Tiêu hủy 6 triệu con lợn, thiệt hại chưa bao giờ có nhưng 'tạm hài lòng'
Dịch tả lợn châu Phi lây lan ra khắp 63 tỉnh thành, buộc tiêu hủy 5,9 triệu con lợn. Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, dịch bệnh này nguy hiểm và không dễ kiểm soát. Nói như thế không phải bao biện cho ai. Ông nhiều lúc không ngủ được.
Trung Quốc mất gần nửa tổng đàn, ta 6 triệu con
Tại tọa đàm “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống Dịch tả lợn châu Phi” vào chiều 26/11, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thông tin, tính đến 25/11, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 8.533 xã, 166 huyện/63 tỉnh. Số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con.
Đến nay, có khoảng 4.823 xã qua 30 ngày hết dịch mà không tái phát. Tuy nhiên, trong tháng 11, lại có 146 xã phát hiện có dịch trở lại với 134.000 con chết và tiêu hủy. Theo ông Dương, việc kiểm soát dịch tốt nhưng vấn đề chưa dừng lại, còn tiếp tục diễn biến phức tạp dù với cường độ thấp hơn.
Ông Dương cũng cho biết, DTLCP xảy ra gần 1 năm nay gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Trước hết là thiệt hại cho người chăn nuôi lợn và sau là gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khi triển khai hỗ trợ cho ngành chăn nuôi. “Chưa bao giờ ngành chăn nuôi thiệt hại lớn như vậy”, ông nói.
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, cũng thừa nhận, DTLCP đã cướp đi mất 30% tổng đàn lợn tại Hà Nội. Con số thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đề cập tới câu chuyện có hay không việc hệ thống phòng chống dịch của Việt Nam "vỡ trận" trong khi dịch tả châu Phi được dự báo trước cả năm ở Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng quan điểm “vỡ trận” là không đúng, không có cơ sở vì đây là dịch bệnh nguy hiểm.
Ông dẫn chứng, ở nước lớn, cường quốc về chăn nuôi lợn nhất thế giới là Trung Quốc. Họ có tổng đàn khoảng 600 triệu con, số lợn tiêu hủy vì dịch bệnh lên tới gần gần 50% tổng đàn, chúng ta thì tiêu hủy gần 6 triệu con. Hiện nay, giá lợn hơi tại Trung Quốc lên tới 150.000 đồng/kg.
“Nhận định Việt Nam “vỡ trận” là không đúng vì chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt... ”, ông Dương khẳng định lại lần nữa và cho biết, thế giới có bài học gì Việt Nam đều đúc kết đưa về cho người chăn nuôi. Chúng ta khá chủ động, có văn bản chỉ đạo, có diễn tập, kịch bản ứng phó... Tuy nhiên, bệnh này có tính chất phức tạp, nằm ngoài khả năng kiểm soát.
Một năm có dịch, Việt Nam vẫn bình ổn được thực phẩm. CPI 10 tháng qua chưa vượt con số 3, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành hàng thực phẩm. Đó là sự cố gắng rất lớn, trong đó có cả sự vất vả quyết liệt của doanh nghiệp, người chăn nuôi. Chúng ta đã làm hết khả năng. Xung quanh Việt Nam, các quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc,... dù có ngành chăn nuôi phát triển cũng đã xảy ra dịch bệnh.
“Dịch bệnh này nguy hiểm và không dễ kiểm soát. Nói như thế này không phải bao biện cho ai. Tôi nhiều lúc không ngủ được. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, tới chúng tôi nghĩ mọi cách để thông tin kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Tôi tạm thấy hài lòng về sự cố gắng của chúng ta”, ông Dương nói.
Giá thịt lợn đã dịu xuống
Riêng về vấn đề giá thịt lợn hơi xuất chuồng 69.000-80.000 đồng/kg thời gian gần đây tăng phi mã, ngoài chợ giá thịt lợn vọt tăng lên 140.000-180.000 đồng/kg, đặc biệt tại một siêu thị ở TP.HCM giá thịt lợn được niêm yết ở mức 280.000 đồng/kg, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, tình hình nguồn cung thời gian qua với thịt lợn rất rõ.
Ngành Nông nghiệp đã báo cáo Thủ tướng trên cơ sở đánh giá tổng đàn cung khẳng định là thiếu, do đó đã tác động đến giá thịt lợn đối với người tiêu dùng.
“Góc độ thị trường phải nhìn nhận với hàng gì cũng vậy, nơi nào nguồn cung thiếu thì giá cao, có nơi sẽ tăng cục bộ”, ông nói.
Cũng theo ông Tuấn, vừa qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác, chỉ đạo các Sở Công Thương bám sát doanh nghiệp sản xuất chế biến, khu giết mổ, kiểm tra kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh đưa ra sản phẩm chất lượng, đồng thời đảm bảo hài hòa về giá cả.
“Sáng nay, chúng tôi đã trao đổi với một số địa phương có nguồn cung lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Hưng Yên, Bình Dương,... các khu chợ đầu mối điểm giết mổ lớn tại địa bàn này và các tỉnh lân cận. Hiện tại, lợn hơi ổn định không tăng”. Ông Tuấn cho hay Công ty CP vừa báo giá 69.000 đồng/kg. Vận chuyển đi nơi này nơi khác tính ra giá lên đến 70.000-73.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, tới đây, Bộ NN-PTNT mời 13 doanh nghiệp chăn nuôi đang chiếm thị phần lớn nhất và đại diện 8 tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước họp để thống nhất, đánh giá tình hình.
Đến tháng 10, giá lợn hơi vẫn ở mức 41.000-43.000 đồng/kg. Tháng 11 mới được 2 tuần lên giá. Hiện nay, phía doanh nghiệp đồng tình và giữ giá bán chỉ khoảng 65.000-68.000 đồng/kg. Ví dụ, tại Bắc Giang, Công ty CP bán 68.000 đồng/kg, trong khi vẫn có người bán 75.000 đồng/kg.
13 DN đều đồng thuận với Bộ, Chính phủ để giữ mức giá, giữ được ngành hàng thị trường, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thực phẩm nhập lậu. Mặc dù Trung Quốc giá thịt lợn cao nhưng những nước có dịch bệnh lớn xung quanh Việt Nam hiện giá lợn khá thấp.
“Tuần nay giá thịt lợn đã dịu. Nói chúng ta 'vỡ trận' thì những người như chúng tôi buồn. Tôi không đồng tình. Đây là khó khăn thực sự, không được giấu. Không vào cuộc đồng bộ, nhân dân đồng lòng thì không vượt qua được 10 tháng qua”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.