Tiểu đoàn trưởng đam mê nghiên cứu khoa học

Là người am hiểu công nghệ thông tin, Thiếu tá Ung Nho Trường-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn Pháo phòng không 234, Quân đoàn 3) đã nỗ lực nghiên cứu, cho ra đời nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Ở các đơn vị phòng không, việc tổ chức huấn luyện và canh trực sẵn sàng chiến đấu của chiến sĩ tiêu đồ 5x5 (chiến sĩ đánh dấu đường bay) có vai trò rất quan trọng, giúp người chỉ huy và toàn kíp chiến đấu nắm địch, nghiên cứu địch để đề ra biện pháp chiến đấu trong từng trận đánh. Tuy nhiên, trình độ thao tác của chiến sĩ tiêu đồ 5x5 vẫn còn một số hạn chế; khi tổ chức huấn luyện và luyện tập phải chuẩn bị trước nên tốn nhiều thời gian và vật chất. Cụ thể, để chuẩn bị huấn luyện, chiến sĩ phải vẽ tọa độ, viết tọa độ bài tập, vẽ địa hình khu vực tác chiến, trận địa, hỏa lực và phạm vi quan sát, vẽ đường bay lên giấy A0. Sau đó, căn bản vẽ để lên phụ lục đường bay, đọc và ghi âm lại tọa độ vào máy thu thanh. Khi luyện tập thì phát âm thanh tình báo để chiến sĩ tiêu đồ ghi đường bay. Việc làm này mất nhiều thời gian và công sức, độ chính xác phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập các thông số và chiến sĩ vẽ tiêu đồ.

Thiếu tá Ung Nho Trường giới thiệu phần mềm huấn luyện tiêu đồ với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Ảnh: V.H

Thiếu tá Ung Nho Trường giới thiệu phần mềm huấn luyện tiêu đồ với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Ảnh: V.H

Hiểu rõ những hạn chế đó, năm 2022, Thiếu tá Ung Nho Trường đã nghiên cứu, cho ra đời sáng kiến “Phần mềm xây dựng bài tập huấn luyện tiêu đồ 5x5”. Phần mềm được xây dựng bằng ngôn ngữ tiếng Việt, có tính bảo mật cao. Khi người sử dụng nhập mật khẩu, phần mềm sẽ hiện lên trên máy tính. Giao diện của phần mềm được chia thành 2 khu vực: khu vực nhập, truy xuất dữ liệu; khu vực lưới tọa độ 5x5 hiển thị tọa độ và các đường bay. Chiến sĩ tiêu đồ chỉ cần chọn hiển thị tọa độ “Luyện tập” hoặc “Chiến đấu”. Nếu chọn “Luyện tập”, các chữ số tọa độ sẽ hiển thị màu vàng, còn chọn “Chiến đấu” thì các chữ số tọa độ sẽ hiển thị màu đỏ. Ưu điểm của phần mềm này là có thể hiển thị 5 tốp máy bay và số lượng, kiểu loại, tốc độ, độ cao, thời gian xuất hiện, lựa chọn địch-ta.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trường cho biết: Trước đây, mọi thao tác, chiến sĩ đều thực hiện thủ công. Còn phần mềm này tự động phát tình báo theo thời gian bằng âm thanh và có thể tự động bóc tách tọa độ các đường bay giúp chiến sĩ tiêu đồ, người chỉ huy và kíp chiến đấu nắm chắc đường bay, hướng bay để bố trí hỏa lực đánh chặn. Đồng thời, phần mềm giúp người chỉ huy chuẩn bị bài tập cho lực lượng tiêu đồ nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian và vật chất. Trong quá trình luyện tập nếu thấy khâu nào sai chỉ cần dừng phần mềm để sửa, hạn chế tốn giấy, bút vẽ và thời gian.

Đối với các đơn vị quân đội, công tác nghiên cứu địch có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để người chỉ huy xây dựng quyết tâm, kế hoạch chiến đấu sát, đúng đối tượng tác chiến. Hiện nay, đối tượng tác chiến của lực lượng Phòng không-Không quân có sự thay đổi vì các phương tiện tiến công hỏa lực đường không rất đa dạng, phong phú. Việc nắm chắc tính năng, tác dụng và nhận dạng chính xác các phương tiện tiến công hỏa lực đường không của đối phương sẽ giúp các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu. Trên thực tế, có rất nhiều tài liệu giúp người chỉ huy nghiên cứu và huấn luyện bộ đội nhận dạng các loại máy bay đối phương sử dụng vào mục đích quân sự cũng như tính năng, tác dụng của chúng. Tuy nhiên, việc tra cứu gặp nhiều khó khăn, ít video mô phỏng cụ thể về chủng loại vũ khí mang theo.

Để khắc phục hạn chế đó, đầu năm 2023, Thiếu tá Trường tiếp tục cho ra đời sáng kiến “Phần mềm nhận dạng huấn luyện về tính năng các loại máy bay”. Phần mềm có giao diện tiếng Việt, dễ sử dụng, cho phép người chỉ huy và đơn vị tra cứu dữ liệu về hình ảnh, video clip hoạt động, hình chiếu ở các góc nhìn khác nhau và các thông số: đặc điểm nhận dạng, tính năng cơ bản, vũ khí trang bị, sức chở… của từng kiểu loại. Vì vậy, phần mềm này đáp ứng tốt công tác nghiên cứu các loại máy bay, tên lửa hành trình của một số nước.

Phần mềm có thể cài đặt trên các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows với khả năng tra cứu nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho người chỉ huy và đơn vị. Đặc biệt, phần mềm có hình ảnh 4D mô phỏng cụ thể từng loại máy bay, vũ khí mang theo, tốc độ, các loại khí tài gây nhiễu... có thể trình chiếu giúp huấn luyện bộ đội một cách trực quan, sinh động hơn. Các thông số về đặc điểm nhận dạng, tính năng cơ bản, vũ khí trang bị, sức chở… được thể hiện dưới dạng văn bản có thể copy một cách dễ dàng phục vụ công tác nghiên cứu, soạn thảo các văn kiện, tài liệu huấn luyện.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trịnh Viết Tuệ-Chính ủy Lữ đoàn Pháo phòng không 234-cho biết: “Thiếu tá Ung Nho Trường không chỉ là người chỉ huy mẫu mực mà còn luôn tìm tòi nghiên cứu để đưa ra nhiều sáng kiến. Các sáng kiến của anh khi áp dụng vào huấn luyện vừa giảm được thời gian, công sức của bộ đội, vừa nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Chúng tôi luôn đánh giá cao những sáng kiến này. Sự gương mẫu đi đầu của Thiếu tá Trường sẽ thúc đẩy các phong trào của đơn vị ngày càng phát triển”.

VĨNH HOÀNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tieu-doan-truong-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-post249766.html