'Tiêu chuẩn kép' áp với Belarus
Sự việc Belarus buộc chuyến bay của Ryanair bay từ Lithuania đến Hy Lạp phải đổi hướng và hạ cánh tại Minsk để bắt giữ một phóng viên đối lập đang gây ra phản ứng giận dữ từ phía phương Tây.
Nhưng phải chăng họ đang áp dụng tiêu chuẩn kép?
Bình luận trên trang RT.com của Nga, Giáo sư Glenn Diesen thuộc Đại học South-Eastern của Na Uy và là biên tập viên tạp chí Global Affairs của Nga nói rằng, có vẻ phản ứng của phương Tây tiếp theo vụ máy bay Ryanair cũng sẽ sai lầm.
Hiện nhiều nước EU và Mỹ đã cảnh báo sẽ trừng phạt Belarus, và cảnh báo để các hãng hàng không của họ tránh không phận Belarus.
Giáo sư Diesen cho rằng, hành động của Minsk là sự vi phạm trắng trợn một số công ước, hiệp ước về không phận quốc tế và khiến nhiều người gặp nguy hiểm. “Bất kỳ ai quan tâm đến một châu Âu có trật tự và một hệ thống quốc tế ổn định sẽ phải lên án hành động này, ít nhất vì nó vi phạm các thể chế quốc tế”.
Tuy nhiên, theo ông Diesen, phản ứng từ các cơ quan chính trị truyền thông cho thấy, họ nghĩ rằng, sự cố xảy ra do việc suy yếu “hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ” mà phương Tây là trung tâm, và giải pháp duy nhất của họ là bảo vệ hệ thống này bằng cách tiếp tục trừng phạt và gây sức ép với Belarus.
Trên thực tế, chính “hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ” của phương Tây đã thay thế luật pháp quốc tế và trở thành yếu tố chính đằng sau sự sụp độ của những thể chế và quy tắc chung.
Mặc dù, Belarus đáng bị chỉ trích vì các hành động của mình, nhưng điều quan trọng là phải hiểu chúng là triệu chứng của một hệ thống quốc tế đang thất bại mà phương Tây đã cố gắng hết sức để phá bỏ và phá hoại - ông viết.
Theo giáo sư, việc can thiệp vào các chuyến bay quốc tế vì mục đích chính trị là hành vi nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người, song hành động của Belarus không phải tiền lệ. Năm 2010, một chuyến bay từ Pháp tới Mexico phải đổi hướng theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ để bắt giữ một hành khách.
Năm 2013, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Na, Italy đều từ chối một máy bay chở Tổng thống Bolivia Evo Morales tiếp cận không phận của họ, theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Không có đủ nhiên liệu để đổi hướng, chiếc máy bay của tổng thống phải hạ cánh ở Áo, tại đó nó bị kiểm tra để tìm kiếm Edward Snowden, người đã cung cấp các tài liệu máy tính về bí mật của các chính phủ trên thế giới, nhất là của Mỹ, lúc đó được cho là có mặt trên máy bay.
Tức là ngay cả máy bay tổng thống cũng đã là đối tượng của hành vi phá vỡ các hiệp ước, hiệp định hàng không quốc tế. Liệu những hành vi này có bị phương Tây coi là “không tặc”?
Giáo sư Diesen cho rằng, phương Tây đã áp dụng tiêu chuẩn kép khi tự cho mình có quyền phá vỡ luật lệ quốc tế như trên còn các nước họ không thích thì không được phép.
“Điều này không bào chữa cho các hành động mà Belarus đã thực hiện, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra lý do tại sao các thể chế và quy tắc quốc tế đã bị phá vỡ và cảm giác vô luật pháp chiếm ưu thế - chính vì những tiêu chuẩn kép có chủ ý này” – ông viết.
Cũng theo giáo sư, các quốc gia NATO đang kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Roman Protasevich, người được gọi là một nhà báo độc lập. Tuy nhiên, Minsk coi Protasevich là một lực lượng thay đổi chế độ được phương Tây hỗ trợ, điều này cho thấy rằng biên giới giữa vấn đề nội bộ và quốc tế đã bị phá vỡ từ lâu trước khi chuyến bay Ryanair buộc phải hạ cánh.
Lên tiếng lần đầu tiên kể từ vụ việc, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, email của sân bay Minsk ở Belarus đã nhận được lá thư đe dọa có bom trên máy bay. Email được gửi đi từ Thụy Sĩ thông qua dịch vụ email Protonmail.com. Ông khẳng định, nhà chức trách Belarus đã phản ứng theo thông tin nhận được về sự cố Ryanair.
Tổng thống Lukashenko còn cảnh báo, Belarus “đang đứng trên bờ vực một cuộc xung đột mới, không phải chiến tranh lạnh, mà là một cuộc chiến tranh băng giá”. Ông tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt một cách mạnh mẽ.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đang tìm cách gia tăng sự cô lập với ông Lukashenko. Tổng thống Joe Biden sẽ thảo luận sự vụ này với Tổng thống Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga vào 16/6. Nhà Trắng nói rằng Mỹ không tin Nga có vai trò trong vụ này.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/tieu-chuan-kep-ap-voi-belarus-oeKSFuqGg.html