Tiêu thụ dầu mỏ đã đạt đỉnh?
Giá dầu giảm do dịch bệnh Corona buộc các công ty trong ngành phải xem xét lại giá trị tài sản, trong khi đó các nhà lãnh đạo và chuyên gia tự hỏi liệu nhu cầu dầu có thể tăng lại.
Công ty dầu mỏ khổng lồ Royal Dutch Shell vừa hạ hàng loạt giá trị tài sản của mình vì tác động của dịch Covid-19 lên nhu cầu dầu và những thay đổi kéo dài trên thị trường. Hàng chục tỷ USD đã bị xóa khỏi tài khoản của công ty.
Angus Rodger của công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie cho biết: “Quá trình này sẽ tiếp tục và chúng tôi hy vọng sẽ có các vụ hạ giá trị lớn khác trong ngành dầu khí”.
“Cần đặt nghi ngờ về những thông báo này”, Moez Ajmi của công ty kiểm toán EY cho biết. “Trong giai đoạn khủng hoảng, người ta thường tận dụng cơ hội để ’dọn sạch’ danh mục tài sản của mình”, chuyên gia này cho biết.
Dù bằng cách nào, các công ty dầu mỏ cũng sẽ giảm ước tính giá dầu trong tương lai.
Khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân làm sụt giảm nhu cầu do các hoạt động kinh tế bị trì trệ và đặc biệt là sự đóng cửa tạm thời của ngành vận tải hàng không.
Trong năm 2020, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu sẽ giảm 8,1 triệu thùng/ ngày (mbd).
Trong năm 2021, cơ quan dự đoán một sự phục hồi chưa có với 5,7 triệu thùng/ngày, nhưng nhu cầu dầu vẫn dưới mức năm 2019 do những bất ổn trong lĩnh vực hàng không.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia và các nhà môi trường đang tự hỏi liệu nhu cầu sẽ thực sự tăng lại trong những năm tới.
Khái niệm đỉnh dầu ("peak oil" này đã được tranh luận trong nhiều năm. Trong một thời gian dài, các chuyên gia đã tìm cách xác định khi nào trữ lượng dầu của thế giới sẽ bắt đầu giảm. Ngày nay các chuyên gia tự hỏi khi nào nhu cầu dầu sẽ bắt đầu mất cân bằng.
Tổng giám đốc mới của BP, Bernard Looney cho biết: “Tôi không biết mọi thứ sẽ xảy ra như thế nào”. Do đại dịch Covid-19, các nhân viên văn phòng đã đồng loạt chuyển sang làm việc từ xa và các chuyến bay không được khai thác.
“Có phải đó là đỉnh dầu không? Có lẽ. Tôi sẽ không loại trừ”, ông Looney thừa nhận với tờ Financial Times.
Michael Bradshaw, giáo sư tại Trường kinh doanh Warwick, chỉ ra rằng các nhà bảo vệ môi trường và khí hậu đang thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế dưới dạng một “thỏa thuận xanh mới” để khuyến khích năng lượng tái tạo, xe điện hoặc phát triển của hydro xanh.
“Nếu làm được điều này, nhu cầu dầu có thể không bao giờ quay trở lại mốc đỉnh như trước Covid-19”, ông cho biết.
“Không có gì đảm bảo rằng ngành vận tải sẽ phục hồi hoàn toàn. Sau đại dịch, chúng ta có thể có cái nhìn khác liên quan đến các chuyến bay quốc tế hoặc việc đến sở làm việc”, ông cho biết thêm.
Nhưng đối với các chuyên gia khác, việc thay đổi mô hình không phải là ngay lúc này.
“Nhiều người đã nói, bao gồm giám đốc điều hành của các công ty lớn, rằng với sự thay đổi lối sống, làm việc từ xa và những thứ khác thì nhu cầu dầu có thể đã lên đến đỉnh điểm và suy yếu. Tôi không đồng ý với điều đó", Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA cho biết. “Các cuộc họp trực tuyến sẽ không giúp chúng ta đạt được các mục tiêu về năng lượng và khí hậu”, ông nói.
Do đó, một số lĩnh vực nhất định vẫn phải phụ thuộc vào dầu mỏ, chẳng hạn như vận chuyển phụ thuộc gần 94%. “Theo tôi, sự sụt giảm nhu cầu dầu vĩnh viễn là điều viễn tưởng”, Moez Ajmi nhận định và hình dung ra sự phục hồi trong những năm tới của các quốc gia, đặc biệt ở những quốc gia mong muốn khắc phục các doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản.
“Cần phải có thời gian để nhiên liệu hóa thạch cạnh tranh thực sự với các nguồn năng lượng tái tạo khác và chúng vẫn chiếm khoảng 80% năng lượng chính của thế giới”, ông cho biết thêm.
Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tieu-thu-dau-mo-da-dat-dinh-573919.html