Tiêu điểm: Hội nghị Giơnevơ - Một kỳ quan về ngoại giao

Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề Đông Dương chính thức khai mạc. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp, với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 21/7/1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết.

Sau 70 năm, thời gian càng lùi xa, càng nhận thấy được ý nghĩa quan trọng của sự kiện ấy, đặc biệt khi phân tích và nhìn nhận rõ hơn về điều kiện lúc đó, nước Việt Nam có muôn vàn khó khăn khi đi từ chiến khu Việt Bắc đến với hội nghị quốc tế đa phương.

Lịch sử sẽ không có "nếu như" tuy nhiên nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ thì sẽ rất khó đạt kết quả tích cực như vậy trên bàn đàm phán và có thể không dẫn đến một Hiệp định Giơnevơ lịch sử, thậm chí Việt Nam chưa chắc đã có cơ hội ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng ngược lại, với những khó khăn lúc đó, nếu không có sự linh hoạt ứng biến trong ngoại giao thì cũng không thể có được "kỳ quan ấy" và có thể nói kết quả đạt được là kịch bản cao nhất.

Ngày 8/5/1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề Đông Dương chính thức khai mạc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lúc ấy là vô cùng quan trọng, tuy nhiên thực tế chiến trường lúc đó tương quan lực lượng là chưa rõ ràng, trong khi đó Việt Nam không có đủ thông tin và còn chịu sự can thiệp mạnh mẽ từ các nước lớn tham gia hội nghị. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đã tỏ rõ bản lĩnh, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, bền bỉ đấu tranh từng bước đi đến thắng lợi.

“Hậu” Giơnevơ là Tổng tuyển cử đã không diễn ra và nhân dân Việt Nam buộc phải đi tiếp chặng đường 21 năm trường kỳ kháng chiến với nhiều tổn thất, hi sinh để giành lại nền độc lập trọn vẹn, thu giang sơn về một mối. Nhưng bài học kết hợp sức mạnh quân sự trên chiến trường với sự linh hoạt mềm dẻo trên bàn đàm phán hiệp định Giơnevơ tiếp tục được thực hiện trong Hội nghị Paris buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định vào tháng 1/1973, tạo điều kiện để chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

Có thể nói, kết quả đạt được là kịch bản cao nhất trong Hội nghị Giơnevơ, đoàn Việt Nam đã đi từ không tới có. Bằng tài ngoại giao lão luyện, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Trưởng đoàn Đàm phán Phạm Văn Đồng đã luôn tạo được thế chủ động trên bàn đàm phán.

Ông Đoàn Đỗ là thành viên ở bộ phận văn phòng trong Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự hội nghị Giơnevơ năm 1954. Những ngày này, khi đã ở tuổi 99, ông vẫn kể cho con cháu nghe những câu chuyện "bếp núc" khi tham gia hội nghị đặc biệt này.

Việt Nam không chỉ khó khăn về thông tin tài liệu, khó khăn về nhân lực làm việc mà Giơnevơ là một diễn đàn quốc tế do các nước lớn sắp đặt, quyết định thành phần, thời gian, bước đi, kết quả. Mặc dù vậy, Đoàn Đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã luôn tìm cách xoay chuyển để tạo được sự chủ động và vị thế trên bàn đàm phán.

Cùng với việc kiên trì về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, tận dụng mâu thuẫn của các nước lớn, chúng ta đã đạt được các kết quả quan trọng. Với việc ký kết hiệp định, lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Đấy là kịch bản cao nhất của hội nghị mà chúng ta đạt được và là kỳ quan của nền ngoại giao Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-hoi-nghi-gionevo-mot-ky-quan-ve-ngoai-giao-229679.htm