Tiểu thuyết của nhà văn người Sri Lanka đoạt giải thưởng Booker
Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Shehan Karunatilaka mang tên 'The Seven Moons of Maali Almeida' được đánh giá như 'một hành trình tàu lượn siêu tốc qua cuộc sống và cái chết'.
Tác phẩm The Seven Moons of Maali Almeida (tạm dịch: Bảy tuần trăng của Maali Almeida) của tác giả người Sri Lanka Shehan Karunatilaka là tiểu thuyết được giải thưởng Booker năm nay. Ban giám khảo đã ca ngợi về tầm vóc và sự táo bạo trong phong cách tường thuật của cuốn sách.
Đây là tác phẩm thứ hai của Karunatilaka, kể về nhiếp ảnh gia Maali Almeida, người tỉnh dậy vào năm 1990, nhận ra mình đã chết và đang trong một nơi như văn phòng thị thực ở thiên đường; hoàn toàn không biết ai đã giết mình, Maali có bảy tuần trăng để liên hệ với người thân của mình và dẫn họ đến nơi trữ những bức ảnh chụp cảnh tàn bạo của cuộc nội chiến sẽ làm rung chuyển cả Sri Lanka.
Neil MacGregor, Chủ tịch ban giám khảo giải thưởng năm nay, cho biết cuốn tiểu thuyết được chọn vì “đây là cuốn sách đưa người đọc vào một hành trình tàu lượn siêu tốc qua cuộc sống và cái chết, thẳng vào tâm đen của thế giới, theo đúng lời tác giả”.
"Và ở đó, độc giả sẽ bất ngờ tìm thấy niềm vui, sự an tâm, tình yêu và lòng trung thành", ông nói thêm.
Cùng trong ban giám khảo, còn có học giả và phát thanh viên Shahidha Bari; nhà sử học Helen Castor; tiểu thuyết gia và nhà phê bình M John Harrison; tiểu thuyết gia, nhà thơ và giáo sư Alain Mabanckou. Theo chủ tọa, các giám khảo đều nhất trí trong quyết định trao giải cho Karunatilaka.
Khi nhận giải thưởng, Karunatilaka đã nói ông viết cuốn sách này dành tặng người dân Sri Lanka. Ông hy vọng rằng một ngày nào đó, tình hình chính trị ở Sri Lanka sẽ bình ổn; cuốn sách của ông sẽ được nằm trong mục văn học giả tưởng của các hiệu sách và không bị nhầm với chủ nghĩa hiện thực.
The Seven Moons of Maali Almeida được Nhà xuất bản độc lập Sort of Books phát hành. Đây là lần đầu tiên nhà xuất bản này có sách lọt vào danh sách đề cử Booker. Karunatilaka đã trở thành tác giả gốc Sri Lanka thứ hai giành chiến thắng, sau Michael Ondaatje năm 1992 với tác phẩm The English Patient (Bệnh nhân người Anh).
Các tác phẩm khác trong danh sách rút gọn năm nay là Glory của NoViolet Bulawayo, The Trees của Percival Everett, Treacle Walker của Alan Garner, Small Things Like These của Claire Keegan và Oh William! của Elizabeth Strout.
MacGregor nói rằng mặc dù cả 6 tác phẩm trong danh sách rút gọn đều rất khác nhau, nhưng “rõ ràng là… tất cả đều thực sự xoay quanh một câu hỏi về tầm quan trọng của cuộc sống cá nhân là gì?".
Bea Carvalho, trưởng bộ phận tiểu thuyết tại nhà sách bán lẻ Waterstones, cho biết bà và các đồng nghiệp của mình "vui mừng" vì cuốn tiểu thuyết đầy sáng tạo của Karunatilaka đã giành được giải thưởng.
Bà nhận xét The Seven Moons of Maali Almeida là "một kỳ tích, một sử thi viễn tưởng mổ xẻ một thời kỳ đen tối trong lịch sử cận đại với giọng điệu châm biến và cách điệu".
Booker là giải thưởng danh giá lâu đời tại Anh, được trao hàng năm cho các tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh, xuất bản tại Anh và Ireland. Giải này được trao lần đầu năm 1969, đến nay đã gọi tên hơn 50 nhà văn giành chiến thắng.
Năm ngoái, giải Booker thuộc về nhà văn người Nam Phi Damon Galgut với cuốn tiểu thuyết The Promise - tác phẩm được mô tả là câu chuyện lịch sử 40 năm phi thường tại Nam Phi gói gọn trong khoảng 300 trang sách.