Tiêu điểm: Kỳ vọng vào Diễn đàn Người lao động 2023

Ngày 28/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn'. Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội và khoảng 500 đại biểu đại diện cho công nhân, người lao động cả nước. Trước thềm diễn đàn, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những vấn đề nóng nhất mà người lao động đang phải đối mặt.

Vấn đề đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến, là quyền lợi của người lao động về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở một số nơi đang chưa được đảm bảo. Lý do là bởi tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm và trốn đóng bảo hiểm bắt buộc ngày càng gia tăng với những diễn biến phức tạp. Người lao động đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn.

Đã nhiều ngày đêm, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH SY VINA phải vạ vật trước công ty để đòi hơn 11 tỷ đồng mà doanh nghiệp nợ BHXH. Thậm chí, chị Nhàn gần đến ngày sinh mà vẫn phải vác bụng bầu đi đòi quyền lợi.

Theo Luật BHXH 2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Các chế tài đã có nhưng đến nay, chưa xử lý hình sự được doanh nghiệp nào.

Cả nước hiện có 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ một tháng trở lên, trong đó có trên 213.000 người bị treo quyền lợi vì nợ khó thu hồi. Hàng chục nghìn gia đình đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Một thực tế nữa đang đặt ra, đó là hàng trăm nghìn công nhân rơi vào cảnh khốn đốn vì bị cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm. Đây là hệ lụy của việc cả trăm nghìn doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc trên bờ vực phá sản, do kinh tế trong nước khó khăn và bối cảnh thị trường toàn cầu suy giảm.

Ông Minh là 1 hơn 8.000 lao động tại Công ty Pouyuen bàng hoàng khi đột ngột nhận tin mình sẽ bị cho nghỉ việc.

6 tháng đầu năm, 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa. Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh dệt may, da giày, đồ gỗ ... phải đóng dây chuyền, ngừng sản xuất và cắt giảm lao động.

6 tháng đầu năm, có hơn 500.000 lao động bị mất, giãn việc làm. Trong đó, hơn một nửa lao động bị mất việc. Các trung tâm công nghiệp dẫn đầu trong danh sách lao động bị mất việc là Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội; TPHCM... tập trung chủ yếu ở 3 ngành dệt may, da giầy và chế biến sản phẩm gỗ.

Vâng, có thể thấy, đời sống người lao động khốn khó trăm bề. Công nhân, người lao động là lực lượng sản xuất ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Vậy mà họ lại đang là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, trực tiếp và dai dẳng nhất của khó khăn kinh tế.

Để có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, cần nhiều hơn nữa những quyết sách đúng, trúng đối với người lao động. Rất nhiều kỳ vọng đang được gửi gắm trong Diễn đàn Người lao động 2023 ngày 27/7.

Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam với ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của 500 người lao động vào chiều 27/7.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ livestream trên các nền tảng số và cập nhật chi tiết về diễn đàn trong các bản tin ngày mai.

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Phạm Cường -

Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-ky-vong-vao-dien-dan-nguoi-lao-dong-2023-184281.htm