Tiểu hành tinh giống Mặt trăng nấp sau sao Hỏa
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện một tiểu hành tinh gần sao Hỏa với thành phần rất giống với Mặt trăng của chúng ta. Tiểu hành tinh có ký hiệu là (101429) 1998 VF31.
Nó có thể là một mảnh Mặt trăng bị vỡ ra trong quá trình va chạm vũ trụ, trong giai đoạn hình thành Hệ Mặt trời.
Các tiểu hành tinh – đúng hơn là các tiểu hành tinh trojan của sao Mộc là nhóm gồm hàng nghìn vật thể quay trên quỹ đạo sao Mộc, tập trung chủ yếu ở hai điểm Lagrange cân bằng bền (L4 và L5).
Các nhà khoa học so sánh tình trạng đó với đàn cừu đi theo người chăn cừu. Các tiểu hành tinh cũng bị “cầm tù” trong các trường hấp dẫn của những “nguời chăn cừu” của chúng. Phần lớn các tiểu hành tinh trojan “đi theo” sao Mộc.
Tuy nhiên, một số hành tinh khác cũng có tiểu hành tinh trojan riêng. Chẳng hạn như sao Hỏa có 9 tiểu hành tinh trojan. Các nhà khoa học rất quan tâm tới các tiểu hành tinh trojan, bởi chúng là tàn dư của thời kỳ Hệ Mặt trời non trẻ. Đó là những gì còn sót lại từ vật chất tạo nên Thái Dương hệ.
Nghiên cứu mới được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học Italy, Bulgaria và Mỹ làm việc tại Đài quan sát và Cung thiên văn Armagh (AOP) ở Bắc Ireland. AOP đang nghiên cứu các tiểu hành tinh trojan sao Hỏa để hiểu rõ hơn về lịch sử ban đầu của Hệ Mặt trời, đồng thời có thể tìm ra các trojan có “người chăn dắt” là Trái đất.
Thật trớ trêu là các trojan sao Hỏa dễ tìm thấy hơn trojan Trái đất. Đó là do nếu Trái đất có các tiểu hành tinh trojan trên quỹ đạo thì các tiểu hành tinh trojan này luôn ở rất gần Mặt trời, tại những nơi mà kính thiên văn không thể phát hiện ra chúng.
Mười năm trước, giới khoa học tuyên bố phát hiện một trojan Trái đất với ký hiệu là 2010 TK7. Tuy nhiên, mô hình máy tính sau đó cho thấy vật thể này chỉ là một “du khách tạm thời” đến từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, chứ không phải là “tàn dư lịch sử” từ quá trình hình thành Trái đất.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy quang phổ X-SHOOTER đặt tại Chile để tìm hiểu thành phần của các trojan theo sau sao Hỏa. Kính thiên văn theo dõi sự phản xạ ánh sáng từ bề mặt tiểu hành tinh, nhờ đó các nhà khoa học có thể xác định thành phần của tiểu hành tinh.
Bằng cách so sánh quang phổ với các thiên thể khác của Hệ Mặt trời với thành phần đã biết, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ xác định được liệu tiểu hành tinh này được làm từ vật liệu tương tự như các hành tinh đá như Trái đất hay nó là một mảnh vật chất giàu carbon và nước từ bên ngoài Hệ Mặt trời, ở phía sau sao Mộc.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét tiểu hành tinh (101429) 1998 VF31. Dữ liệu trước đó cho thấy nó được cấu tạo chủ yếu từ chondrite - điều này không đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, lần này, các nhà khoa học đã thu thập được dữ liệu mới, chi tiết nhất từ trước đến nay. Sau khi phân tích quang phổ, họ thấy rằng bề mặt của tiểu hành tinh 101429 tương tự như bề mặt của Mặt trăng.
Vậy, tiểu hành tinh 101429 đến từ đâu? Các nhà khoa học cho biết 101429 có thể là một tiểu hành tinh chondrite thông thường, đã có được “hình dạng Mặt trăng” sau hàng tỷ năm bị xói mòn bởi bức xạ Mặt trời.
Cũng có khả năng là tiểu hành tinh đến trực tiếp từ Mặt trăng. Tác giả chính của công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Apostolos Christou, cho biết Hệ Mặt trời trong giai đoạn mới hình thành là một nơi rất nguy hiểm.
“Không gian giữa các hành tinh mới hình thành chứa đầy các mảnh vỡ và va chạm giữa chúng là điều hiển nhiên. Các tiểu hành tinh lớn liên tục va vào Mặt trăng và các hành tinh khác. Một mảnh vụn từ một vụ va chạm với Mặt trăng có thể đã đến quỹ đạo của sao Hỏa” - ông Apostolos Christou nói.