Tiêu điểm: Phiên họp chuyên đề pháp luật - Vẫn là trọng tâm công tác lập pháp nhưng đúng, trúng, cương quyết hơn

Từ ngày 15-18/8, phiên họp chuyên đề pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 đã diễn ra với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, 1 dự thảo pháp lệnh, trong đó có 5 dự án luật sẽ trình với Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, phiên họp được tổ chức tiếp tục là minh chứng thể hiện xuyên suốt tinh thần đổi mới và không ngừng tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó có công tác lập pháp- là điều mà ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đặt ra.

CÔNG TÁC XÂY DỰNG LUẬT PHÁP LÀ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM

Trong số 8 dự án luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, nhiều dự án luật có nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi phải dành nhiều thời gian thảo luận dân chủ, thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu kỹ lưỡng, khoa học.

Việc tổ chức phiên họp chuyên đề là sự đổi mới trong hoạt động lập pháp. Nếu như trước kia tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề khác nhau, thì nay sẽ tách riêng tập trung chuyên về pháp luật. Điều này cũng cho thấy, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xem xét các vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình ngày càng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đi vào thực chất.

Ông NGÔ TRUNG THÀNH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “Với việc tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật lần đầu tiên như vậy cho thấy những nội dung được chuẩn bị, đưa ra thảo luận và được thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất tập trung, chuyên sâu, chất lượng cao. Trên cơ sở xem xét tính chất, mức độ, số lượng văn bản thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức các phiên họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét mở rộng ra các nội dung khác."

Bà TẠ THỊ YÊN, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu: “Tôi cho rằng cách làm này rất sáng tạo, đổi mới trong tổ chức hoạt động của Quốc hội. Nó tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ này".

Ông NGUYỄN TÚC, Phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội: “Xuất phát từ chức năng quan trọng nhất của anh nên tôi cho rằng Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề pháp luật là rất đúng rất trúng. Tiếp tục cái Quốc hội khóa trước nhưng bây giờ nó cương quyết, thiết thực hơn, mình thấy mừng ngồi chỗ ấy. Cái công khai, dân chủ, minh bạch trong Quốc hội ngày càng tốt hơn”

Mặc dù khối lượng công việc lớn, khó, phức tạp, nhưng hầu hết nội dung đều nhận được sự tán thành và cơ bản nhất trí cao. Có được điều này, là do sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham gia tích cực vào tất cả nội dung của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ĐẢM BẢO CAO NHẤT CHẤT LƯỢNG CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4

Trong 4 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào nhiều nội dung khó, phức tạp như Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đây là 3 dự án luật sẽ được trình lần đầu tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông những nghị quyết quan trọng, làm tiền đề cho đổi mới hoạt động của Quốc hội cũng như hoạt động động của Hội đồng nhân dân địa phương.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có phạm vi sửa đổi rộng, liên quan tới nhiều luật khác nhau. Dự án luật được sửa đổi trong bối cảnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều bất cập, vì vậy nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, ngay từ khái niệm người tiêu dùng, tức là phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật đã còn nhiều ý kiến khác nhau. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận rất kỹ, trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu lại khi thu hẹp đối tượng người tiêu dùng chỉ là “cá nhân” mà loại bỏ “tổ chức”. Bởi rõ ràng, như Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, trong điều kiện pháp luật cho phép, phải bảo vệ người tiêu dùng ở mức độ cao nhất.

Ông ĐỒNG NGỌC BA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: “Cách hiểu người tiêu dùng gồm những ai rõ ràng là nội dung trọng tâm. Vì Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì trước hết phải xác định bao gồm những chủ thể nào. Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tôi thấy là rất kỹ lưỡng các cơ sở cả lý thuyết, thực tiễn thi hành, kinh nghiệm quốc tế, đưa ra những nhận định đánh giá xác đáng. Tôi thấy là ban soạn thảo, cơ quan trình cũng phải nghiên cứu đánh giá kỹ hơn nếu như muốn bảo vệ quan điểm thu hẹp đối tượng người tiêu dùng.”

Ông HOÀNG ANH CÔNG, Phó Trưởng Ban Dân nguyện:“Tôi hy vọng là lần sửa đổi này chúng ta sẽ xây dựng một cái luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lột xác với thực tiễn hơn có hiệu lực hiệu quả hơn để người tiêu dùng để như chúng ta là yên tâm hơn”

Một điểm đáng chú ý tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Nghị quyết được xem như cuốn cẩm nang cho hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân các cấp, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc trong hoạt động thực tiễn, góp phần đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát của HĐND. Vì vậy, Nghị quyết được các địa phương rất mong chờ.

Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội: “ nghị quyết đã được xây dựng rất công phu, chất lượng, quan trọng nhất là các nội dung trong 31 điều này đều bám sát theo các quy định của luật, có rất nhiều điểm mới và phù hợp với tinh thần đổi mới, bài bản, khoa học, hiệu quả của Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu làm được việc này sẽ lan tỏa tới Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và tới các cấp. Việc ban hành nghị quyết trong thực tiễn, nhất là đối với thành phố Hà Nội, có thể nói là hết sức cần thiết và kịp thời”

Bà PHẠM QUỲNH ANH, Trưởng Ban pháp chế HĐND Thành phố Hồ Chí Minh:Đặc biệt đối với các quy định ở Điều 27 liên quan đến vấn đề Hội đồng nhân dân sẽ xem xét Báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân về việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị và các kết luận sau giám sát đối với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các nội dung đó. Thực sự đây là một nội dung trong quá trình thực hiện nội dung giám sát chúng tôi thấy cũng còn những hạn chế nhất định”

Về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, chỉ trong vòng 2 ngày kể từ sau khi trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào ngày 15/8, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tích cực, khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung 3 điều, chỉnh lý 15 điều, đảm bảo cao nhất chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong sáng ngày 18/8 với tỷ lệ tán thành rất cao.

THÀNH CÔNG CỦA PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT, TIỀN ĐỀ CHO THÀNH CÔNG CỦA KỲ HỌP THỨ 4

“Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ” đó là lời tái khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thông điệp này chính là hàm chứa cam kết một Quốc hội luôn sẵn sàng chủ động, hành động, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết và trước hết. “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước nhỏ”. Những thành công tại phiên họp chuyên đề pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ góp phần tạo tiền đề cho thành công của kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Thành công của phiên họp lần này có 2 ý nghĩa: một là, bước rất quan trọng để thực hiện thông báo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội cả nhiệm kỳ; hai là, một bước rất quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4. Còn 2 phiên họp nữa để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, nhưng với tiến độ và chất lượng như thế này thì chúng ta có thể yên tâm là những nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 đảm bảo được tiến độ và chất lượng theo yêu cầu đề ra.”

Thực hiện : Dương Dung Vũ Hiếu Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-phien-hop-chuyen-de-phap-luat-van-la-trong-tam-cong-tac-lap-phap-nhung-dung-trung-cuong-quyet-hon