Tiểu thương Hà Nội 'đau đầu' vì hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến
Do ảnh hưởng của việc thi công hầm chui đường bộ nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Hà Nội), nhiều tháng nay, các hộ kinh doanh tại khu vực công trình đều sụt giảm doanh thu. Một số cửa hàng mở cửa để giữ mối khách hàng quen, nhưng nhiều cửa hàng chấp nhận thua lỗ phải đóng cửa…
Kinh doanh ế ẩm
Công trình hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến được khởi công từ ngày 2/10/2020. Từ đó đến nay, các cửa hàng kinh doanh tại hai bên đường Tố Hữu (thuộc quận Thanh Xuân) đều rơi vào cảnh ế ẩm, cuộc sống ngột ngạt vì khói bụi, ô nhiễm, tắc đường.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Phạm Minh Hiếu (40 tuổi, chủ cửa hàng nội thất ô tô tại đường Tố Hữu) mong muốn công trình sớm hoàn thành và giải phóng khu vực thi công để hoạt động kinh doanh của anh trở lại bình thường. Anh Hiếu cho biết: "Từ khi vỉa hè đường Tố Hữu được đào lên để ép cừ, thi công thì lối vào cửa hàng cũng bị ngăn cách bởi công trường. Khá bất tiện nhưng tôi vẫn mở cửa hàng để phục vụ khách quen. Bên cạnh đó, khách cần gì thì tôi giao hàng đến tận nơi…".
Cũng theo anh Hiếu, mặc dù kinh doanh đình trệ vì công trường nhưng mỗi tháng, anh vẫn phải trả 15 triệu đồng thuê mặt bằng. Vì khó khăn nên vợ chồng anh Hiếu đã "thưa chuyện" với chủ nhà để mong nhận được sự chia sẻ nhưng đến nay, anh vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Anh Trần Văn Thưởng (41 tuổi, chủ cửa hàng in tại đường Tố Hữu) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Do thi công công trình nên nhiều tháng nay, cửa hàng in của anh không có khách. Thu nhập từ công việc in ấn tài liệu cho khách quen cũng bập bõm và không đủ để chi trả khoản thuê cửa hàng, lương nhân viên, chi phí điện, nước…
Anh Thưởng cho biết: "Tôi thuê nhà làm cửa hàng in ở đây được 3 năm. Trước khi chưa có công trường thì mọi thu nhập đều đủ để chi trả các khoản tại cửa hàng như tiền đầu tư máy móc ban đầu, lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng 12 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước, rác… Tuy nhiên, từ khi phía trước cửa hàng trở thành công trường, tôi chỉ có thể đáp ứng yêu cầu của khách quen và đưa tài liệu đến tận nơi cho khách để có thu nhập".
Theo anh Thưởng, mặc dù chủ nhà chia sẻ một nửa chi phí thuê mặt bằng nhưng khoản chi hàng tháng là áp lực khá lớn với anh trong thời gian này. "Nếu chủ nhà không hỗ trợ, có lẽ cửa hàng tôi không trụ lại được. Ở đây, nhiều cửa hàng được chủ nhà hỗ trợ 100% chi phí thuê mặt bằng nhưng vẫn chẳng thể bán được gì. Các cửa hàng cơm, quán ăn buộc phải di chuyển, hoặc đóng cửa do công trường và bụi bặm, rồi tắc đường. Mong rằng công trường thi công đúng tiến độ, sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, vì nếu chậm bao nhiêu thì chúng tôi "chết" bấy nhiêu", anh Thưởng chia sẻ.
Khuyến mại sâu vẫn không có khách
Từ khi nút giao đường bộ nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến được khởi công, mặt đường Tố Hữu bị thu hẹp, lượng phương tiện lưu thông tại khu vực đã tắc, nay thêm tắc. Bụi bặm triền miên, anh Trường (37 tuổi, chủ cửa hàng kính thuốc T.M tại đường Tố Hữu) mất ăn, mất ngủ nhiều tháng nay vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.
Anh Trường cho biết, nhiều tháng nay, anh đã đưa ra những chương trình ưu đãi sâu để thu hút, giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, cửa hàng của anh Trường vẫn không một bóng khách. "Riêng tiền thuê mặt bằng là 20 triệu đồng/tháng, mặc dù tôi được chủ nhà hỗ trợ một nửa nhưng không thấm vào đâu. Chúng tôi đồng tình với chủ trương của thành phố, đặc biệt là làm cho đường phố thêm khang trang, giải tỏa các nút giao trọng điểm về ùn tắc, nhưng việc thất thu trong hoạt động kinh doanh, chúng tôi không biết bấu víu vào đâu. Bởi cái chúng tôi mất không phải là kinh tế, mà là nguồn khách hàng hiện tại và sau này", anh Trường cho hay.
Theo anh Trường: "Thời gian qua, tôi đưa ra nhiều chương trình ưu đãi để "kéo" khách, như tổ chức livestream trên mạng xã hội, tặng quà cho khách mua hàng, hoặc giảm giá trực tiếp cho khách lần đầu đến cửa hàng. Tuy nhiên, gần như chẳng có một bóng khách nào. Mấy hôm nay, lối vào cửa hàng đã được làm phẳng, khách hàng có thể đỗ xe để mua hàng nhưng cũng chẳng có khách".
Không chỉ hoạt động kinh doanh của anh Trường bị ảnh hưởng những giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông dày đặc, bụi bặm ô nhiễm cũng ảnh hưởng "miếng ăn, giấc ngủ" của gia đình anh Trường. Do đó, anh Trường mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, chủ đầu tư hỗ trợ phần nào cho những cửa hàng có thu nhập bị ảnh hưởng bởi công trình thi công.
Chia sẻ với PV, một CSGT Đội 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, đoạn Lê Văn Lương giao cắt Khuất Duy Tiến là nút giao trọng điểm về ùn tắc. Trước thời điểm công trình thi công hầm chui đường bộ được khởi công, nút giao này thường xuyên xảy ra ùn tắc và khi công trình đi vào thi công đến nay, lòng đường Tố Hữu bị thu hẹp, lối lưu thông mặt đường Khuất Duy Tiến bị thu nhỏ lại, tình trạng tắc nghẽn tại nút giao này càng tăng. Do đó, lực lượng cán bộ điều tiết giao thông luôn túc trực tại nút giao này từ 6h sáng đến 22h hàng ngày.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội, công trình hầm chui đường bộ nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến có độ khó cao và phức tạp. Bởi các đơn vị vừa xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ, đồng bộ tổ chức giao thông nút giao; vừa phải di chuyển, bảo vệ công trình ngầm nổi khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, đơn vị thi công đã hoàn thành việc di dời toàn bộ cây xanh trên dải phân cách giữa đường Tố Hữu - Lê Văn Lương để thi công 412m kết cấu mặt đường và lắp đặt hàng rào ngăn cách cũng như hệ thống chiếu sáng tạm cho khu vực công trình. Dự kiến đến cuối tháng 6/2021 sẽ hoàn thành hệ thống đường gom và thoát nước để chuyển sang giai đoạn 2 triển khai các hạng mục chính, hầm chính.
Dự kiến tháng 5/2022, giai đoạn 2 của dự án thi công hầm chính sẽ hoàn thành gờ chắn, tường chắn và một phần hầm kín, hầm hở trong phạm vi nút giao.