Tiểu thương Đà Nẵng dọn hàng sớm trước cảnh đìu hiu chợ 30 Tết
2 trung tâm buôn bán hàng hóa, hoa cảnh của TP Đà Nẵng đều vắng khách, sức mua yếu khiến hầu hết tiểu thương đành dọn hàng sớm.
Ngày 11-2, Chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trưa 30 Tết khá đìu hiu. Hầu hết các sạp hàng đã đóng cửa. Năm nay, tiểu thương tại đây nghỉ Tết sớm hơn mọi năm. Có đến 80-90% ki ốt tại chợ đóng cửa, chỉ còn lại một số sạp hàng thiết yếu như rau quả, thịt cá…ráng "cầm cự", mở cửa để chờ khách đến quá trưa.
Chị Nguyễn Thị Xinh (tiểu thương bán rau quả tại chợ) cho biết đã dự đoán được tình hình tiêu thụ yếu vào dịp Tết năm nay nên cầm chừng trong việc nhập hàng về phân phối. Tuy nhiên, đến quá trưa 30 Tết, sạp rau củ của chị vẫn còn hàng.
"Dù đã lấy hàng ít hơn một nửa so với năm ngoái nhưng tới giờ, chiều 30 Tết rồi mà vẫn còn. Cố gắng đứng bán đến khi nào hết người mua thì thôi, không thì cũng phải bỏ vì hư hỏng hết. Ế lắm, Tết năm nay buồn rồi" - chị Xinh than thở.
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường, cho biết năm nay, phần lớn tiểu thương đã dọn hàng, ngừng bán vào trưa 29 Tết. Lý giải điều này, ông Anh cho rằng do sức mua quá yếu dẫn đến việc nhiều tiểu thương không mặn mà trong việc nhập thêm hàng để phân phối.
"Tình hình dịch bệnh cùng lượng khách nước ngoài đến Đà Nẵng giảm, người dân xa quê cũng ít về thành phố ăn Tết khiến sức mua giảm mạnh. Lượng cung dồi dào nhưng người mua không bằng năm ngoái. Chợ năm nay khá đìu hiu" - ông Anh nói.
Tương tự, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ hoa Tết Đà Nẵng - trung tâm buôn bán hoa kiểng ngày Tết của thành phố (đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu) - cũng khá ảm đạm. Nhiều tiểu thương vì ngán ngẩm trước sức mua yếu nên đã dọn hoa, về quê vào ngày 29 Tết.
"Chưa có năm nào như năm này, các mặt hàng hoa đã ít, người mua càng ít hơn. Ế lắm, người ta chỉ xem thôi chứ không mua. Chậu mai chăm cả năm trời mà trả giá 1,2 triệu đồng thì bán kiểu gì" - anh Phong (Gia Lai), tiểu thương bán hoa tại chợ hoa Tết Đà Nẵng, nói.
Không riêng gì anh Phong mà những tiểu thương bán hoa, cây cảnh khác tại đây cũng đành chấp nhận chở về vì không có khách mua, nếu có khách cũng trả giá quá thấp.
Một tiểu thương khác chia sẻ, chưa khi nào giá hoa giảm mạnh và buôn bán ế ẩm như thế này, nhất là những ngày cao điểm như 28-29 Tết. Chẳng hạn hoa ly những năm bình thường đều có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/cặp nhưng nay chỉ dao động từ 350.000 - 450.000 đồng; đỗ quyên bình thường có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/cặp, nay chỉ dao động từ 180.000 - 200.000 đồng…
"Ngày 30 Tết những năm trước, tại chợ hoa trung tâm này luôn tấp nập người mua. Năm nay thì vắng người bán, vắng cả người mua. Ngồi đây mấy ngày Tết mà bán ra chắc chỉ còn khoảng 50% so với những Tết trước đây. Dịch Covid-19 khiến mọi người ngại đi chợ, giảm mua sắm..." - người này cho hay.
Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết đã triển khai đồng loạt 16 điểm bán thịt heo bình ổn giá từ ngày 28 đến 30 tháng Chạp. Các điểm bán thịt heo bình ổn có đầy đủ tại các quận, huyện của Đà Nẵng như:
- 407 Trưng Nữ Vương và các chợ: Hàn, Cồn, Đống Đa, Hòa Cường (quận Hải Châu)
- Chợ Mai, cửa hàng Trí tâm (15 Lê Hữu Phước, chợ An Hải Bắc), cửa hàng Thái Đạt (46 Lê Văn Thứ), cửa hàng C.P Fresh Shop (quận Sơn Trà).
- Các gian hàng gồm chợ Hòa Khánh, Minimart Anh Dương (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu)
- Các chợ Bắc Mỹ An, cửa hàng Trí Tâm đường Mỹ Đa Đông 3 và 7 Hồ Khắc Di (quận Ngũ Hành Sơn)
Hai điểm còn lại tại chợ Cẩm Lệ và chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang).
Ghi nhận hàng thịt heo bình ổn giá, thịt mông 150.000 đồng/kg, thịt vai 140.000 đồng/kg, ba chỉ 160.000 đồng/kg, sườn non 160.000 đồng/kg, xương nạc 100.000 đồng/kg, cốt lết 130.000 đồng/kg…
Theo Sở Công Thương, giá các mặt hàng bình ổn đảm bảo thấp hơn thị trường 10 – 15% và liên tục bổ sung để đảm bảo đủ hàng trong khung giờ phục vụ hằng ngày, Sở Công Thương cũng cho biết mỗi ngày Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 1.600 con heo, dự kiến lượng thịt heo cung ứng bình ổn năm nay khoảng 10 tấn, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.