Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Sơn, Thành viên Hội đồng Chứng minh
Cuộc đời Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Sơn là một tấm gương sáng ngời đạo hạnh, giới đức kiêm ưu, là bậc thạch trụ chốn tòng lâm. Dù đã thị tịch, nhưng những gì Hòa thượng để lại cho đời, cho người sẽ mãi không phai.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Sơn, Thành viên Hội đồng Chứng minh T.Ư GHPGVN, Chứng minh Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Chứng minh Ban Hoằng Pháp T.Ư, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Q.1, Nguyên Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Nguyên Ủy viên Ban Trị sự TP.HCM - Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.1, Chứng minh đạo sư tại tổ đình Phổ Quang (Q.Phú Nhuận), trụ trì tổ đình Vạn Thọ (P.Tân Định, Q.1,TP.HCM).
I. Thân thế
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Sơn, thế danh Nguyễn Văn Bằng, sinh năm 1929, tại xã Thạnh Trị, Quận Hòa Đồng, tỉnh Gò Công (nay là xã Đồng Thạnh, H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Mươi, pháp danh Minh Nghĩa, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chiêu, pháp danh Diệu Phổ. Hòa thượng là con cả trong gia đình có ba anh em, hai trai một gái, người em trai của Hòa thượng cũng xuất gia từ nhỏ là Hòa Thượng Thích Thanh Hùng, hiện là Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, trụ trì tổ đình Phổ Quang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Trưởng lão Hòa thượng được sinh ra trong một gia đình trung nông nhân từ, đạo đức nhiều đời kính tin Tam bảo. Thân phụ của Hòa thượng mất khi ngài còn ấu thơ và được thân mẫu nuôi dưỡng và hết lòng hướng dẫn anh em ngài hướng về đạo pháp. Chính vì nương nhờ đức mẹ mà anh em ngài được tiếp xúc với Phật pháp từ nhỏ, ngày ngày thường theo mẹ đến chùa làng tụng kinh, lễ Phật, công phu, công quả.
II. Thời kỳ xuất gia học đạo
Nhờ đã gieo duyên lành từ nhiều kiếp, sớm giác ngộ cuộc đời là ảo mộng, thế sự phù du lại được hướng về đạo pháp từ tuổi ấu thơ, lớn lên trong cảnh nước nhà đang khói lửa chiến tranh nhìn thấy nổi khổ đau của nhân thế, nên Trưởng lão Hòa thượng quyết chí xuất gia tu học.
Khi nhân duyên hội đủ, tâm bồ-đề kiên định, chí nguyện xuất gia mãnh liệt, được sự cho phép của mẫu thân, Hòa thượng quyết chí rời quê nhà, vượt qua những bãi mìn và nhiều hàng thép gai của ấp chiến lược vào lúc 1, 2 giờ sáng giữa lằn ranh sinh tử, đến sang hôm sau ngài đến được Mỹ Tho, từ Mỹ Tho ngài tiếp tục hành trình đến Sài Gòn, suốt chặng đường đi ngài gặp xe nào xin đi nhờ xe đó, đói thì ghé xin bà con bố thí cơm ăn, mất 3 ngày liền mới đến được tổ đình Vạn Thọ (Tân Định - Sài Gòn) và cầu Tổ Thiện Tường xuất gia tu học.
Nhìn thấy ở ngài một nghị lực phi thường, cùng hảo tâm xuất gia mãnh liệt, Tổ Thiện Tường đã thâu nhận làm đệ tử cho phép xuất gia, ban cho pháp húy là Thị Giác tự Hành Nhẫn, hiệu là Thanh Sơn, tiếp nối dòng pháp Lâm Tế đời thứ 42 và truyền Sa-di giới cho ngài. Kể từ đó, Trưởng lão Hòa thượng tinh tấn tu học, trải qua những năm tháng tu tập tại tổ đình Vạn Thọ, được hầu cận và học tập đức khiêm cung, giản dị, tiết kiệm của thầy Bổn sư, chủng tử Như Lai nơi tự tánh của Hòa thượng ngày càng hiện rõ.
Năm 1959, Tổ Thiện Tường nhận thấy ngài giới đức hội đủ, oai nghi đĩnh đạt, giáo lý tinh tường, hạnh nguyện kiên định, là người có khả năng hoằng dương giáo pháp, giữ gìn mạng mạch Phật pháp, xứng đáng trở thành pháp khí đại thừa, nên đã cho phép ngài đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo.
Khi tu học tại tổ đình Vạn Thọ, Hòa thượng được Tổ sư Thiện Tường đích thân dạy chữ Hán - Nôm, nhờ đó mà ngài am hiểu sâu sắc về chữ Hán, đặc biệt là chữ Nôm, văn tự do cha ông ta sáng tạo. Ngoài ra, Hòa thượng còn được học luật từ Tổ Thiện Tường, Tổ Hành Trụ và các danh Tăng thời bấy giờ. Cũng trong thời gian này, Hòa thượng đến tham học tại các trường gia giáo, vun bồi thế học và đạo học.
III. Thời kỳ hành đạo
Do tư chất xuất chúng, tài đức vẹn toàn, Hòa thượng được thầy Bổn sư giao cho trọng trách quản chúng và tri sự tổ đình Vạn Thọ. Không phụ lòng Thầy Tổ, ngài khéo léo sắp xếp mọi công việc Phật sự nơi tổ đình được trên thuận dưới hòa, trước sau, trong ngoài điều tốt đẹp, huynh đệ đoàn kết một lòng.
Năm 1980, nhận thấy ngài có khả năng “trụ pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, Hòa thượng Bổn sư quyết định truyền lại ngôi vị trụ trì cho ngài. Lúc bấy giờ, đất nước còn nhiều khó khăn của những năm đầu vừa mới thống nhất, đời sống chư Tăng gặp nhiều thiếu thốn, nhưng với nghị lực phi thường và đức độ của mình, Hòa thượng nỗ lực dấn thân chăm lo tốt cho đời sống chư Tăng, nhờ đó mà Tăng chúng yên ổn tu học. Bên cạnh đó, ngài còn nỗ lực vận động Phật tử tu sửa lại những nơi hư hại trong chùa, lấy lại phần lớn đất của chùa đã mất trước đó.
Trong pháp nạn năm 1963, cũng như bao Tăng Ni và đồng bào Phật tử khác, Hòa thượng luôn hưởng ứng theo lời kêu gọi bảo vệ Phật pháp của Giáo hội. Ngài được phân công cùng với Tăng Ni trẻ và sinh viên, học sinh Phật tử làm rào cản để ngăn không cho cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp cận Hòa thượng Thích Quảng Đức khi Bồ-tát tự thiêu, sau đó vì tham gia biểu tình mà bị bắt nhốt 2 tháng. Dẫu thân thể ở trong lao ngục, nhưng tinh thần của ngài vẫn nhớ nghĩ đến vận mệnh của Phật giáo và đồng bào, nguyện cầu cho kiếp nạn sớm qua, sớm ngày hòa bình, độc lập. Ngài đảm nhiệm chức vụ “Đặc ủy Thanh niên Phật giáo Q.1” nên ngài mở các lớp tình nguyện viên công tác xã hội”.
Ngoài thời gian tu học, chăm lo cho đời sống chư Tăng tại chùa, nỗ lực để phụng sự Tam bảo và Giáo hội, với phương châm cần có sức khỏe tốt để tu học và bảo vệ bản thân khi cần thiết, Hòa thượng còn nỗ lực luyện tập võ thuật. Ngài tìm tới thọ học với nhiều vị võ sư danh tiếng một thời hiện đang sống ẩn tại các chùa, đình, với tư chất cần cù thông minh, sáng tạo không bao lâu ngài đã am tường rất nhiều về các môn võ học, đặc biệt là môn võ Thiếu Lâm Bắc truyền (về sau ngài được suy tôn là Trưởng môn phái này) và trở thành võ sư nơi võ đường chùa Long Hoa. Ngài đã tham gia trực tiếp huấn luyện các võ sinh trở thành võ sư tại võ đường và các trung tâm võ thuật khác. Chính vì nhờ rất giỏi võ nên Hòa thượng đã hóa độ rất nhiều người lầm đường lạc lối trở thành những tay “anh chị giang hồ” trong vùng hướng thiện trở thành người tốt.
Ngoài ra với lòng từ bi của người con Phật và thực hiện trọn vẹn ngũ minh mong muốn hành y cứu người, ngài đã nỗ lực học về y thuật. Với bản tánh thông minh, siêng năng, cần mẫn, ngài đã tham học với nhiều danh y ở nhiều nơi và quan sát tỉ mĩ khi các danh y thực hành cứu người, tích lũy kinh nghiệm dần dần hoàn thiện tay nghề. Sau đó, ngài hành y cứu giúp dân chúng trong vùng. Nhiều người nghe danh nên tìm đến, nhờ thuốc hay tay nghề giỏi nên đều khỏi bệnh.
Từ năm 1981, sau khi mọi việc của chùa đã dần đi vào ổn định, Hòa thượng bắt đầu mở đạo tràng tu Bát Quan trai, lớp học tình thương, phổ cập văn hóa cho trẻ em nghèo, lò dạy võ thuật cho thanh niên, kết hợp với Lương y Thanh Hùng (tổ Đình Phổ Quang, Q.Phú Nhuận) mở phòng thuốc Đông y miễn phí. Nhờ uy tín và tài đức của Hòa thượng, người tìm đến tổ đình Vạn Thọ tu học và chữa bệnh ngày một đông, được các tạp chí trong và ngoài nước đưa tin thán phục. Hòa thượng đã thế phát xuất gia cho hàng trăm chư Tăng và quy y cho hàng ngàn tín đồ Phật tử, trong số đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị đã thành tài, đang cống hiến cho Giáo hội và đảm nhận vai trò trụ trì ở nhiều nơi như: Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Q.1, Đại đức Thích Đồng Thuận, Đại đức Thích Đồng Phước, Đại đức Thích Đồng Thiện…
Trên tinh thần trang nghiêm Tam bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian, ngoài việc trùng hưng chốn Tổ Vạn Thọ, Hòa thượng còn trùng tu xây dựng chùa Linh Quang (P.2, Q.Bình Thạnh), chùa Báo Ân (P.ĐaKao, Q.1), chùa Kim Thiền (Cù Lao Tân Thới, Tiền Giang), chùa Pháp Hoa (P.5, Q.6), niệm Phật đường Quảng Thành (Q.1).
Năm 2000, khi đường Hoàng Sa - kênh Nhiêu Lộc (Thị Nghè) trước chùa được giải tỏa trở thành đường lớn, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và Thành hội Phật giáo TP.HCM, Hòa thượng tiến hành đại trùng tu ngôi chánh điện quy mô trên diện tích 440 m2 gồm 1 trệt, 1 lầu, sau đó tiếp tục xây dựng nhà Tăng và giảng đường.
Năm 2012, nhận thấy tổ đình Giác Nguyên (Q.4) xuống cấp trầm trọng, cần phải đại trùng tu xây dựng để chư Tăng và Phật tử có nơi tu học, Hòa thượng đã cùng với sư đệ là Hòa thượng Thích Minh Nghĩa, trụ trì tổ đình Giác Nguyên đồng lòng, hợp sức trùng tu chốn Tổ, nơi dừng chân cuối cùng của Tổ Thiện Tường, để báo ân Tam bảo và Thầy Tổ.
Giai đoạn từ năm 1983 đến 2023, Hòa thượng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội và cơ quan Nhà nước như: Phó Trưởng ban Hướng Dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN, Trưởng ban Bảo trợ Ban Hướng Dẫn Phật tử T.Ư nhiều nhiệm kỳ, góp phần to lớn vào sự thành công của Ban hướng Dẫn Phật tử T.Ư, Chứng minh Ban Hoằng Pháp T.Ư GHPGVN nhiều nhiệm kỳ, Chứng minh Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư nhiều nhiệm kỳ, Ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Chánh Đại diện rồi đến Trưởng ban Trị Sự GHPGVN Q.1 nhiều nhiệm kỳ.
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM, nhiệm kỳ X (2022-2027), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã cung thỉnh ngài vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự.
Để ghi nhận những công đức lớn lao của Trưởng lão Hòa thượng, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX (2022 - 2027), GHPGVN đã suy tôn ngài lên ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minhGHPGVN; Ban Hoằng pháp T.Ư nhiệm kỳ IX (2022-2027 ) cung thỉnh ngài Chứng minh Ban Hoằng pháp T.Ư; Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư nhiệm kỳ IX (2022-2027) cung thỉnh ngài Chứng minh Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư.
Về công tác xã hội
Trưởng lão Hòa thượng tham gia Đại biểu HĐND Q.1 và P.Tân Định nhiều nhiệm kỳ. Ngài còn tham gia Ủy viên UBMTTQVN Q.1 nhiều nhiệm kỳ (từ năm 1981 đến năm 2016); để nghi nhận những công đức mà Trưởng lão Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo Pháp và Dân tộc, Chủ tịch nước đã trao tặng Hòa thượng Huân chương Đại Đoàn kết toàn Dân tộc năm 2017; Ủy ban T.Ư MTTQVN tặng Hòa thượng rất nhiều Bằng khen và Giải thưởng Đại Đoàn kết TP.HCM; Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen cho ngài 2 lần (năm 2012 và 2022); UBND và UBMTTQVN TP.HCM và Q.1 cũng trao tặng cho ngài nhiều bằng khen; T.Ư GHPGVN đã tặng nhiều Bằng tuyên dương công đức.
Ngoài ra, trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, Hòa thượng còn để lại cho đời nhiều trước tác như Thanh Sơn thi tập, nhiều bộ sách song ngữ viết bằng chữ Nôm và nhiều tác phẩm khác, những thi phẩm do Hòa thượng sáng tác vừa mang phong thái thiền gia vừa mang sắc thái dân tộc, khiến hậu nhân không khỏi thán phục.
IV. Thời kỳ viên tịch
Do vừa là võ sư vừa là lương y, nên bình sinh Trưởng lão Hòa thượng rất ít khi đau ốm, mặc dù những năm gần đây thân tứ đại mòn mõi theo thời gian nhưng ngài vẫn luôn quan tâm đến công tác Phật sự của Giáo hội, Phật sự tại tổ đình Vạn Thọ và các tự viện thuộc môn phong tổ đình, cũng như các công tác xã hội khác.
“Sanh tử chỉ vì hai việc lớn, Xuân thu giáo hóa tháng ngày qua”, khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, hóa độ chúng sinh của Trưởng lão Hòa thượng đã viên mãn thì cũng chính là lúc luật vô thường đưa Hòa thượng về Tây phương kiến Phật vào lúc 23 giờ 25 phút, ngày 8-6-2023 (nhằm ngày 21-4-Quý Mão), trụ thế 94 tuổi, 64 hạ lạp.
Cuộc đời Trưởng lão Hòa thượng là một tấm gương sáng ngời đạo hạnh, giới đức kiêm ưu, là bậc thạch trụ chốn tòng lâm. Ngài đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Với nếp sống giản dị chốn thiền môn, nụ cười hiền hòa ấm áp và những lời dạy bảo ôn tồn của ngài đã giúp Tăng chúng tổ đình Vạn Thọ được vượt qua những chướng duyên trước bao biến thiên lịch sử. Dù đã thị tịch, nhưng những gì Hòa thượng để lại cho đời, cho người sẽ mãi không phai.