Tiêu diệt thủ lĩnh IS là cớ Mỹ lấy lại tầm ảnh hưởng ở Trung Đông?
Các chuyên gia tin rằng tuyên bố Mỹ loại bỏ được thủ lĩnh IS al-Baghdadi vẫn còn nhiều điểm khả nghi và chưa thể xác thực.
Nga thực sự không đánh giá cao tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tiêu diệt tên khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Điều này cũng được thể hiện trong tuyên bố của người phát ngôn chính thức Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, ông Igor Konashenkov. Theo đó, ông Konashenkov nói rằng Matxcơva không ghi nhận có bất kỳ cuộc không kích nào của liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Idlib khi chiến dịch tiêu diệt al-Baghdadi được tiến hành.
Bộ Quốc phòng Nga còn bác bỏ tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng lực lượng Nga mở không phận mình kiểm soát ở Syria cho lực lượng Mỹ nhằm hỗ trợ chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đặt câu hỏi về khả năng al-Baghdadi xuất hiện ở Idlib, bởi khu vực này do Jabhat Al-Nusra, một nhánh của mạng lưới al-Qaeda và là kẻ thù của IS, kiểm soát.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế thực tiễn, lãnh đạo phong trào chính trị-xã hội “Nước Nga mới”, Tiến sĩ luật Nikita Isaev, trong cuộc phỏng vấn với NewInform, chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này. Ông nói rằng, nếu ông Trump và Bộ Quốc phòng Mỹ không cung cấp những bằng chứng xác thực cần thiết về việc tiêu diệt được thủ lĩnh tối cao của IS, thì phía Nga sẽ đưa ra cách tiếp cận của mình. Và điều đó sẽ làm mất uy tín của nước Mỹ và cá nhân Tổng thống Trump.
Ông Isaev cũng nhận định rằng, trong bối cảnh các sự kiện gần đây diễn ra tại Syria, việc tiêu diệt được thủ lĩnh của “Nhà nước Hồi giáo” sẽ tạo điều kiện để nước Mỹ quay trở lại khu vực Trung Đông với tư cách là “người chơi hàng đầu”.
Đồng tình với nhận định trên, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng là một sự giả mạo khác, không có bằng chứng xác thực. Theo đó, các chuyên gia nhận thấy có quá nhiều điểm khả nghi. Chẳng hạn, họ nghi ngờ rằng, làm sao người Mỹ có thể khẳng định được chính xác danh tính của kẻ khủng bố, khi mà “hắn ta tự kích nổ mình”. Ông Trump tất nhiên là phải tuyên bố rằng, đã có một cuộc xét nghiệm DNA, nhưng mà lấy đâu ra mẫu DNA để so sánh. Điều này vẫn chưa rõ ràng.
Trước đó, ngày 27/10, ông Trump, trong một buổi phát sóng trực tiếp, tuyên bố quân đội Mỹ loại bỏ thủ lĩnh IS al-Baghdadi vào đêm hôm trước. Theo lời Tổng thống Mỹ, “thủ lĩnh khủng bố số 1 thế giới” “tự kích nổ” khi bị lực lượng Mỹ dồn vào đường cùng. Cuộc đột kích ban đêm nhằm vào sào huyệt của al-Baghdadi ở Bắc Syria được quân đội Mỹ triển khai trong 2 giờ đồng hồ.