Tiểu đoàn 97, Bộ Tham mưu Quân khu 9: Giỏi kỹ thuật, chắc chiến thuật
Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của lực lượng tác chiến điện tử rất quan trọng, đây là phương thức tác chiến cơ bản, phổ biến mà kẻ thù thực hiện nhằm làm tê liệt hệ thống thông tin, điện tử và các hoạt động quân sự của ta. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng phòng chống, sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng trong mọi tình huống đặt ra yêu cầu cấp bách với Đảng ủy – Ban chỉ huy Tiểu đoàn 97 (Bộ Tham mưu Quân khu 9) hiện nay.
Với nhiệm vụ chính trị trung tâm là tổ chức trinh sát tác chiến điện tử (TCĐT) thường xuyên, trinh sát mạng nhằm nắm chắc tình hình điện tử trên không, trên biển, đất liền, không gian mạng để kịp thời tham mưu với cấp trên xử trí các tình huống TCĐT, không để bị động bất ngờ…; vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Tiểu đoàn 97 được trang bị nhiều khí tài hiện đại…
“Để nâng cao trình độ sử dụng, bảo quản, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ tham gia tập huấn do cấp trên tổ chức; huấn luyện chuyên ngành được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm 100% quân số tham gia học tập; giáo án huấn luyện có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và phương pháp truyền đạt, sát với thực tế. Đối với trang bị, khí tài mới, trước khi đưa vào khai thác, sử dụng, đơn vị tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nắm chắc tính năng kỹ, chiến thuật, quy tắc an toàn và cách khắc phục những hỏng hóc thông thường… Từ đó, đề cao trách nhiệm, nâng cao trình độ quản lý, khai thác sử dụng và bảo quản VKTBKT cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”, Trung tá Đỗ Thành Nghiệm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 97 cho biết.
Với trang bị, khí tài hiện đại, đòi hỏi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Như trường hợp của Binh nhất Nguyễn Thành Nghĩa, Chiến sĩ Trạm 2, sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 8, Nghĩa được biên chế về công tác ở Trạm 2, Tiểu đoàn 97. Thành Nghĩa bày tỏ: “Những ngày đầu được huấn luyện rất khó khăn khi nhớ hết bảng điều khiển, tác dụng các loại nút trên máy gây nhiễu, trinh sát… Để nhớ lâu, tôi ghi chép thật kỹ, học đến đâu thực hành đến đó, kết hợp học thêm trên tài liệu để nắm chắc tính năng, tác dụng của từng bộ phận trên máy. Hiện tại, tôi còn sử dụng thành thạo thiết bị trên xe gây nhiễu, lắp đặt ăng-ten thu, phát và ngụy trang xe bí mật, an toàn”.
Để trang bị, khí tài TCĐT hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thì việc thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, bảo đảm kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu, thường xuyên. Hằng ngày, VKTBKT sau khi huấn luyện, khai thác sử dụng đều được các bộ phận lau chùi bảo quản theo quy định, có cán bộ duy trì, kiểm tra số lượng, chất lượng trước khi sắp xếp vào kho. Trung úy Trần Văn Cường, Đài trưởng Trạm 1 nêu kinh nghiệm: “Trong mỗi kíp trực, tôi sắp xếp nhân viên có kinh nghiệm cùng trực với chiến sĩ để bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm khai thác, sử dụng các loại khí tài; cách xử trí khi hỏng hóc thông thường… Trong huấn luyện, tôi tổ chức xoay vòng để ai cũng được luyện tập, đảm bảo sử dụng hiệu quả khí tài hiện có cũng như khí tài mới trang bị”.
Muốn giành thắng lợi trong TCĐT phải có lực lượng mạnh, trang bị hiện đại và có phương thức tác chiến thích hợp. Vì vậy, đơn vị không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực khai thác làm chủ khí tài, thuần thục kỹ, chiến thuật tác chiến cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Thượng úy Huỳnh Duy Bình, Trạm trưởng Trạm 2 chia sẻ: “Trong TCĐT, ngoài khí tài hiện đại thì yếu tố con người là quan trọng nhất, bởi anh em phải hoạt động ở cường độ cao, thực hiện nhiệm vụ với nhiều loại trang bị; cơ động đường dài, thiết bị nặng, mệt mỏi nhưng vẫn triển khai khí tài, một nơi làm việc từ 10-15 phút là phải cơ động… Do đó, chúng tôi luôn xây dựng bản lĩnh chính trị cho anh em, xác định rõ nhiệm vụ và trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn để khai thác hiệu quả khí tài. Song song đó, mỗi nội dung huấn luyện, tôi đặt ra tình huống sát thực tế cho các tổ đài xử trí, từ kỹ thuật đến chiến thuật, cách chọn trận địa để triển khai xe gây nhiễu, thu hồi xe cơ động vị trí khác đảm bảo yêu cầu “3 nhanh” (triển khai nhanh, làm việc nhanh và cơ động nhanh)”.
Theo Trung tá Đỗ Thành Nghiệm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 97: Hằng năm đơn vị chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm tổ chức chỉ huy, điều hành và phương pháp huấn luyện, diễn tập cho cán bộ các cấp; tổ chức Hội thi tổ, đài trinh sát – Gây nhiễu giỏi để đánh giá thực chất huấn luyện; tăng cường huấn luyện cán bộ, chiến sĩ về khai thác hệ thống tự động hóa chỉ huy; thực hành quan sát, gây nhiễu flycam, UAV... Đến nay, kiểm tra các đối tượng, 100% khoa mục đạt yêu cầu, tỉ lệ khá giỏi trên 75%. Năm 2022, tiểu đoàn tham gia Hội thao Tác chiến Điện tử toàn quân đạt giải III toàn đoàn khối Quân khu, Quân chủng và hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, hiệp đồng Quân binh chủng.
Đơn vị luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tiểu đoàn quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu, Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân khu và hướng dẫn huấn luyện chuyên ngành TCĐT; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị. Huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, phương án và thực tế chiến đấu, lấy thực hành làm chính.
“Chúng tôi chỉ đạo đơn vị tập trung huấn luyện nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, thực hành chiến đấu; nắm chắc kỹ, chiến thuật chuyên ngành; khai thác làm chủ vũ khí, khí tài TCĐT, nhất là khí tài mới, công nghệ cao; tăng cường huấn luyện, diễn tập hiệp đồng quân binh chủng với các lực lượng trên địa bàn, trong khu vực phòng thủ; chú trọng huấn luyện cơ động, đêm, ngụy trang nghi binh và các phương án tác chiến A, A2, bảo vệ biên giới, biển, đảo…”, Đại tá Phạm Văn Tiếp, Trưởng phòng Tác chiến Điện tử (Bộ Tham mưu Quân khu 9) cho hay.
Bài và ảnh: HỮU TÀI – NGỌC ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.