Tiêu điểm: Chuyển đổi cây trồng ồ ạt, bài học từ thanh long có lặp lại với sầu riêng?

Giữa tháng 9/2022, sầu riêng của Việt Nam chính thức được làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Giá sầu riêng thu mua tăng mạnh. Từ đây, diện tích trồng sầu riêng đã có sự thay đổi từng ngày. Nhiều nông dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên ồ ạt bỏ lúa, mít, hồ tiêu… để trồng sầu riêng. Chuyển đổi cây trồng ồ ạt, liệu kết quả có như mong đợi?

CHẠY THEO THỊ TRƯỜNG, NGƯỜI DÂN Ồ ẠT TRỒNG SẦU RIÊNG

Mảnh vườn này 2 năm trước trồng hơn 1 ha mía, dù chưa thu hoạch được mùa nào nhưng ông Bảy vẫn quyết đốn bỏ để cây sầu riêng phát triển. Ông hy vọng sẽ có thu nhập bền vững hơn từ sầu riêng khi thấy giá cả cao trong thời gian qua. Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, do không có kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, thấy vườn cam xoàn không mang lại hiệu quả trong khi sầu riêng cho giá trị kinh tế cao nên cách đây 3 năm nhiều hộ dân quyết định bỏ cam để trồng sầu riêng.

Tương tự như đồng bằng sông Cửu Long, nhiều vườn hồ tiêu, cà phê trước kia ở Đắk Lắk nay trở thành vườn trồng xen hoặc thuần sầu riêng. Tuy mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng nông dân vẫn gặp khó khăn khi chi phí đầu tư cao, thời gian cho trái dài và rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh.

Dù biết thời gian chuyển đổi trồng sầu riêng phải mất từ 4 đến 5 năm mới cho quả, thế nhưng vì cái lợi trước mắt, nhiều hộ dân ồ ạt chuyển đổi cây trồng, không quan tâm tới hệ quả về sau.

CÁNH CỬA XUẤT KHẨU HẸP DẦN NẾU KHÔNG CÓ MÃ VÙNG TRỒNG Tính từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng sầu riêng tươi, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho khoảng 200 lô hàng với hơn 7.000 tấn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sức hút từ giá cả và thị trường đầy hứa hẹn đã khiến nhiều nông dân bỏ cây trồng cũ sang trồng sầu riêng. Thế nhưng liệu sức hút này có đem lại kết quả như mong đợi? Trước kia đã ghi nhận nhiều câu chuyện do chuyển đổi cây trồng ồ ạt. Từ nhiều nguyên nhân khiến cho diện tích “tăng nóng” lại trở nên nguội dần. Như mới đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản ở Long An đã bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng.

Theo kế hoạch, 10 tấn thanh long ruột đỏ này của ông Nguyễn Vạn Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, sẽ bán cho HTX để chuyển cho nhà máy xuất đi Nhật. Nhưng vài hôm trước ngày thu hoạch, doanh nghiệp thông báo phía Nhật Bản ngưng nhập, buộc nhà vườn phải đôn đáo khắp nơi tìm thương lái.

Theo thống nhất từ năm 2017, Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu giống thanh long ruột đỏ Long Đình 1 do Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nghiên cứu. Viện chuyển giao quyền sở hữu cho một doanh nghiệp. Theo đó, bất kỳ doanh nghiệp nào xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản, Hàn Quốc, phải được sự đồng ý của công ty này. Việc bảo hộ bản quyền giống cây trồng là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ câu chuyện này cho thấy, khi người dân cứ trồng mà không có căn cứ đảm bảo - ở đây là mã số vùng trồng theo điều kiện từ thị trường đối tác sẽ dẫn đến hệ quả khó lường. Rõ ràng, không phải cứ trồng là sẽ được xuất khẩu. LOẠI BỎ NGUY CƠ TIỀM ẨN TỪ ĐIỆP KHÚC “TRỒNG - CHẶT” Câu chuyện thanh long vừa nêu chỉ là một ví dụ cho thấy sự tác động và chi phối từ thị trường. Đáng chú ý, cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.

Sầu riêng của Trung Quốc sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, hiện đã bắt đầu cho trái, dự kiến bán ra thị trường năm 2024 với nguồn cung khoảng 45.000-75.000 tấn. Có nghĩa rằng nguy cơ sụt giảm thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian tới là có thể xảy ra.

Theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000 ha. Tuy nhiên, hiện diện tích sầu riêng đã vượt 110.000ha và vẫn tiếp tục tăng, riêng trong năm 2022 tăng tự phát tới 27.000ha.

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp liên tục đưa ra khuyến cáo về những hậu quả khó lường nếu tiếp tục tăng nóng như: dư thừa, dội chợ; nghiêm trọng hơn là gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng nếu trồng ở vùng đất, khí hậu không phù hợp. Cơ quan chức năng nhấn mạnh, thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại và liên kết sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị.

Cùng quan điểm, các chuyên gia thương mại cho rằng, cái cần kiểm soát trước tiên là vấn đề chất lượng và giá thành sản phẩm.

Thực tế thời gian qua, rất nhiều cây trồng khó khống chế diện tích theo quy hoạch, bởi cơ quan quản lý chỉ có vai trò định hướng, dự báo. Chỉ khi nào người dân nắm rõ thị trường, nâng cao chất lượng thay vì sản xuất ồ ạt, nay trồng mai chặt như hiện nay thì giá trị mà nông nghiệp mang lại mới thực sự lâu dài.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-chuyen-doi-cay-trong-o-at-bai-hoc-tu-thanh-long-co-lap-lai-voi-sau-rieng