khoanh giò - đặt ở miếu quan Thần linh. Nhưng tốt nhất nên cúng đồ chay, bởi quan niệm ăn chay, niệm Phật mới dễ siêu thoát.

Dịp Thanh minh khi đến nghĩa trang, khu lăng mộ... tu sửa mộ phần và tưởng nhớ người đã mất cần nghiêm cẩn, thành kính.

Dịp Thanh minh khi đến nghĩa trang, khu lăng mộ... tu sửa mộ phần và tưởng nhớ người đã mất cần nghiêm cẩn, thành kính.

Gia chủ cúng xong không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang. Theo dân gian đồ ăn ở nơi nhiễm năng lượng xấu không còn ngon lành. Vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, còn rất dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy...

Muốn họ tộc, gia đình ăn uống tiết Thanh minh vui vẻ, tốt nhất sau khi đi tảo mộ ở nghĩa trang xong thì đến nơi khác ăn uống. Hoặc về nhà tẩy uế thân thể xong thì mới sum vầy vui vẻ.

Không chụp ảnh, xâm phạm bia mộ

Nhu cầu chụp ảnh gần đây rất tiện lợi và phổ biến, và nhiều người thích chụp ảnh để "seo phì" trên mạng. Có người chụp ảnh nghịch ngợm nhảy từ mộ nọ sang mộ kia. Có những người ngồi lên bia mộ "tự sướng" vài kiểu ảnh (tệ hơn là có những người cố tình giẫm lên mộ, nhổ bọt, hay dùng chân gạt đồ lễ…) Đều là thái độ bất kính với người đã mất.

Dịp Thanh minh khi đến nghĩa trang, khu lăng mộ... tu sửa mộ phần và tưởng nhớ người đã mất cần nghiêm cẩn, thành kính.

Nghĩa trang là thế giới của người âm, nên hạn chế việc chụp ảnh, "seo phì" tại đó. Càng không nên ngồi lên bia mộ để chụp ảnh. Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng của con cháu với người đã mất, vừa tránh được mộ phần và năng lượng xấu lọt vào ống kính, hay ảnh hưởng tới bản thân.

Các nhà tâm linh khuyên không nên tùy tiện chụp ảnh ở nghĩa trang, lăng mộ - đặc biệt với người lạ, nơi hoang vắng.

Tảo mộ tiết Thanh minh xung quanh có rất nhiều mộ phần của nhà mình và nhiều nhà khác. Việc hình ảnh những ngôi mộ nhà khác lọt vào ống kính là không thể tránh - và dân gian cho đó là điều không tốt lành.

Về mặt tâm linh, chụp ảnh ở nơi nghĩa trang hoang vắng kết tụ nhiều tầng khí xấu. Còn có thể tạo nên những hình ảnh bí ẩn, kỳ lạ khó giải thích trong bức ảnh. Điều này có thể khiến người xem và cả người được chụp ảnh bị ám ảnh, lo sợ… Kể cả những ngôi nhà cổ, di tích lịch sử, nơi có niên đại lâu đời, cây cổ thụ lâu năm… khó tránh khỏi có năng lượng xấu tích tụ. Vì vậy, nên hạn chế chụp ảnh ở những nơi đó để tránh bị ảnh hưởng tới chính mình.

Trong dân gian còn kiêng ăn mặc quá sặc sỡ, hoặc quá mát mẻ chụp ảnh ở nghĩa trang, mộ phần – bởi không hợp với cảnh sắc.

Cũng tránh mặc toàn màu đen vì dân gian cho là dễ gặp xui rủi.

Những kiêng kị tuy là quan niệm dân gian đã bị nhiều người, nhất là giới trẻ bỏ qua và đã mai một nhiều. Nhưng ngày nay có người chiêm nghiệm thấy có thờ có thiêng thì vẫn theo, và dịp Thanh minh có kiêng có lành để tránh xui rủi.

Đi tảo mộ nên tâm niệm thành kính, vui vẻ, không có tạp niệm sẽ tốt hơn. Ảnh internet

Đi tảo mộ nên tâm niệm thành kính, vui vẻ, không có tạp niệm sẽ tốt hơn. Ảnh internet

Một số việc khác không nên làm dịp Thanh Minh để tránh xui xẻo

Theo dân gian, đi tảo mộ tiết Thanh minh nhớ đừng làm những việc này để tránh gặp xui xẻo:

- Đi tảo mộ nên tâm niệm thành kính, vui vẻ, không có tạp niệm sẽ tốt hơn. Nếu không phải là con cháu trong nhà, dòng tộc thì không nên ham vui, hay muốn giúp đỡ, lấy lòng ai... mà đi tảo mộ cùng gia đình họ – bởi tiết Thanh minh là đi tảo mộ tổ tiên, dòng tộc, người ngoài họ tộc có thể làm trường khí tâm linh hỗn loạn.

- Không nên đi con đường vắng vẻ, ít người – mà hãy chọn con đường có nhiều người đi để tránh gặp nguy hiểm.

- Không giẫm lên bia mộ, không dùng chân gạt đồ lễ, bước qua đồ lễ - vì đó là thái độ bất kính với người đã mất và có thể gặp phải xui xẻo.

- Người yếu bóng vía, phụ nữ mang thai, đang kỳ đèn đỏ nên tránh đi tảo mộ (vì dân gian cho rằng họ rất dễ bị năng lượng xấu ảnh hưởng).

- Khi tảo mộ cần sửa sang, quét dọn sạch sẽ tứ phía, cắm hoa tươi, cắm hương cả các mộ gần đó.

- Không nên khóc lóc gọi tên người mất ở mộ phần vì theo tâm linh là không tốt.

- Thời gian đi tảo mộ không quá sớm, hay quá muộn vì trời nhập nhoạng theo quan niệm dân gian là không tốt. Hãy chọn ngày tốt, giờ đẹp và chờ trời hửng sáng hẳn để các trường khí xấu nơi mộ phần tiêu tán bớt.

- Đi tảo mộ về nhà cần bước qua lửa 3 lần, hoặc đốt nắm bồ kết xông rồi hãy vào nhà rửa ráy chân tay sạch sẽ, thay đồ sạch… mới ăn uống sum vầy (cũng là cách tránh năng lượng xấu bám lại).

- Đi tảo mộ không nên tiện đường ghé qua thăm hỏi nhà ai. Vì như thế có thể đem lại năng lượng xấu cho chủ nhà.

Một số nơi còn kị người vợ/chồng mất chưa được 3 năm thì không nên đi tảo mộ. Vì sẽ ảnh hưởng đến vận khí của người còn sống, hoặc sau này tái giá sẽ không tốt cho con cái và chính mình.

Những quan niệm dân gian trên không phải ở đâu cũng dùng. Vì vậy, hãy tìm hiểu xem nơi mình sinh sống có kiêng kị gì không thì tránh - có kiêng có lành và tránh được những lời dị nghị, đàm tiếu không đáng có.

* Thông tin quan niệm dân gian trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.

Uyển Hương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tiet-thanh-minh-di-tao-mo-nhat-dinh-phai-biet-nhung-kieng-ki-nay-172230403180119101.htm