Việt Nam sản xuất và xuất khẩu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, vì sao bệnh vẫn bùng phát?

Việt Nam đã sản xuất được vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã một thời gian dài, thậm chí còn xuất khẩu loại vaccine này, vì sao dịch bệnh vẫn bùng phát như hiện nay?.

Dịch bệnh gia tăng, giấu dịch và vứt lợn bệnh ra môi trường

Dịch tả lợn châu Phi lại đã và đang bùng phát nghiêm trọng trên nhiều tỉnh, thành. Đáng nói là tình trạng bán tháo lợn bệnh, vứt xác lợn bệnh trôi nổi ra môi trường gây ô nhiễm và tăng nguy cơ lây lan, khó kiểm soát.

Thông tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Số lợn mắc bệnh là hơn 29.642 con, số lợn chết và tiêu hủy là 30.462 con.

Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) chưa qua 21 ngày, số lợn mắc bệnh là 19.699 con, số lợn chết và tiêu hủy là 20.280 con.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50-60 con/ ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học.

Đáng nói là tình trạng giấu dịch, bán tháo lợn bệnh và vứt lợn bệnh ra ngoài môi trường gây nguy hại và tăng nguy cơ lây lan.

"Qua các kênh thông tin không chính thức, phản ánh từ người dân, các phương tiện truyền thông và các đoàn công tác của Cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh trên hệ thống đang diễn ra phổ biến, làm lây lan dịch bệnh và thách thức nghiêm trọng cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP", ông Minh nói.

Công an tỉnh Phú Thọ bắt và tiêu hủy 1,4 tấn lợn mắc dịch tả châu Phi qua địa bàn phường Kỳ Sơn

Công an tỉnh Phú Thọ bắt và tiêu hủy 1,4 tấn lợn mắc dịch tả châu Phi qua địa bàn phường Kỳ Sơn

Tình trạng giấu dịch DTLCP biểu hiện dưới nhiều hình thức (bán chạy, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn bừa bãi, báo cáo không đúng sự thật, thiếu sự chủ động kiểm tra từ cơ quan chức năng...), chủ yếu xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại kinh tế và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ.

Cũng theo ông Minh, có hiện tượng cán bộ thú y tại cơ sở lơ là, chưa thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y.

Liên quan đến quy định về chính sách hỗ trợ, khắc phục dịch bệnh động vật, Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết ngoài việc giá hỗ trợ còn thấp, thủ tục, thời gian hỗ trợ cho người chăn nuôi còn chậm: "Có trường hợp phải tới hàng quý, hàng năm, thậm chí hơn. Trong suốt quá trình như vậy, người chăn nuôi không có nguồn vốn để sản xuất nên xuất hiện tâm lý bán chạy để gỡ vốn".

Có vaccine xuất khẩu nhưng tỷ lệ tiêm phòng lại thấp

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay Việt Nam có 3 loại vaccine DTLCP của ba doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận lưu hành lưu hành. Tính đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 6,6 triệu liều vaccine phòng bệnh DTLCP.

Trong đó, Công ty Navetco đã sản xuất 2,2 triệu liều vaccine, gồm cung ứng trong nước gần 950.000 liều, xuất khẩu là 7.000 liều (sang Cộng hòa Dominica)...

Công ty AVAC đã sản xuất trên 4,4 triệu liều vaccine DTLCP gồm cung ứng trong nước hơn 3,1 triệu liều, xuất khẩu trên 516.000 liều…

Tiêu hủy lợn dịch tả châu Phi ở Gia Lai

Tiêu hủy lợn dịch tả châu Phi ở Gia Lai

Cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, tỷ lệ bảo hộ của vaccine rất cao. Trong gần 960.000 con lợn được tiêm phòng và đánh giá, chỉ có 988 con chết sau tiêm phòng.

"Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng bệnh DTLCP và đã xuất khẩu sang một số nước, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh trong nước vẫn còn nhiều thách thức", ông Minh thừa nhận.

Nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng vaccine trong chăn nuôi còn thấp theo Cục Chăn nuôi và Thú y là do vaccine phòng bệnh DTLCP mới chỉ được tiêm phòng trên lợn thịt, còn với lợn nái và lợn con tỷ lệ bảo hộ rất thấp.

Ngoài ra, công tác tham mưu chỉ đạo, tổ chức phòng, chống dịch bệnh chưa hiệu quả, chưa đúng quy định; chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức tiêm vaccine DTLCP cho đàn lợn thịt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Thêm vào đó, người chăn nuôi vẫn có tâm lý trông chờ vào nguồn vaccine hỗ trợ từ Nhà nước mà chưa chủ động mua để tiêm cho đàn lợn, hầu hết khi có dịch xảy ra mới tìm mua vaccine để tiêm phòng thì đã không kịp thời gian để vật nuôi có kháng thể.

Trong khi đó, qua kiểm tra, làm việc tại một số địa phương đang bùng phát dịch Cục Chăn nuôi và Thú y nhận thấy, một số địa phương bị dịch không thực hiện công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định;

Bên cạnh đó, địa phương còn chưa bố trí đủ kinh phí mua vaccine, việc triển khai mua vaccine và tiêm phòng cũng chưa kịp thời do vướng nhiều thủ tục đấu thầu; việc giao đầu mối mua vaccine tại các địa phương chưa thống nhất; một số địa phương chủ trương xã hội hóa hoặc chỉ hỗ trợ một phần vaccine phòng bệnh cho các đối tượng nhất định do đó chưa triển khai được đồng loạt các hoạt động tiêm phòng…

Tuyết Nhung

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-san-xuat-va-xuat-khau-vaccine-phong-dich-ta-lon-chau-phi-vi-sao-benh-van-bung-phat-post618209.antd