Tiểu ban Kinh tế-xã hội làm việc tại vùng Đồng bằng sông Hồng

Chiều nay (30/7), tại tỉnh Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng làm việc tại vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2023, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; những nút thắt, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện; những mô hình, cách làm sáng tạo; kiến nghị đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ, cần chuyển từ thu hút vốn FDI sang hợp tác FDI nhằm nhằm khai thác tối ưu hiệu quả dòng vốn FDI, tạo sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, lựa chọn công nghệ, chú trọng nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Nhấn mạnh việc hình thành và phát triển các khu thương mại tự do là một xu hướng chiến lược quan trọng đối với các quốc gia, Bí thư thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng: "Nhiệm kỳ tới cần bổ sung nội dung khuyến khích đổi mới về tư duy phát triển mạnh dạn thử nghiệm áp dụng những mô hình phát triển mới thí điểm của thương mại tự do, hay là các cơ chế chính sách nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, có như vậy chúng ta mới có thể tạo ra được sự phát triển đột phá".

Lãnh đạo các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc nhận định liên kết kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồng còn chưa chặt chẽ, thiếu phân công dựa trên lợi thế từng địa phương, mới dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Vì vậy, trong thời gian tới cần tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tôn trọng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; tập trung thu hút FDI trong các ngành công nghiệp mới; phát triển hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng cả về đường bộ, đường sắt, đường biển; ưu tiên đào đạo nhân lực chất lượng cao… với cơ chế chỉ đạo thống nhất trong vùng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, các kết quả đạt được, vùng Đồng bằng sông Hồng còn hạn chế về cơ cấu kinh tế, mức độ ổn định, khả năng tự chủ, nhất là khả năng phát huy động lực phát triển từ các doanh nghiệp FDI để tiếp cận, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, tạo ra các hệ sinh thái doanh nghiệp… Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng để thay đổi mô hình, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững để doanh nghiệp trong nước tham gia và khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Bên cạnh việc ban hành hệ thống quy hoạch, pháp luật bao phủ các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần tiếp tục rà soát, xây dựng thể chế chính sách đồng bộ, thống nhất, cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang biến chuyển nhanh chóng, tạo không gian cho tư duy đổi mới, sáng tạo. Đây chính là là vai trò trung tâm kiến tạo của Nhà nước.

Phương Thoa/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tieu-ban-kinh-te-xa-hoi-lam-viec-tai-vung-dong-bang-song-hong-post1111191.vov