Tiểu thương 'chật vật' giữ khách trước dịch tả lợn Châu Phi
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương khiến người tiêu dùng e ngại. Còn tiểu thương tại các chợ truyền thống thì đứng ngồi không yên vì sức mua giảm mạnh.
Dịch tả lợn Châu Phi: Người dân e ngại, tiểu thương thấp thỏm
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 514 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 28 tỉnh, thành. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy đã vượt qua 30.000 con. Hiện tại, vẫn còn 248 ổ dịch tồn tại tại 20 địa phương, trong đó nhiều điểm nóng tập trung tại các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Phú Thọ, Sơn La...
Với đặc điểm lây lan nhanh và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%, dịch tả lợn Châu Phi đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Trong khi các cơ quan chức năng đang gấp rút triển khai các biện pháp dập dịch, công tác kiểm soát vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tình trạng người dân che giấu dịch.
Dư luận xã hội cũng bắt đầu xuất hiện tâm lý lo lắng. Nhiều người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn khi chọn mua thịt lợn, đây là mặt hàng vốn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày.

Tiểu thương lo lắng khi lượng khách sụt giảm do lo ngại về dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đan Tâm.
Ghi nhận ngày 21/7 tại chợ Đình Thôn, chợ Mỹ Đình (Hà Nội), không khí mua bán tại các sạp thịt lợn trở nên trầm lắng.
Ngồi sau quầy thịt, một tiểu thương bán thịt lợn hơn 10 năm nay thở dài: "Mấy ngày gần đây, khách thưa dần. Có hôm, thịt lấy về từ sáng mà đến trưa vẫn chưa bán hết một nửa. Người ta nghe nói có dịch nên dè chừng, không còn mạnh tay mua như trước nữa".
Chị này cũng cho biết, để giữ khách, chị phải cam kết thịt có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ. “Bán thịt mà cứ nơm nớp lo ế, rồi sợ khách nghi ngờ. Mình thì chẳng dám lấy hàng trôi nổi đâu, nhưng cũng chẳng biết khách có tin mình không nữa”, chị chia sẻ.

Các tiểu thương khẳng định thịt được kiểm định rõ ràng trước khi vào chợ. Ảnh: Đan Tâm.
Không chỉ người bán chịu ảnh hưởng, người mua cũng rơi vào thế khó. Chị Trần Thị Thanh - một khách hàng đang chọn mua thịt nói: “Nghe nói dịch lan nhanh lắm nên tôi chỉ dám mua một ít về nấu ngay trong ngày. Nhà tôi có trẻ nhỏ nên càng lo. Tôi cũng tính chuyển sang mua cá, thịt gà cho yên tâm. Nếu có mua thịt thì cũng phải chọn nơi quen biết, tin tưởng được”.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên hoang mang thái quá, đồng thời cần lựa chọn thịt lợn tại những nơi uy tín, có kiểm dịch rõ ràng. Việc tẩy chay toàn bộ thịt lợn không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi, tiểu thương mà còn không thực sự cần thiết nếu người dân lựa chọn mua thịt tại những nơi uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhiều người dân vẫn chọn ủng hộ thịt lợn tại những cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ, không mua thịt lợn giá rẻ bất thường. Ảnh: Đan Tâm.
Chuyên gia mong người dân đừng quay lưng với thịt lợn sạch
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, thông tin kịp thời đến người dân và hệ thống phân phối thực phẩm. Việc tiêu hủy lợn bệnh phải được thực hiện nhanh chóng, đúng quy trình nhằm bảo vệ đàn gia súc và sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng hướng dẫn người dân cách nhận biết thịt lợn bệnh đó là thịt có màu tái nhợt hoặc bầm tím, bề mặt chảy nước, có mùi hôi tanh, da xuất hiện các nốt xuất huyết nhỏ, thịt nhão và không đàn hồi. Khi nấu, nước thịt đục, không có váng mỡ và không thơm.
Ngược lại, thịt lợn sạch và an toàn thường có màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm, mỡ trắng, thịt khô ráo, đàn hồi tốt. Khi luộc chín, nước trong, có lớp váng mỡ và mùi thơm đặc trưng.
Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân không nên hoang mang mà nên lựa chọn thịt có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định an toàn. Đồng thời, các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tránh lây lan trên diện rộng.