Tiểu thương ở TP.HCM dè dặt nhập bánh, kẹo Tết

Không chỉ tiểu thương gặp khó với hàng Tết, nhiều công ty, cơ sở chế biến trái cây sấy, bánh kẹo, mứt cũng phải cân nhắc lượng hàng hóa để đảm bảo tiêu thụ.

Gần 3 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2022, song nhiều tiểu thương kinh doanh bánh kẹo, mứt tại TP.HCM vẫn e dè chưa có kế hoạch nhập và trữ hàng do lo ngại sức mua giảm sau 1 năm dịch bệnh kéo dài.

Sau thời gian đóng cửa để phòng dịch Covid-19, các sạp hàng bánh kẹo, mứt tại các chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), An Đông (Quận 5), Bình Tây (Quận 6),… đã hoạt động trở lại. Theo các tiểu thương, sức mua những ngày qua đều giảm, chủ yếu là khách vãng lai nên họ cũng e dè trong việc nhập hàng cho Tết sắp tới.

Tiểu thương kinh doanh mứt Tết và các loại hạt tại chợ Bến Thành (Quận 1) ngóng khách.

Tiểu thương kinh doanh mứt Tết và các loại hạt tại chợ Bến Thành (Quận 1) ngóng khách.

Kinh doanh hơn 20 năm tại chợ Bến Thành (Quận 1) nhưng chị Thanh Thủy - chủ quầy mứt Đức Trí thời điểm này cũng chần chừ nhập hàng Tết, vì lo khó tiêu thụ. Sau giãn cách, doanh thu của sạp đã giảm 70-80%, chỉ có một số khách quen ghé mua nhưng lượng hàng không nhiều.

Việc buôn bán càng thêm khó khăn khi giá các loại hạt dinh dưỡng, trái cây sấy, ô mai đều tăng từ 10-15%, chi phí vận chuyển cũng nhỉnh hơn so với trước đây. Chị Thủy cho biết, khách sỉ tại Nha Trang, Đà Lạt, Tây Nguyên,… cũng không có đầu ra nên gần như chưa có tín hiệu nào cho bánh kẹo, mứt Tết.

“Mọi năm cứ đầu tháng 11 khách đã bắt đầu đi hỏi giá để nhập hàng Tết, nhưng giờ chợ đã mở cửa cả tháng, Tết lại đang đến gần mà chưa thấy ai gọi hỏi. Tôi không dám nhập hàng nhiều vì sau đợt dịch lần 1 và 2 buôn bán đã rất chông chênh, nếu nhập hàng mà không bán được cũng phải bỏ, mặt hàng Tết không để được lâu, chỉ 1-2 tháng là hỏng và phải bỏ thì sẽ mất cả vốn”, chị Thủy giãi bày.

Bên cạnh những lo ngại về giá và sức mua, tiểu thương Minh Phúc - chủ quầy bánh kẹo tại chợ Bình Tây (Quận 6) cũng không thấy khả quan khi hàng Tết đang “đứt gãy” nguồn cung. Mọi năm, bà Phúc thường đặt bánh kẹo từ cuối tháng 9 để tránh tăng giá nhưng năm nay, các cơ sở sản xuất đều báo chưa có hàng do thiếu công nhân, chưa có nguyên liệu. Các nhãn hàng thường tới giới thiệu sản phẩm mới, hoặc mời nhập bán cũng vắng bóng. Trong 1 tháng mở quầy trở lại, bà Phúc chỉ kinh doanh các loại bánh kẹo truyền thống, lượng hàng bán ra khoảng 30% so với trước đây nên kế hoạch trữ hàng Tết sớm cũng tạm gác lại.

“Tình hình buôn bán năm nay giảm nhiều, hàng hóa món có món không, trước đây đủ 90% các mặt hàng thì nay chỉ còn 30%. Hàng nhập ngoại cũng chưa có và cũng chưa có ai chào mời nên chủ yếu bán hàng nội địa. Các sạp hàng hiện đang chờ đến tháng sau xem tình hình có cải thiện hay không”, bà Phúc bày tỏ,

Vắng khách, một quầy bán bánh kẹo tại chợ Bình Tây dọn hàng từ 17 giờ.

Vắng khách, một quầy bán bánh kẹo tại chợ Bình Tây dọn hàng từ 17 giờ.

Không chỉ tiểu thương gặp khó với hàng Tết, nhiều công ty, cơ sở chế biến trái cây sấy, bánh kẹo, mứt cũng phải cân nhắc lượng hàng hóa để đảm bảo tiêu thụ. Ông Dương Cỏng Cấm, chủ một công ty kinh doanh trái cây sấy tại huyện Củ Chi (TP.HCM) cho biết, dù đã có một số khách hàng các tỉnh phía Bắc, Hà Nội, Nha Trang,... liên hệ hỏi hàng Tết, nhưng họ vẫn băn khoăn về số lượng nên tới nay vẫn chưa có đơn hàng nào.

“Thời gian qua, công ty chật vật khi hoạt động trở lại vì thiếu vốn, thiếu nhân công, chi phí nguyên liệu và phụ liệu tăng từ 30-85% nên phải nghe ngóng nhu cầu thị trường để tránh cung nhiều hơn cầu. Năm trước lượng hàng bán ra giảm 30%, năm nay chắc có thể giảm tới 40-50%. Hiện, lượng công nhân cũng đang giảm theo nên việc sản xuất hàng hóa Tết cũng phải tính toán sao cho phù hợp, đảm bảo số lượng để không thiếu, không thừa”, ông Dương Cỏng Cấm cho biết.

Dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến sức mua, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, mứt Tết hay tiểu thương kinh doanh ngành hàng này tại TP.HCM chọn cách hoạt động cầm chừng, chờ tín hiệu khả quan từ thị trường và khách hàng. Các tiểu thương đều hi vọng các tháng cuối năm, tình hình buôn bán sẽ cải thiện để có chi phí trang trải cho hàng hóa, nhân công và tiền thuê sạp./.

Trịnh Giang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/tieu-thuong-o-tphcm-de-dat-nhap-banh-keo-tet-903132.vov