Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh như thế nào?
Bệnh tiểu đường thai kỳ (GD) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ biến chứng khi sinh và thời kỳ sơ sinh, tăng tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe.
Healthnews thông tin trong quá trình phát triển của bào thai, em bé nhận được mọi thứ cần thiết để phát triển, bao gồm cả nguồn cung cấp đường ổn định từ dòng máu của mẹ qua nhau thai. Khi lượng đường trong máu thai phụ không được kiểm soát tốt, lượng đường trong máu của bé cũng theo đó tăng cao hơn bình thường.
Tình trạng này khiến tuyến tụy của thai nhi phải sản xuất nhiều insulin hơn để ổn định lại lượng đường trong máu. Mặt khác, tăng insulin cũng đồng nghĩa với việc tăng sản xuất chất béo thường xuất hiện ở vùng vai.
Đối với nhiều phụ nữ, chẩn đoán mắc GD có thể khiến họ bị bối rối và lo lắng. Tuy nhiên, điều quan trọng là thai phụ phải kiểm soát lượng đường trong máu của bản thân khi phát hiện ra bệnh.
Dưới đây là những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi và trẻ sơ sinh.
Làm thai nhi phát triển nhanh
Tác động rõ rệt nhất đối với trẻ sơ sinh khi lượng đường dư thừa là nó sẽ kích hoạt sự phát triển nhanh chóng, dẫn đến việc trẻ to lớn hơn bình thường. Macrosomia là thuật ngữ y tế để chỉ những trẻ sinh ra nặng hơn 4 kg.
Chậm phát triển thần kinh
Trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh tiểu đường thường được mô tả là "chưa trưởng thành" về mặt thần kinh so với những trẻ khác có cùng độ tuổi thai kỳ. Các nhà khoa học cho rằng điều này sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng khi trẻ thở, ăn và cư xử trong giai đoạn sơ sinh.
Nguy cơ sinh non hoặc thai chết lưu cao hơn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người mẹ bị tiểu đường thai kỳ được kiểm soát tốt sẽ giảm ít nhất 10% nguy cơ thai chết lưu so với những người kiểm soát kém hơn.
Rủi ro biến chứng khi sinh
Đối với những thai phụ kiểm soát GD kém, việc chuyển dạ và sinh nở của họ sẽ mang nhiều rủi ro tiềm ẩn. Ví dụ, những em bé lớn hơn sẽ khó sinh qua ống âm đạo, điều này có thể khiến người mẹ phải sinh mổ, thậm chí tỷ lệ sinh mổ còn tăng cao hơn nếu người mẹ bị mắc huyết áp cao hoặc tiền sản giật.
Cùng với đó, tình trạng thiếu oxy cũng là vấn đề phát sinh đáng lo ngại đối với thai nhi. Trong trường hợp xấu, thiếu oxy có thể dẫn đến tổn thương não, tổn thương dây thần kinh hoặc các khuyết tật lâu dài khác.
Làm lượng đường trong máu trẻ sơ sinh thấp (hạ đường huyết)
Tất cả trẻ sơ sinh đều bị giảm lượng đường trong máu tạm thời sau khi cắt dây rốn. Tuy nhiên, phần lớn trẻ sẽ tự điều chỉnh sự sụt giảm này thông qua bú mẹ hoặc bú bình - một cơ chế tự nhiên giúp cơ thể kích hoạt sản xuất glucose.
Khó thở
Một biến chứng khá phổ biến khác ở trẻ sơ sinh có mẹ mắc GD là khó thở (hay suy hô hấp). Khi điều này xảy ra, em bé cần thở oxy và các phương tiện hỗ trợ hô hấp khác cho đến khi bản thân có thể tự xoay sở.
Khó khăn khi cho bú
So với những đứa trẻ được sinh ra ở cùng tuổi thai, trẻ sơ sinh có mẹ bị GD sẽ khó bú sữa hơn. Kết quả là trẻ nhanh chóng mệt mỏi và có thể không hấp thụ đủ dưỡng chất từ sữa mẹ hoặc sữa công thức để phát triển.
Vấn đề tim mạch
Một kết quả khác chứng minh rằng GD có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của tim được gọi là bệnh cơ tim phì đại. Đây là tình trạng các cơ tim phát triển quá mức ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả. Bên cạnh đó, việc mắc GD của người mẹ còn ảnh hưởng lâu dài đến em bé như khiến chúng bị béo phì, kháng insulin, tiểu đường type 2.
Những cách giúp kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ
Khi bệnh tiểu đường thai kỳ được kiểm soát tốt, nguy cơ biến chứng sẽ giảm. Do đó, thai phụ cần trao đổi với bác sĩ để vạch ra kế hoạch tốt nhất cho thai kỳ và hướng đến sinh nở an toàn.
Ngoài ra, một số biện pháp mà phụ nữ mang thai có thể cân nhắc thực hiện khi mắc GD bao gồm: ăn uống một chế độ cân bằng với nhiều trái cây tươi, rau, protein nạc và chất béo lành mạnh; tránh thực phẩm và đồ uống có thêm đường, hạn chế tiêu thụ carbohydrate ngay cả khi chúng không ngọt; tăng cường hoạt động thể chất; kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và sử dụng các loại thuốc an toàn theo chỉ dẫn của bác sĩ.