Tiêu chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, kinh nghiệm thế giới và hướng áp dụng ở Việt Nam
Tiêu chuẩn kỹ thuật số 44 (UN Regulation No.44 - UN R44) và Tiêu chuẩn kỹ thuật số 129 (UN Regulation No.129 - UN R129) do Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) ban hành cho hệ thống thiết bị an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Hai tiêu chuẩn này được trình bày và so sánh với nhau để làm rõ tính ứng dụng thực tế vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tình hình áp dụng hai tiêu chuẩn này trên thế giới và cụ thể tại Malaysia được trình bày chi tiết. Hiện tại, Việt Nam nên áp dụng đồng thời cả hai tiêu chuẩn để khuyến khích người đi ô tô sử dụng ghế trẻ em theo khả năng tài chính và nhu cầu an toàn; đồng thời nên có định hướng dẫn chuyển hoàn toàn sang UN R129.
1. Tiêu chuẩn kỹ thuật số 44 (Bản sửa đổi lần 3, cập nhật lần 11) của UNECE (UN Regulation No.44, revision 3, Amendment 11)
UN R44 là Tiêu chuẩn An toàn quốc tế về hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô (CRS) đã được áp dụng trong hơn 30 năm qua. Bản mới nhất là bản sửa đổi lần 3, cập nhật lần 11 (UN Regulation No. 44 - Rev.3 - Amend.11) được ban hành vào ngày 6/7/2021 [1]. Tiêu chuẩn này được UNECE đưa ra với mục tiêu cải thiện an toàn cho trẻ em ngồi trong ô tô. UN R44 đề ra các tiêu chuẩn thiết kế, kiểm tra và phân loại ghế ngồi dành cho trẻ em dựa trên cân nặng. Tiêu chuẩn này được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. UN R44 đặt tiêu chuẩn kiểm tra va chạm trực diện và va chạm phía sau để đánh giá mức độ bảo vệ của ghế đối với trẻ em.
CRS được phân loại theo cân nặng của trẻ em thành 5 nhóm, bao gồm:
- Nhóm 0 dành cho trẻ em có cân nặng dưới 10 kg;
- Nhóm 0+ dành cho trẻ em có cân nặng dưới 13 kg;
- Nhóm I dành cho trẻ em có cân nặng từ 9 kg đến 18 kg;
- Nhóm II dành cho trẻ em có cân nặng từ 15 kg đến 25 kg;
- Nhóm III dành cho trẻ em có cân nặng từ 22 kg đến 36 kg.
Theo UN R44, CRS thuộc nhóm 0 và 0+ phải quay về phía sau. Các nhóm 0, 0+ và I phải được trang bị hệ thống dây đai tích hợp hoặc tấm chắn tác động (chỉ dành cho nhóm I). Trong các nhóm II và III, trẻ được giữ bằng dây an toàn của xe. ISOFIX để kết nối ghế trẻ em với xe được phê duyệt cho các nhóm từ 0 đến 1.
Ghế trẻ em sử dụng ISOFIX được chia thành 7 loại kích thước ISOFIX:
A - ISO/F3: Ghế trẻ em đủ chiều cao kiểu quay về phía trước;
B - ISO/F2: Ghế trẻ em giảm chiều cao kiểu quay về phía trước;
B1 - ISO/F2X: Ghế trẻ em giảm chiều cao kiểu quay về phía trước;
C - ISO/R3: Ghế trẻ em đủ chiều cao kiểu quay về phía sau;
D - ISO/R2: Ghế trẻ em giảm chiều cao kiểu quay về phía sau;
E - ISO/R1: Ghế trẻ sơ sinh kiểu quay về phía sau;
F - ISO/L1: Nôi trẻ em kiểu nằm nghiêng, quay về bên trái;
G - ISO/L2: Nôi trẻ em kiểu nằm nghiêng, quay về phải.
2. Tiêu chuẩn kỹ thuật số 129 của UNECE (UN Regulation No.129)
Tiêu chuẩn Kỹ thuật số 129 của UNECE, UN R129 là quy định mới về CRS, được sử dụng để thay thế Tiêu chuẩn UN R44 [3] [4]. Tiêu chuẩn UN R129 đưa ra hệ thống cải tiến mang tên "i-Size". Hệ thống ghế an toàn trẻ em ISOFIX toàn diện tích hợp (i-Size) là một loại ghế an toàn trẻ em được sử dụng ở mọi vị trí ngồi i-Size của xe.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được ngồi trên ghế quay về phía ngược hướng lái ô tô càng lâu càng tốt để giảm nguy cơ chấn thương đầu và cổ trong trường hợp tai nạn, do trẻ nhỏ có đặc điểm khác với người lớn là có cơ cổ còn yếu và tỷ lệ kích thước đầu so với kích thước cơ thể lớn. Việc chuyển sang ghế ngồi quay về phía trước quá sớm làm tăng nguy cơ chấn thương nặng ở cột sống cổ khi xảy ra tai nạn.
Việc sử dụng ghế quay về phía sau tại vị trí trên xe có túi khí là bị cấm theo luật do nguy cơ gây tổn thương cho trẻ. Do đó, người dùng cần tham khảo hướng dẫn của xe để xác định CRS có thể được đặt ở ghế hành khách hay không và cách vô hiệu hóa túi khí nếu cần thiết.
Quy định mới UN R129, còn gọi là "i-Size," đã được phát triển nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề như đã nêu trên. Các CRS được sản xuất dựa trên UN R129 mới mang lại những cải tiến chính sau đây cho trong việc nâng cao tính an toàn cho trẻ em trên ô tô:
- UN R129 yêu cầu CRS phải quay về phía sau cho trẻ em dưới 15 tháng tuổi, thay vì 9 tháng như được áp dụng trong Tiêu chuẩn UN R44. Điều này sẽ mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho đầu và cổ đang phát triển của trẻ nhỏ bằng cách yêu cầu trẻ phải ngồi quay ngược đến 15 tháng tuổi.
- Các hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em đạt chuẩn UN R129 phải đạt thêm yêu cầu kiểm tra va chạm ngang, giúp bảo vệ tốt hơn phần đầu của trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ hơn. Trước đây, không có yêu cầu về quy trình kiểm tra đối với va chạm ngang theo tiêu chuẩn UN R44.
- Các CRS đạt chuẩn UN R129 phải được thử nghiệm các bài kiểm tra an toàn với tiêu chí khắt khe hơn và sử dụng dummy thế hệ mới, mô phỏng chính xác hơn va chạm thực tế tác động lên cơ thể của trẻ em so với các bài kiểm tra an toàn và dummy của tiêu chuẩn UN R44.
- Theo UN R129 mới hiện tại, cả ISOFIX và dây an toàn 3 điểm đều được sử dụng. Điều này tạo sự thuận tiện và làm giảm nguy cơ ghế được lắp không đúng cách trong xe. Bên cạnh đó, hướng dẫn lựa chọn ghế phù hợp cho trẻ được đơn giản hóa bằng cách chỉ sử dụng chiều cao của trẻ làm tiêu chí duy nhất.
- Cải thiện khả năng tương thích giữa xe và CRS: CRS theo chuẩn "i-Size" sẽ vừa với bất kỳ vị trí ngồi nào được chuẩn bị cho i-Size trong xe (không cần kiểm tra loại xe để xét tính tương thích với hệ thống thiết bị an toàn). Cả CRS và vị trí ngồi đều có thể được nhận diện bằng logo "i-Size".
3. So sánh hai tiêu chuẩn UN R44 và UN R129
Những cải tiến trong Tiêu chuẩn UN R129 nhằm mang lại các ưu điểm so với tiêu chuẩn UN R44. Tiêu chuẩn UN R129 giúp lựa chọn ghế trẻ em theo chiều cao dễ dàng hơn, điều này nhằm cải thiện việc sử dụng sai loại ghế cũng như sai cách lắp ghế làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ trẻ em. Bên cạnh yêu cầu kiểm tra thiết bị bảo vệ trực diện và từ phía sau như ở Tiêu chuẩn UN R44, Tiêu chuẩn UN R129 bảo đảm an toàn hơn cho trẻ em khi yêu cầu thiết bị bảo vệ trong va chạm ngang. Theo UN R129, ghế cho trẻ dưới 15 tháng tuổi phải quay về phía sau nhằm tăng tính bảo vệ đầu và cổ cho trẻ do trẻ em có cơ ở cổ còn yếu và tỷ lệ kích thước đầu so với kích thước cơ thể lớn. Hệ thống đạt Tiêu chuẩn UN R129 không cần kiểm tra loại xe để xét tính tương thích do hệ thống sẽ phù hợp bất kỳ chỗ ngồi nào trên xe đã đạt chuẩn i-Size.
Theo UN R44 và UN R129, CRS phải được trải qua các bài kiểm tra, trong đó bao gồm kiểm tra va chạm, kiểm tra độ hấp thụ năng lượng, kiểm tra độ bền dây đai và khóa, kiểm tra độ bền với điều kiện môi trường, kiểm tra chất liệu chống cháy. Trong kiểm tra va chạm, CRS đạt chuẩn R129 phải có thêm bài kiểm tra va chạm ngang và dummy được sử dụng phải là Q-dummy. Các tiêu chuẩn cụ thể cần đạt được và mô tả của các bài kiểm tra được trình bày trong UN R44 và UN R129.
Tuy nhiên, việc áp dụng CRS theo Tiêu chuẩn UN R129 có các nhược điểm so với tiêu chuẩn UN R44 bao gồm chi phí cao hơn do yêu cầu cao hơn về thiết bị và kiểm tra an toàn. Trong thử nghiệm va chạm, UN R129 dùng Q dummy với 32 cảm biến có chi phí cao hơn nhiều đối với P dummy với 4 cảm biến. Các ghế trẻ em theo UN R129 không thể sử dụng dây đai an toàn 2 điểm.
4. Tình hình áp dụng trên thế giới
Ở các quốc gia trong khối liên minh châu Âu, xe ô tô phải được trang bị CRS cho trẻ em có chiều cao dưới 135 cm hoặc 150 cm (tùy thuộc luật ở từng quốc gia). Hệ thống này phải được phê chuẩn theo tiêu chuẩn UN R44 hoặc UN R129. Hiện nay, các nước châu Âu đã chuyển sang sử dụng Tiêu chuẩn UN R129 thay vì UN R44 [3]. Ở Đức, tất cả trẻ em dưới 12 tuổi và có chiều cao dưới 150 cm, phải sử dụng CRS đạt Tiêu chuẩn UN R44 hoặc Tiêu chuẩn UN R129 [3].
Ở Liên bang Nga, trẻ em dưới 12 tuổi và có chiều cao dưới 150 cm phải được sử dụng CRS đạt Tiêu chuẩn UN R44 [3]. Xe ô tô phải được trang bị CRS phù hợp với cân nặng và chiều cao của trẻ, hoặc dây an toàn được thiết kế sẵn trong xe. Việc để trẻ em ngồi ở ghế trước chỉ được phép khi sử dụng CRS.
Từ năm 2023, châu Âu đã ngưng sản xuất và nhập khẩu CRS theo Tiêu chuẩn UN R44. Từ ngày 1/9/2024, CRS mới đạt tiêu chuẩn UN R44 đã không còn được phép bán ra thị trường [7]. Chỉ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn UN R129 được phép lưu hành. Tuy nhiên, CRS đạt chuẩn UN R44 vẫn có thể tiếp tục sử dụng và người dùng không bắt buộc phải thay thế bằng ghế mới [7].
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có sự khác biệt trong việc áp dụng tiêu chuẩn về sử dụng CRS. Ở Malaysia, cả UN R44 và UN R129 được tổng hợp để áp dụng vào luật nhằm đảm bảo các xe ô tô cũ, mới đều được lắp đặt thuận tiện và CRS được cung cấp trên thị trường có nhiều loại phong phú với giá cả phải chăng, quy định có hiệu lực từ tháng 1/2020. Ở Thái Lan, Tiêu chuẩn TIS 3418-2565 dựa trên UN R44 đã được ban hành vào năm 2024, nhưng chỉ mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc. Hiện tại, Thái Lan đang đầu tư trang thiết bị nghiên cứu cho Phòng Thí nghiệm quốc gia để nghiên cứu thêm về vấn đề này và dự kiến sẽ cập nhật tiêu chuẩn mới vào năm 2025, khi đó sẽ trở thành quy định bắt buộc. Ở Philippines, trẻ em có chiều cao dưới 150 cm phải được trang bị CRS và hệ thống này phải phù hợp với lứa tuổi, cân nặng và kích thước của trẻ theo cả UN R44, UN R129 và các tiêu chuẩn quốc tế khác [8]. CRS được sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng ở Philippines phải đảm bảo đạt các tiêu chuẩn này [8]. Ở Singapore, trẻ em dưới 1,35 m khi ngồi trên xe ô tô phải được trang bị CRS được phê duyệt [9]. Theo luật ở Singapore, CRS được phê duyệt là các hệ thống thiết bị an toàn đạt một trong các chuẩn quốc tế, trong đó bao gồm tiêu chuẩn UN R44, FMVSS 213 của Mỹ, AS 1754-1975 của Úc [9]. Myanmar, Lào và Campuchia đã có luật quy định về trang bị CRS cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô nhưng chưa áp dụng tiêu chuẩn cụ thể nào, bao gồm UN R44 và UN R129, vào quy định sản xuất, phân phối và sử dụng CRS [10] [11] [12]. Indonesia hiện tại chưa ban hành luật quy định về trang bị CRS cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô [13]. Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam, được ban hành ngày 27/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m khi ngồi trên xe ô tô phải được trang bị thiết bị an toàn phù hợp với trẻ, hiện tại quy chuẩn kỹ thuật cho CRS đang được chuẩn bị ban hành [14].
Tình hình áp dụng quy định về CRS tại Malaysia, trong bản sửa đổi năm 2019 của quy định về dây an toàn trên phương tiện giao thông cơ giới của Malaysia (MOTOR VEHICLES (SAFETY SEATBELTS) (AMENDMENT) RULES 2019), CRS được định nghĩa là "một thiết bị có khả năng giữ trẻ em trong tư thế ngồi hoặc nằm ngang trong một phương tiện giao thông cơ giới. Thiết bị này được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ chấn thương cho người sử dụng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc giảm tốc đột ngột của phương tiện, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ em". Bản sửa đổi thêm các luật về CRS bao gồm:
+ Tài xế của phương tiện giao thông cơ giới chở trẻ em phải đảm bảo trẻ em sử dụng CRS phù hợp tuân thủ quy định trong suốt thời gian trên xe.
+ CRS sử dụng trên bất kỳ phương tiện giao thông cơ giới nào phải đạt tiêu chuẩn UN R44 hoặc UN R129.
+ Malaysia là thành viên của WP.29 (The UNECE World Forum for Harmonization of Vehicle Regulations), nên họ chấp nhận kết quả đánh giá của các phòng thí nghiệm trong hệ thống WP.29.
+ Trẻ em không cao quá 1,35 m phải sử dụng CRS đạt chuẩn hoặc dây an toàn cùng với đệm ghế nâng phù hợp với UN R44 hoặc UN R129.
+ Trẻ em có chiều cao trên 1,35 mét khi ngồi trên xe sử dụng dây an toàn không cần dùng CRS.
+ CRS quay về phía trước được sử dụng trên ghế hành khách phía trước của phương tiện được trang bị túi khí mà không cần phải tắt túi khí.
+ CRS quay về phía sau không được sử dụng trên ghế hành khách phía trước của phương tiện được trang bị túi khí trừ khi túi khí đã được tắt.
+ Tài xế không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi vi phạm nào theo quy định này nếu không có ghế hành khách nào cho phép lắp đặt CRS phù hợp; không có CRS phù hợp có thể sử dụng trên ghế hành khách hiện có; hoặc trẻ em đã được bác sĩ xác nhận tình trạng sức khỏe không phù hợp để sử dụng CRS hoặc dây an toàn.
+ Một số loại phương tiện cơ giới được miễn sử dụng CRS bao gồm bất kỳ phương tiện dịch vụ công cộng và phương tiện du lịch ngoại trừ xe thuê tự lái.
5. Đề nghị hướng áp dụng tại Việt Nam
Ở Việt Nam, việc áp dụng Tiêu chuẩn UN R44 sẽ phù hợp với đa dạng các dòng xe và có giá thành thấp hơn các ghế đạt chuẩn theo UN R129, do yêu cầu về tiêu chuẩn UN R129 cao và nghiêm ngặt hơn trong thiết kế và kiểm tra chất lượng [3]. Mặc dù số lượng xe ô tô được đăng ký và sử dụng mỗi năm ở Việt Nam ngày càng tăng người dân có nhu cầu cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia có thu nhập của người dân ở mức trung bình nên giá cả ảnh hưởng lớn đến sức mua của thị trường. Một vấn đề cần lưu ý thêm khi xét đến số lượng trẻ em trong một gia đình. Trung bình mỗi gia đình sử dụng ô tô có 2 trẻ em chênh nhau 5 tuổi, khi đó cần phải có 2 ghế trẻ em. Khi đó, chi phí trang bị thêm cho ghế trẻ em sẽ khá cao. Vì vậy, việc áp dụng UN R44 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng ô tô trang bị CRS, đặc biệt là đối với người dùng có thu nhập trung bình.
Tiêu chuẩn UN R44 được công nhận trên toàn thế giới và được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia hơn 30 năm qua, nên do đó đảm bảo được tính cấp thiết và độ tin cậy của tiêu chuẩn này. UN R44 đã góp phần cải thiện an toàn cho trẻ nhỏ trong xe ô tô. Các quốc gia ở Đông Nam Á bao gồm Myanmar và Thái Lan hiện tại vẫn đang áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng UN R44 vào luật của họ.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại ở châu Âu, Tiêu chuẩn UN R129 đã thay thế UN R44 trong sản xuất và sử dụng hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô do các cải tiến của nó [3]. Việc áp dụng UN R129 sẽ nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em trên xe ô tô ở Việt Nam, đặc biệt là những ô tô đời mới đã sẵn sàng cho CRS theo UN R129. Từ đó, giảm thiểu mức độ chấn thương và tử vong của trẻ em trong tai nạn, góp phần vào mục tiêu cải thiện tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam. Việc áp dụng UN R129 cũng giúp Việt Nam không bị tụt lại phía sau trong tương lai khi các quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển sang áp dụng UN R129.
Với những phân tích trên, Việt Nam nên áp dụng đồng thời cả hai Tiêu chuẩn UN R44 và UN R129 để khuyến khích người đi ô tô sử dụng CRS theo khả năng tài chính mà vẫn đảm bảo an toàn. Nhiều hệ thống thiết bị an toàn mới trên thị trường hiện được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu của UN R129 vì các tính năng an toàn cải tiến, nhưng hệ thống thiết bị an toàn đạt chuẩn UN R44 vẫn là một lựa chọn cho những gia đình cần một giải pháp phù hợp với tài chính cá nhân hoặc các dòng xe rất cũ. Việt Nam nên áp dụng song song cả hai tiêu chuẩn nhưng cần định hướng dần chuyển hoàn toàn sang UN R129. Việt Nam có thể áp dụng UN R129 ở các giai đoạn đầu tiên cho các mẫu xe mới và dần dần mở rộng cho toàn bộ thị trường, tương tự như chiến lược được thực hiện ở các quốc gia châu Âu. Từ khi UN R129 (i-Size) được giới thiệu vào năm 2013, các nước châu Âu đã từng bước chuyển sang tiêu chuẩn mới này, ưu tiên cho các hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em mới. Tuy nhiên, UN R44 vẫn được phép bán và sử dụng để đảm bảo tính khả thi về chi phí và khả năng tương thích với các xe cũ.
Về phòng thí nghiệm để đánh giá chất lượng của các CRS, Việt Nam vẫn có thể không cần phải xây dựng phòng thí nghiệm để thực hiện trong nước. Thay vào đó, Việt Nam có thể yêu cầu nhà sản xuất kiểm định tại một phòng thí nghiệm đạt chuẩn dưới sự chứng kiến của chuyên gia kiểm định có thẩm quyền. Thêm vào đó, báo cáo kết quả kiểm nghiệm phải được thông qua bởi hội đồng chuyên môn của Việt Nam.
Cuối cùng, để triển khai hiệu quả tại Việt Nam, cơ quan các cấp cần có kế hoạch tập huấn và trang bị kiến thức cần thiết cho từng đối tượng như người bán, người sử dụng, cảnh sát giao thông…
Lời cảm ơn
Chúng tôi xin cảm ơn Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. HCM) đã hỗ trợ cho nghiên cứu này.
Tài liệu tham khảo
[1]. UNECE, "UN Regulation No. 44 - Rev.3 - Amend.11," 2 July 2021. (Trực tuyến). Available: https://unece.org/transport/documents/2021/07/standards/un-regulation-no-44-rev3-amend11, đã truy cập 29 October 2024.
[2]. GRACO, "SlimFit R44," 2024. (Trực tuyến). Available: https://gracobaby. SlimFit R44eu/uk/slimfit-r44-convertible-car-seat#fashion_name=5572, đã truy cập 29 October 2024.
[3]. UNECE, "Child Restraint systems," December 2015. (Trực tuyến). Available: https://unece.org/transport/publications/child-restraint-systems, đã truy cập 29 October 2024.
[4]. UNECE, "UN Regulation No. 129 - Rev.4," 24 September 2020. (Trực tuyến). Available: https://unece.org/transport/documents/2021/05/standards/un-regulation-no-129-rev4, đã truy cập 29 October 2024.
[5]. GRACO, "Turn2Me i-Size R129," 2024. (Trực tuyến). Available: https://gracobaby.eu/uk/turn2me-i-size-r129-rotating-car-seat#fashion_name=5578, đã truy cập 29 October 2024.
[6]. Autodeal, "The difference ISOFIX child seat anchors make," October 2017. (Trực tuyến). Available: https://www.autodeal.com.ph/articles/car-features/difference-isofix-child-seat-anchors-make, đã truy cập 29 October 2024.
[7]. Theuth, "A change is coming to child car seats in September, the R129 standard," 2024. (Trực tuyến). Available: https://www.bing.com/search?q=A+change+is+coming+to+child+car+seats+in+September%2C+the+R129+standard&cvid=120cd72c1824478197068925c55b5ede&gs_lcrp=EgRlZGdlKgYIABBFGDkyBggAEEUYOdIBBzI3NGowajSoAgiwAgE&FORM=ANAB01&PC=U531, đã truy cập 29 October 2024.
[8]. Supreme Court E-Library, "[REPUBLIC ACT NO. 11229, February 22, 2019 ]," 29 April 2019. (Trực tuyến). Available: https://elibrary.judiciary.gov.ph/thebookshelf/showdocs/2/95785, đã truy cập 29 October 2024.
[9]. Subsidiary Legislation Supplement, "Singapore Statutes Online," 27 December 2011. (Trực tuyến). Available: https://sso.agc.gov.sg/SL-Supp/S688-2011/Published/20111227?DocDate=20111227, đã truy cập 29 October 2024.
[10]. World Health Organization, "Road safety Myanmar 2023 country profile," 30 April 2024. [Trực tuyến]. Available: https://www.who.int/publications/m/item/road-safety-mmr-2023-country-profile, đã truy cập 29 October 2024.
[11]. World Health Organization, "Road safety Lao People's Democratic Republic (the) 2023 country profile," 30 April 2024. (Trực tuyến). Available: https://www.who.int/publications/m/item/road-safety-lao-2023-country-profile, đã truy cập 29 October 2024.
[12]. World Health Organization, "Road safety Cambodia 2023 country profile," 30 April 2024. (Trực tuyến). Available: https://www.who.int/publications/m/item/road-safety-khm-2023-country-profile, đã truy cập 29 October 2024.
[13]. World Health Organization, "Road safety Indonesia 2023 country profile," 29 April 2024. (Trực tuyến). Available: https://www.who.int/publications/m/item/road-safety-idn-2023-country-profile, đã truy cập 29 October 2024.
[14]. Quốc hội Việt Nam, "Luật số 36/2024/QH15 của Quốc hội: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ," 27 June 2024. (Trực tuyến). Available: https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=211194&classid=1&typegroupid=3, đã truy cập 29 October 2024.