Tiêu điểm: Tài nguyên quốc gia bị bòn rút

Tài nguyên khoáng sản là yếu tố quan trọng góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đây cũng là nguồn tài nguyên không tái tạo nên việc khai thác, sử dụng cần được quản lý chặt chẽ. Các quy định của hệ thống pháp luật đã có và mọi hành vi khai thác khoáng sản trái phép đều bị nghiêm cấm. Vậy nhưng, thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, thiếu kiểm soát, các vi phạm tái diễn nhiều lần. Ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ.

PHÚ THỌ: TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG “ĂN CẮP” KHOÁNG SẢN

Tại khu 2, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, từ trên cao, có thể thấy chỉ trong 1 phạm vi ngắn, có tới 2 điểm khai thác tài nguyên rầm rộ, công khai ngay giữa ban ngày. Cũng tại vị trí này, ngày 23/4, các máy múc, cần cẩu, thiết bị cũng hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là tất cả các hoạt động khai thác này đều trái phép theo khẳng định của chính quyền.

Hai tháng sau khẳng định chắc nịch này của lãnh đạo huyện Thanh Thủy, khi phóng viên quay lại hiện trường, cũng tại vị trí này, số lượng phương tiện thậm chí còn nhiều hơn, hoạt động khai thác rầm rộ hơn, không khác gì một đại công trường được cấp phép.

Ngay sau đó, phóng viên đã thông báo tới lãnh đạo UBND huyện Thanh Thủy, lãnh đạo UBND xã Sơn Thủy. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi lãnh đạo địa phương đến, các đối tượng khai thác trái phép đã nhanh chóng rời bỏ hiện trường.

30 phút sau, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy mới có mặt và lãnh đạo xã Sơn Thủy cũng không hề bất ngờ về tình trạng khai thác trái phép.

Tưởng rằng sau đó, khu vực khai thác trái phép sẽ được chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ. Thế nhưng, những hình ảnh ghi lại 2 ngày sau đó cho thấy, các đối tượng lại tiếp tục huy động máy móc, đào bới khoáng sản ngang nhiên tập kết ngay trên phần đất trên nông nghiệp khu 3, xã Sơn Thủy.

PHÚ THỌ: THỦ ĐOẠN BÒN RÚT KHOÁNG SẢN GIỮA BAN NGÀY

Vì sao các đối tượng có thể ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép dễ dàng như vậy? Trong quá trình tìm hiểu, nhóm phóng viên đã phát hiện ra điểm chung của những khu vực này là đều được UBND huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cấp phép cho hoạt động "san hạ cốt nền" để trồng cây, xây nhà và vận chuyển đất dư thừa, để phục vụ các dự án xây dựng của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị, cá nhân được cấp phép hạ cốt nền lại chỉ dùng cái giấy phép này như một "vỏ bọc", để hợp thức hóa cho hành vi khai thác trái phép tài nguyên.

Từ trên cao, có thể thấy nhiều quả đồi có khoáng sản màu trắng giống với cao lanh có giá trị kinh tế cao bị đào bới nham nhở… Các quả đồi này được UBND huyện Thanh Thủy cấp phép san hạ cốt nền từ 1-2m. Nhưng quan sát trên thực tế, đã có những quả đồi bị xóa sổ hoàn toàn.

Năm 2023, UBND huyện Thanh Thủy đã cấp 29 giấy phép hạ cốt nền, trong đó, tập trung nhiều nhất tại các xã Đào Xá, Tân Phương, Sơn Thủy. Cũng kể từ cuối năm 2023 tới nay, toàn bộ các dự án hạ cốt nền đã hết hạn cấp phép. Nhưng trên thực tế, tại đây, các đối tượng vẫn công khai ăn cắp khoáng sản.

Điều đáng nói, hành vi ăn cắp khoáng sản này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, bất chấp các quy định xử phạt. Nhất là khi mức xử phạt hành chính chỉ vài triệu đồng, không thấm vào đâu so với lợi nhuận bất chính mà các đối tượng thu được.

Theo luật sư, Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) đã có những quy định rất rõ về hành vi thu lời bất chính từ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Hàng đoàn xe chở các loại khoáng sản tấp nập ra vào những khu khai thác trái phép, đường sá của người dân bị nứt nẻ, xuống cấp trầm trọng mỗi ngày, còn các khoáng sản của quốc gia thì ngang nhiên bị ăn cắp, bòn rút ngay giữa ban ngày...

NÊU CAO VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CẤP TRONG XỬ LÝ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÁI PHÉP

Giải pháp nào cho tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, thiếu kiểm soát diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước? Đây là câu hỏi nhức nhối được các đại biểu Quốc hội chất vấn trực diện Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Đại biểu Lý Văn Huấn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - bức xúc về việc nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép nghiêm trọng không bị xử lý hình sự, trong khi đã có các quy định cụ thể về về tội khai thác tài nguyên trái phép tại Điều 227 Bộ luật Hình sự và tội gây ô nhiễm môi trường tại Điều 235.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các địa phương cần có trách nhiệm nêu cao vai trò người đứng đầu các cấp, đồng thời cả hệ thống chính trị cùng giám sát, thanh kiểm tra để phát hiện sớm, xử lý sớm các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát tài nguyên quốc gia.

Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua, Bộ đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng không nêu ra con số cụ thể nào về các vụ xử lý hình sự.

Trước Quốc hội và cử tri cả nước, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã có cam kết xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm giám sát và xử lý của người đứng đầu các cấp tại địa phương.

Tuy nhiên, nếu như vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nếu như chính quyền các cấp vẫn chưa thực thi đúng trách nhiệm của mình thì chắc chắn những ghi nhận về tình trạng khai thác trái phép như tại Phú Thọ sẽ tiếp tục không phải là câu chuyện hiếm trên cả nước.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hữu Nghĩa - Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-tai-nguyen-quoc-gia-bi-bon-rut-227834.htm