Tiểu đội dân quân 'mắt thần' biên giới
40 năm kết nghĩa với Quân khu 7, nhân viên bảo vệ của Công ty Cao su Lộc Ninh thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) có vùng sản xuất giáp ranh biên giới Vương quốc Campuchia được quân đội huấn luyện để trở thành những tiểu đội 'mắt thần', bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu
Dưới cái nắng trưa gay gắt của miền Đông Nam bộ, trong sân vận động trung tâm thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), nhiều cán bộ mặc đồng phục dân quân tự vệ vẫn miệt mài luyện tập. Đây chính là đội bảo vệ của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh “kiêm nhiệm” Tiểu đội súng máy phòng không 12,7mm đang trong tình huống giả định lắp súng máy để sẵn sàng chiến đấu. Buổi huấn luyện có sự tham gia của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Lộc Ninh. Theo nhiệm vụ, mỗi người vận chuyển một bộ phận của khẩu súng như thùng đạn, giá đỡ, khẩu súng, ống ngắm… Chỉ chưa đầy 2 phút, bài tập tháo lắp súng đã hoàn thành. Sau đó, mỗi người phụ trách một khâu như báo tọa độ, canh gió, lên đạn, giữ giá đỡ và ngắm bắn.
Quệt những giọt mồ hôi trên trán, ông Ngô Viết Bảo, trợ lý bảo vệ Xí nghiệp Cơ khí chế biến Lộc Hiệp (thuộc Công ty Cao su Lộc Ninh) kiêm Tiểu đội trưởng Tiểu đội súng máy phòng không 12,7mm, chia sẻ, công việc chính là bảo vệ tuần tra, kiêm luôn nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và dân quân tự vệ. Tiểu đội của ông thường xuyên được huấn luyện để có thể tác chiến độc lập và tham gia tuần tra phối hợp tại địa phương. Hàng tháng, công ty cũng có kế hoạch huấn luyện với nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới, nhất là những bài tập chiến đấu với máy bay.
Hàng năm, công ty chú trọng tuyển người mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào làm bảo vệ. Đơn cử như anh Nguyễn Trọng Biên, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Xí nghiệp Cơ khí chế biến Lộc Hiệp, sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã vào xí nghiệp làm việc từ năm 2004 đến nay. Theo anh Biên, nhờ có được kỹ năng trên thao trường trong thời gian quân ngũ nên anh không lạ lẫm với bài huấn luyện. Ngoài kỹ năng bắn súng, tiểu đội còn thực hành thường xuyên tình huống giả định bạo động, qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu.
Từ đường nhựa chính xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp) đi vào con đường xi măng giáp ranh biên giới Campuchia phải hơn 20km mới tới được Nông trường 5 của Công ty Cao su Lộc Ninh. Nông trường này có các điểm dân cư liền kề dọc tuyến biên giới và chốt dân quân biên giới. Xuyên suốt con đường dọc tuyến biên giới Campuchia này khoảng 40km nhưng chỉ có 3-5 điểm dân cư. Với hơn 10 năm tuần tra biên giới, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Nông trường 5 Lê Văn Nhã tâm sự, đối với bảo vệ nông trường, ngoài tập luyện, bảo vệ thường xuyên phải tuần tra 24/24 giờ. Vất vả nhất là vào mùa cạo mủ cao su, anh em phải tuần tra thường xuyên để tránh tình trạng kẻ gian vào trộm mủ. Mặt khác, nhân viên cũng thường xuyên tham gia trực với bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ để ngăn chặn tội phạm xâm nhập.
Chăm lo đời sống người dân vùng biên
Hàng năm, Công ty Cao su Lộc Ninh tổ chức ký kết nghĩa với Bộ CHQS tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ban CHQS huyện Lộc Ninh hỗ trợ công ty trong công tác huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ, tập huấn xây dựng các kế hoạch giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn công ty. Hiện Công ty Cao su Lộc Ninh có 10 tiểu đội tự vệ mới xây dựng, gồm 1 trung đội súng máy phòng không 12,7mm, 1 đại đội cơ động, 1 đại đội pháo binh. Bên cạnh đó, tổ lực lượng dự bị động viên gồm 1 trung đội sửa chữa và 1 trung đội vận chuyển.
Ông Lê Thanh Nghị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Lộc Ninh, cho biết, bên cạnh huấn luyện, những năm qua, công ty đã bàn giao hơn 29ha đất cho Bộ CHQS tỉnh Bình Phước thực hiện xây dựng căn cứ hậu cần kỹ thuật và nhiệm vụ quốc phòng, như xây dựng khu Di tích Sư đoàn Bộ binh 302 lực lượng vũ trang, xây dựng điểm cụm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Lộc Thiện. Hiện công ty đang hoàn tất hồ sơ tiếp tục bàn giao gần 5ha xây dựng cụm Điệp báo 5, Phòng Quân báo…
Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, cho biết, Bộ CHQS tỉnh đã giúp đỡ, hướng dẫn các công ty xây dựng lực lượng tự vệ với phương châm vững mạnh và rộng khắp, đúng và đủ các thành phần theo quy định. Công ty Cao su Lộc Ninh đã cưa bỏ 296 cây cao su đang khai thác, với diện tích trên 6.000m2 nhằm hỗ trợ Đội K72 cất bốc được 101 hài cốt liệt sĩ tại ấp K54, xã Lộc Thiện. Hàng năm, công ty phối hợp tặng quà, thăm hỏi các gia đình chính sách, đồng bào nghèo với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng và hỗ trợ xây nhà tình nghĩa quân dân tại Đoàn kinh tế quốc phòng 778.
Trải qua 40 năm kết nghĩa (1983-2023), Quân khu 7 và VRG đã nâng cao hiệu quả hợp tác trong xây dựng, phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng. Quân khu đã hỗ trợ tập huấn, huấn luyện tự vệ cho trên 1,5 triệu lượt người là lực lượng tự vệ ngành cao su và gần 1.000 lượt quân nhân dự bị, kết hợp với các lực lượng chức năng tuần tra truy quét, phát hiện tội phạm. Bên cạnh đó, VRG phối hợp với Quân khu 7 để liên kết phát triển sản xuất, hỗ trợ về vốn, cây giống, tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, lập dự án phát triển thêm diện tích cao su, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ. Đặc biệt, VRG hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây công nghiệp, cây xanh ở doanh trại đơn vị, làm đường, kéo đường điện cao thế, xây dựng khu vui chơi thể thao… cho các đơn vị thuộc Quân khu 7 với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng; làm 517km đường giao thông nông thôn, xây hơn 700 căn nhà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo vùng biên giới.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tieu-doi-dan-quan-mat-than-bien-gioi-post688191.html