Tiêu dùng trong nước đang tăng trưởng thấp hơn năm ngoái, liệu có đáng lo ngại?

Mặc dù ghi nhận mức tăng 8,6%, tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm nay phục hồi, nhưng vẫn thấp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2% và doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 37,1%.

 Tiêu dùng trong nước đang tăng trưởng thấp hơn năm ngoái. (Ảnh: VM)

Tiêu dùng trong nước đang tăng trưởng thấp hơn năm ngoái. (Ảnh: VM)

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng, là có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành.

Trong đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng, ước đạt 8,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa trong nước tăng.

“Số người Việt Nam xuất cảnh 6 tháng đầu năm nay tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023, theo đó đã tác động lan tỏa tích cực đến các ngành dịch vụ lưu trú; ăn uống; vận tải và dịch vụ du lịch lữ hành”, bà Hương cho biết.

Mặc dù ghi nhận mức tăng 8,6%, tuy nhiên, bà Hương cho biết mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm nay phục hồi, nhưng vẫn thấp.

Trước thực trạng này, bà Hương đề nghị các bộ, ngành địa phương triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7, tránh tình trạng “tát giá theo mưa”.

Đồng thời giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; Bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ.

Bà Hương đề nghị ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số, thương mại điện tử.

“Theo khảo sát của GSO, có tới 37% doanh nghiệp ngành thương mại và dịch vụ kiến nghị có các biện pháp kích cầu trong nước”, bà Hương nói.

Ngoài ra, bà Hương kiến nghị thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tieu-dung-trong-nuoc-dang-tang-truong-thap-hon-nam-ngoai-lieu-co-dang-lo-ngai-post301801.html