Tiểu thương TP.HCM: 'Lần đầu thấy vật phẩm tăng cao đến vậy'
Biến động giá xăng trong nhiều tuần qua đã gây nên áp lực lớn lên chi phí vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước. Kéo theo đó là sự gia tăng bất ổn trong thị trường vật phẩm tại các chợ.
Không thể xác định giá hàng hóa mỗi ngày
Ngày 14/3, giá xăng dầu bán lẻ xăng RON95 29.824 đồng/lít; xăng RON92 28.985 đồng/lít; dầu diesel 25.268 đồng/lít; dầu mazut 20.987 đồng/kg và dầu hỏa 23.918 đồng/lít.
Đã hơn 2 tuần nay, vợ chồng anh Phạm Ngọc Luật (47 tuổi) – chủ của một sạp bán nhu yếu phẩm tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM) đã phải giảm số lượng hàng hóa nhập về đáng kể do sức mua của người dân không còn như trước. Anh chị chia sẻ phần lớn là do giá xăng dầu tăng khiến nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm tăng mạnh, người dân cũng e dè hơn trong việc mua sắm.
Điển hình rõ nhất là giá dầu ăn anh Luật nhập về ngày thường giao động chỉ từ 630.000 – 710.000 đồng cho 1 can 30 lít, nhưng ở hiện tại đã tăng lên 1.050.000 đồng. Ngay cả những nhu yếu phẩm được xem là phổ biến nhất như bơ thực vật, muối, đường cũng tăng vài nghìn đồng/ sản phẩm.
Chị Lê Hồng Cẩm (vợ anh Luât), chủ của sạp bán đồ nhu yếu phẩm tại chợ Phạm Văn Hai, TP.HCM.
Việc giá cả hàng hóa tăng đột ngột như vậy đã khiến cho lượng khách mua hàng tại sạp của anh chị giảm đi đáng kể. Các mối quen từ nhà hàng cũng giảm số lượng mua xuống, hơn 90% tổng lượng hàng so với trước kia. Cụ thể, lúc trước các mối quen lấy tại anh 1 toa hàng sẽ có giá khoảng 10 triệu đồng, nay chỉ lấy khoảng gần 1 triệu đồng cho 1 toa các với nhiều sản phẩm khác nhau.
Từ đó, doanh thu của sạp đi xuống, buộc anh chị phải tính toán về việc có nên tiếp tục nhập hàng về. Đồng thời, chấp nhận chịu thiệt, tăng giá nhẹ các mặt hàng theo thời gian để giữ chân khách thay vì tăng đột ngột theo giá niêm yết của công ty phân phối.
“Nhà tôi bán ở đây đã 2 đời rồi, riêng tôi thì đến nay làm được 30 năm. Nhưng đây là lần đầu tiên thấy hàng hóa tăng như thế. Có hôm còn không thể xác định được giá hàng mỗi ngày tăng giảm thế nào để nhập vào, vì nó bị giao động theo từng ngày, từng giờ. Như dầu ăn, sáng hôm qua có giá 990.000 đồng 1 can 30 lít, chiều cùng ngày thì lên 1.030.000 đồng 1 can, thật sự không biết sống sao”, chị Cẩm, vợ anh Luật bộc bạch
Sức mua giảm nhiều
Không chỉ riêng nhu yếu phẩm, ngay các mặt hàng thời trang trong khu vực chợ Phạm Văn Hai cũng tăng theo. Nhiều sạp đã mở cửa hơn 2 - 3 ngày vẫn chưa đón lượt khách nào.
Chị Nguyễn Xuân Hiền (51 tuổi), chủ sạp quần áo nữ tại chợ Phạm Văn Hai chia sẻ, giá xăng tăng cao làm cho giá quần áo chị nhập về cũng tăng không ít, khoảng 10.000 - 40.000 đồng/ sản phẩm. Nhiều lượt khách phàn nàn về giá cả sản phẩm, cộng thêm việc trả giá thấp hơn giá vốn khiến chị không thể bán được hàng trong nhiều tuần, lượng khách mua giảm hơn 50% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, chị còn phải chi trả cho việc di chuyển từ nhà ở Bình Tân qua đến Tân Bình để buôn bán. Nếu trước kia chị chỉ tốn khoảng 30.000 đồng tiền xăng cho việc đi lại trong ngày, thì nay chị phải chi trả gấp đôi, tương được 60.000 đồng.
Đỗ Thị Hương, 48 tuổi, bán mặt hàng gia dụng tại chợ Tân Định, TP.HCM.
Ngoài ra, chị cho biết thêm, bình thường cỡ 9 - 10 giờ chợ vẫn còn rất đông, nhưng gần đây hầu như tầm giờ này thì không còn ai ở chợ. Xuất phát từ việc lượng khách mua ít đi, khiến nhiều sạp bị thất thu. Từ đó khiến không ít chủ sạp phải đóng cửa tạm thời.
Người phụ nữ ngoài 50 tâm sự: “Hầu như người dân không có nhu cầu mua sắm nhiều, chủ yếu họ mua những nhu yếu phẩm, thứ cần thiết. Nên mấy ngày nay có khi chẳng bán được đồng nào, lâu lâu thì bấn được đôi ba các quần cái áo”.
Cũng như vợ chồng anh Luật và chị Hiền, chị Đỗ Thị Hương (48 tuổi) kinh doanh mặt hàng gia dụng tại chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) đã phải cầm cự nhờ các mối thân quen có sẵn. Tuy những vật gia dụng không tăng đáng kể, chỉ trên dưới 10.000 đồng, nhưng sức mua giảm nhiều.
“Chỉ mong giá xăng dầu có thể giảm bớt để thị trường buôn bán ổn định hơn một chút. Hoặc có thể nâng cao mức thu nhập cho công nhân, người dân để có thể ổn định cuộc sống hơn”, chị Hương chia sẻ.
PGĐ Sở Công Thương TP.HCM: Giá hàng hóa, thực phẩm thiết yếu sẽ được bình ổn đến hết tháng 3/2022
Chiều 14/3, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được giữ ổn định.
Theo ông Phương, do tác động của nhiều yếu tố như giá bao bì, nguyên liệu, xăng dầu đều có xu hướng tăng khiến chi phí sản xuất gia tăng dẫn tới giá hàng hóa trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống tăng. Tuy nhiên, qua theo dõi hệ thống phân phối hiện đại, giá tương đối ổn định, hàng hóa có giá thống nhất.
Doanh nghiệp nhận được nhiều đề xuất điều chỉnh tăng giá của nhà cung cấp nhưng tới nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét, điều chỉnh. Hệ thống phân phối đang rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố đầu vào, nếu đề xuất có cơ sở hợp lý thì mới nghiên cứu để thay đổi.
Ông Phương cũng cho hay doanh nghiệp đã cam kết giữ giá hàng hóa ổn định một tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Do đó, người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được giữ ổn định.
Về giá hàng hóa tại chợ truyền thống còn phụ thuộc vào lượng hàng, lượng khách mua sắm nên giá sẽ được điều chỉnh liên tục. Những ngày qua có dấu hiệu giá một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả có chiều hướng tăng. Nguyên nhân là chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu… tăng, ảnh hưởng đến giá hàng hóa.