Tiểu thương chần chừ, người trồng hoa Tết lo lắng

Thời điểm này, nhiều người dân trồng hoa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đứng ngồi không yên vì lo lắng sẽ mất vụ hoa Tết, bởi vì thời điểm này so với năm ngoái rất ít thương lái đặt cọc mua hoa.

Vườn hoa cúc của người dân ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) vắng bóng thương lái đến hỏi mua.

Vườn hoa cúc của người dân ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) vắng bóng thương lái đến hỏi mua.

Hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại các vùng trồng hoa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhà vườn đang tất bật chăm sóc để cho ra thị trường những chậu hoa cúc pha lê, hoa dạ yến thảo, hoa hồng… đẹp, thu hút khách hàng và hy vọng bán được giá cao. Tuy nhiên, người trồng hoa không khỏi lo lắng khi thương lái đến hỏi mua và chốt giá thưa thớt so với mọi năm trước.

Anh Nguyễn Thanh Trương, ở xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, năm ngoái vào thời điểm này các thương lái ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên đã đến thăm vườn hoa cúc của anh và đặt cọc tiền mua hoa và giữ hàng, tuy nhiên năm nay chỉ có vài thương lái đến thăm hỏi.

“Tôi trồng hoa đã hơn 15 năm qua nhưng chưa thấy năm nào sức tiêu thụ hoa Tết chậm như năm nay, nếu như mọi năm trước thì thời điểm này các thương lái đã đến chốt xong giá cả cùng như bỏ tiền mua hoa xong hết rồi” - anh Trương chia sẻ.

Ông Lê Văn Nông, ở xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) cho hay, thời điểm này thời tiết se lạnh dẫn đến việc chăm sóc gặp khó khăn trong việc cho hoa nở đúng vào dịp Tết. “Năm nay gia đình tôi trồng được khoảng 800 chậu hoa cúc pha lê, với đường kính từ 50cm đến 1m, nhưng đến giờ mới thương lái bỏ tiền mua khoảng 400 chậu, với giá 120 nghìn đồng/chậu, số lượng hoa cúc còn lại hy vọng thời gian đến sẽ có thương lái hỏi mua” - ông Nông nói.

Còn ở huyện Bình Sơn, anh Lê Bá Đức ở thị trấn Châu Ổ cho hay: “Hiện tại 300 chậu hoa cúc pha lê của gia đình tôi vẫn chưa bán được chậu hoa nào. Tôi thường xuyên túc trực tại vườn hoa để chăm bón cây, vừa mong mỏi thương lái đến hỏi mua hoa. So với năm ngoái, giá các chậu hoa cúc vẫn dao động từ 120 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/chậu tùy theo kích thước nhưng không biết đến khi nào mới bán được hết hoa vụ này”.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, năm 2024, toàn xã có khoảng 500 hộ trồng hoa Tết, với khoảng 250 nghìn chậu hoa cúc các loại. Hiện nay, các thương lái chỉ mới đến đặt mua khoảng 50% số hoa cúc người dân trồng.

Theo ông Trần Thiên Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, toàn huyện có hơn 1.000 hộ dân trồng hoa các loại để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, với số lượng khoảng 750.000 chậu hoa... Nghề trồng hoa ở địa phương cho doanh thu cao hơn nhiều so với trồng rau màu khác. Nhờ vậy, nhiều hộ dân địa phương thoát nghèo bền vững, đồng thời nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Ghi nhận của chúng tôi tại vườn hoa cúc của người dân ở huyện Tư Nghĩa (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vắng bóng thương lái đến hỏi mua hoa, trong khi đó bà con trồng hoa cúc vẫn đang tất bật tỉa nhánh, tưới nước nhằm giúp cây hoa sinh trưởng tốt và nở hoa đúng vào dịp Tết. Các chủ vườn hoa cúc còn gắn biển kèm số điện thoại dọc các tuyến đường dẫn vào thôn xóm để thương lái thuận lợi trong việc liên hệ với chủ vườn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân các thương lái chậm đặt cọc mua mua hoa bán Tết là do họ e ngại tình hình kinh tế khó khăn, dự đoán sức mua vào dịp Tết Nguyên đán năm nay giảm mạnh nên chần chừ không dám gom hàng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phải từ rằm tháng chạp trở lên thì sức mua hoa của thương lái mới mạnh và lúc đó họ mới vận chuyển đến các tỉnh để tiêu thụ.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tieu-thuong-chan-chu-nguoi-trong-hoa-tet-lo-lang-10297975.html