Tiêu chí truyền thống về 'người đàn ông đích thực' kéo lùi nam giới và bình đẳng giới
Có nhiều bằng chứng cho thấy nam giới ngày càng gặp phải nhiều vấn đề trong công việc, sức khỏe thể chất và tinh thần và trong mối quan hệ với phụ nữ và trẻ em. Do đó, cần có các chính sách và chương trình xã hội nhằm hỗ trợ nam giới giải quyết những khó khăn đặc thù của họ; thay đổi các chuẩn mực và thực hành giới cản trở sự phát triển của cả nam giới và phụ nữ.
Gánh nặng "nam tính"
Theo TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), những nỗ lực to lớn thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam qua đã mang lại nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, mục tiêu bình đẳng giới thực chất vẫn chưa đạt được, khoảng cách giữa hai giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là sự thiếu quan tâm đến nam giới như một nửa của xã hội. Các chính sách, chương trình về bình đẳng giới cho đến nay chủ yếu tập trung thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ mà ít chú ý đến nam giới. Trong khi đó, có nhiều bằng chứng cho thấy nam giới ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề trong công việc, sức khỏe thể chất và tinh thần và trong mối quan hệ với phụ nữ và trẻ em…
Để góp phần vào việc xây dựng các chính sách và chương trình xã hội theo cách tiếp cận mới, trong hai năm 2018-2019, Viện ISDS đã thực hiện nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về nam giới và nam tính ở Việt Nam với tên gọi "Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập" với 2.567 nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 64 tuổi ở một số tỉnh và thành phố.
Qua kết quả nghiên cứu, "người đàn ông đích thực" lâu nay được trông đợi là phải có một loạt các tiêu chí nam tính truyền thống trong quan niệm phổ biến về thế nào là một người đàn ông. Về sự nghiệp, người đàn ông đích thực phải ưu tiên cho công việc, trở thành người lãnh đạo và cố gắng phấn đấu để có vị trí cao trong hệ thống nhà nước. Về năng lực và tính cách, người đàn ông đích thực phải mạnh mẽ, chấp nhận mạo hiểm, và có quan hệ xã hội rộng rãi. Về sinh lực, người đàn ông đích thực phải có khả năng tình dục cao và có nhiều kinh nghiệm tình ái, biết uống rượu bia và sẵn sàng sử dụng sức mạnh/bạo lực khi cần thiết để bảo vệ danh dự của mình. Về bổn phận đối với gia đình, người đàn ông Việt Nam đích thực phải là trụ cột của gia đình, lấy vợ, sinh con, nuôi sống gia đình và thờ cúng tổ tiên.
Kết quả nghiên cứu định tính cũng cho thấy những phát hiện thú vị về những đặc điểm chủ yếu của người đàn ông đích thực. Phần lớn những người trả lời, bất kể độ tuổi, hoàn cảnh xuất thân và địa bàn sinh sống, đều nhấn mạnh giá trị trọng tâm của một người đàn ông đích thực, đó là vai trò trụ cột gia đình.
Các tiêu chí về người đàn ông Việt Nam đích thực được đề ra quá cao buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng. Cùng với quá trình thực hiện nhiệm vụ gần như bất khả thi này, nam giới phải đối mặt với áp lực xã hội rất lớn khi phải tuân thủ những chuẩn nam tính như vậy. Tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần 1/4 nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp. Áp lực đối với nam giới có xu hướng giảm dần theo độ tuổi nhưng lại gia tăng theo trình độ học vấn và với thời gian làm việc.
Cần thay đổi chuẩn mực giới thiên lệch
Tại hội thảo tham vấn chính sách từ kết quả nghiên cứu "Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập" ngày 28/10, TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh, một tỷ lệ cao nam giới đã nhập tâm các chuẩn mực giới thiên lệch (mang tính định kiến về giới), phản ánh những mong đợi giới truyền thống về vai trò, giá trị, năng lực và khát vọng của nam giới và phụ nữ.
Một tỷ lệ đáng chú ý là hơn 92% số nam giới đồng ý với quan niệm cho rằng "thiên chức của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp". Tương ứng, có hơn 82% nam giới cho rằng "phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp", "phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình" và hơn 84% nam giới đồng ý với ý kiến cho rằng phụ nữ nên làm những công việc nhẹ nhàng và đơn giản. Những phát hiện này cho thấy nam giới tin rằng phụ nữ có năng lực làm việc kém hơn đàn ông và phụ nữ nên hy sinh sự nghiệp của mình để chăm lo gia đình và hỗ trợ cho sự thành công của người chồng.
Kết quả phân tích định tính cũng chỉ ra rằng nhóm trẻ tuổi cởi mở hơn đối với công việc nội trợ so với nam giới ở các độ tuổi lớn hơn do họ ý thức được rằng người phụ nữ cũng ra ngoài làm việc tạo thu nhập như nam giới nên họ sẵn sàng gánh vác việc nhà cùng vợ cũng như chăm sóc con cái.
Trong khi các chuẩn mực nam tính gắn liền với hình ảnh người đàn ông đích thực và các chuẩn mực giới bất bình đẳng còn tồn tại phổ biến trong những nam giới tham gia cuộc khảo sát, phân tích hồi quy cho thấy có những dấu hiệu thay đổi tích cực. Các yếu tố phân tích bao gồm tuổi trẻ, sống ở đô thị, trình độ học vấn cao hơn, điều kiện kinh tế tốt hơn và tham gia nhiều hơn vào toàn cầu hóa được xác định là những yếu tố làm suy yếu những chuẩn mực nam tính và chuẩn mực giới của nam giới Việt Nam. Có lẽ sự tiến bộ kinh tế và xã hội cùng với cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau trong quá trình toàn cầu hóa đã có tác động tích cực đến nhận thức của nam giới Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hữu Minh - Chuyên gia cao cấp về giới, việc nghiên cứu để hiểu biết tốt hơn về nam giới và nam tính để nhằm thay đổi theo hướng bình đẳng mang lại lợi ích cho nam giới, cho quan hệ gia đình và đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Nhiều nam giới nhận thức phải trụ cột nên hình thành bất bình đẳng giới trong gia đình. Do đó, nhiều tiêu chí truyền thống của "người đàn ông đích thực" cần phải được thay đổi để giải phóng chính đàn ông ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc đang gây bất lợi cho chính họ và đang cản trở sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Do đó, cần tập trung vào nhóm nam giới hiện đại, coi trọng họ như đội quân tiên phong trong thay đổi tư duy, nếp nghĩ, là ảnh hưởng đến suy nghĩ của các tầng lớp khác. Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng, nên kết hợp nghiên cứu nam giới trong mối quan hệ với nữ giới để thay đổi chính sách.
Còn theo bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia UN WOMEN, nghiên cứu chuẩn mực nam giới và tập trung giải quyết các vấn đề của đàn ông cũng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Chúng ta cần tập trung thay đổi nhận thức của nam giới đi kèm các chương trình can thiệp và nâng cao vai trò của chính sách. Với nhiều chuyên gia khác, để thay đổi nam giới, giảm bớt những căng thẳng mà nam giới phải gánh chịu thì cần có dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho đàn ông; chú ý tới quá trình "kiến tạo một đứa trẻ" từ trong gia đình, nhà trường và cả truyền thông xã hội…